Sự việc bắt đầu này sinh từ ngày 31/5, khi Phòng Giáo dục thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đưa ra tuyên bố sẽ buộc các thí sinh phải tham dự kỳ thi Gaokao vào tháng 7 tới mà không có điều hòa.
Gaokao là kỳ thi tuyển sinh đại học kéo dài hai ngày, quyết định số phận của hàng triệu sinh viên tốt nghiệp cấp ba ở Trung Quốc mỗi năm, được nhiều gia đình xem là một trong số ít cách để con cái họ tiến lên những bậc thang trong xã hội. Kỳ thi thường diễn ra vào tháng 6 nhưng năm nay đã bị hoãn lại đến tháng 7 vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do thời tiết oi bức hơn, các bậc phụ huynh đã kêu gọi chính quyền trang bị thêm máy điều hòa không khí cho các phòng thi, vốn là trang thiết bị hỗ trợ không bắt buộc trong các năm trước. Đây cũng là lý do đưa ra quyết định của chính quyền thành phố Hợp Phì.
Việc đưa ra tuyên bố từ chối đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt. Bởi nó được xem là gây ra một sự bất bình đẳng về tiêu chuẩn giáo dục giữa các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh và phần còn lại của Trung Quốc.
Kỳ thi đại học năm nay ở Trung Quốc bị lùi một tháng do Covid-19.
Trong nhiều cuộc tranh luận trên mạng Internet, việc có hay không có máy điều hòa không khí trong phòng thi đã nhanh chóng biến nó thành một thiết bị được sử dụng để phân biệt giữa những người có tiền và không có tiền.
"Tôi nghĩ rằng tất cả các phòng thi đều không có máy lạnh. Hóa ra dường như chỉ có mỗi chỗ chúng tôi không có", một người dùng Weibo chia sẻ.
"Những người làm ở Phòng giáo dục cũng đừng nên dùng điều hòa khi làm việc nữa thì hơn", một người khác lên tiếng phê phán.
Lý luận được một số người dùng đưa ra là việc không có máy điều hòa không khí trong phòng thi có thể làm giảm hiệu suất làm bài của học sinh. Nó khiến cho những người thi ở khu vực thành thị có điều kiện phòng thi tốt sẽ có lợi thế hơn các học sinh ở vùng khó khăn. Nhiều người yêu cầu cần có sự nhất quán về trang thiết bị phòng thi trong khu vực để mang lại sự công bằng cho tất cả thí sinh.
"Hãy vui lòng cài đặt máy điều hòa trên toàn tỉnh. Học sinh nông thôn cũng cần một phòng thi mát mẻ để làm bài", một bình luận nhận được nhiều đánh giá cao trên Weibo viết.
"Lắp cũng được thôi. Nhưng tôi thực sự lo lắng về việc một số thí sinh sẽ ngủ thiếp đi trong giờ thi mất", một bình luận bày tỏ theo cách hài hước.
Tới ngày 8/6, chính quyền tỉnh An Huy đã quyết định thay đổi quan điểm trước đó. Họ cho biết sẽ lắp đặt máy điều hòa không khí tại các địa điểm thi, tại tất cả 16 thành phố trực thuộc. Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà chính quyền địa phương ở Trung Quốc buộc phải thay đổi trước áp lực từ cộng đồng.
Máy lạnh đang được lắp đặt tại một số điểm thi Gaokao năm nay ở Trung Quốc.
Trên thực tế từ năm 2011, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã bắt đầu triển khai dự án Xây dựng phòng thi tiêu chuẩn quốc gia trên phạm vi cả nước. Mục đích của nó là để đảm bảo rằng tất cả các phòng thi đều có cùng điều kiện, từ hệ thống giám sát hiện đại nhằm ngăn chặn gian lận cho tới các yếu tố đảm bảo ánh sáng, vệ sinh, an toàn cháy nổ... cho thí sinh tham dự kỳ thi quốc gia. Các khu vực thi phải đảm bảo có phòng chỉ huy, phòng giám sát video, phòng vật tư phân phối, phòng bảo vệ, phòng dịch vụ tư vấn...
Nhưng không có tiêu chuẩn nào về việc bắt buộc phải có điều hòa không khí cho tất cả phòng thi. Bởi các năm trước, kỳ thi đều diễn ra vào tháng 6 và chỉ có một số ít khu vực điểm thi có nhiệt độ cao. Nhưng năm nay, Covid-19 đã khiến kỳ thi bị hoãn lại một tháng, khiến vấn đề điều hòa không khí của các phòng thi đại học được công chúng chú ý. Bởi sự việc ở An Huy có thể trở thành một hình mẫu để các địa phương khác học tập.
Tất nhiên với chính quyền các địa phương, đáp ứng yêu cầu này cũng là một áp lực rất lớn. Bởi nó liên quan tới rất nhiều vấn đề như kinh phí, vận hành lắp đặt, hệ thống biến áp bổ sung và cả vấn đề quản lý chất lượng trên diện rộng.
Cha mẹ chờ phía sau hàng rào trong khi con cái họ đi Gaokao ở Bắc Kinh, năm 2019.
Gaokao hay Cao khảo là kỳ thi Đại học được xếp vào hàng khó, khốc liệt và kinh khủng nhất thế giới. Nó bao gồm 4 môn thi, mỗi môn 3 tiếng gồm Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị). Đề chủ yếu là câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống, nổi tiếng là rất khó. Đề Toán được so sánh với chương trình cấp đại học ở Anh. Tuy nhiên, đối với nhiều sinh viên, đáng sợ nhất vẫn là bài luận.
Khoảng 10 triệu học sinh tham dự kỳ thi này hàng năm, nhưng chỉ 2% trong số đó được nhận vào 38 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, và chỉ 0,05% vào được đại học Thanh Hoa và đại học Bắc Kinh – được coi là Oxbridge (Oxford và Cambridge) của Trung Quốc.
Tham khảo Sina