Hàng loạt "gáo nước lạnh" đổ lên đầu Tổng thống Mỹ vì Greenland
Tổng thống Mỹ Donald Trump "yêu" bất động sản, một bài báo của Quartz viết. Suy cho cùng, thì trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông ấy cũng đã làm nên tên tuổi của mình trong ngành kinh doanh bất động sản.
Vì lẽ đó, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi ông Trump bày tỏ ý định mua Greenland, vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch nằm giữa Biển Bắc Băng Dương và Bắc Đại Tây Dương, nơi vốn đã có một căn cứ quân sự của Mỹ.
Phía Đan Mạch tất nhiên đã phản đối ngay khi có thông tin về ý định của ông Trump. Trong một dòng tweet ngày 16/8, Ngoại trưởng Kế hoạch đó không hợp lý, "chúng tôi mở cửa ngoại giao chứ không bán mình", người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Greenland khẳng định.
Trong khi đó, phản ứng của các chính trị gia Đan Mạch trước ý tưởng mới của ông Trump có phần gay gắt hơn, theo Quartz.
"Nếu [ông Trump] thực sự đang nghĩ tới điều này, thì đó là bằng chứng cuối cùng cho thấy ông ấy thật điên rồ", phát ngôn viên của Đảng Nhân dân Đan Mạch Soren Espersen nói với đài phát thanh địa phương. "Thật khôi hài khi nghĩ rằng Đan Mạch sẽ bán 50.000 công dân của mình cho Mỹ".
Trong khi đó, một nghị sĩ thuộc phe bảo thủ của Đan Mạch có tên là Rasmus Jarlov cũng đăng tweet khuyên ông Trump "Quên chuyện đó đi".
Tuy nhiên, ông Trump không phải là vị Tổng thống duy nhất nghĩ tới việc mở rộng lãnh thổ, Quartz cho hay. Thật vậy, trước đây nước Mỹ từng mua đất từ chính phủ nước khác, và thậm chí cũng đã từng cân nhắc chuyện mua Greenland.
Ông Trump không phải người đầu tiên muốn mua Greenland
Trong một bài viết về chuyện mua bán lãnh thổ quốc gia được đăng tải trên tạp chí Law Review của Đại học Pennsylvania năm 2014, nhà nghiên cứu Joseph Blocher từng khẳng định rằng việc các chính phủ mua bán lãnh thổ "không phải là chuyện hão huyền".
Theo Blocher, trong lịch sử, "thị trường" mua bán lãnh thổ giữa các quốc gia khá sôi động: "Nước Mỹ ngày nay bao gồm nhiều vùng đất được mua thêm vào: Louisiana, Alaska, và Hiệp ước Guadalupe Hidalgo [Mexico nhượng một phần đất cho Mỹ] đã đem lại cho Mỹ hơn một nửa diện tích lãnh thổ hiện nay. Và đó không phải là những phần lãnh thổ duy nhất trên thế giới từng được đem ra trao đổi".
Năm 1803, Mỹ đã mua vùng đất hiện nay là bang Louisiana từ tay Pháp với giá 15 triệu USD. Năm 1867, Mỹ mua Alaska từ Nga với giá 7,2 triệu USD.
Ngoài ra, năm 1917, Mỹ đã mua một cụm đảo từ Đan Mạch với gia 25 triệu USD, và sau đó đổi tên thành Virgin Islands. Đây chính là bằng chứng cho thấy Đan Mạch cũng từng bán đất của mình trước đây.
Phản ứng của cư dân mạng trước thông tin ông Trump muốn mua Greenland.
Tuy nhiên, dường như vùng lãnh thổ Greenland có ý nghĩa và mối quan hệ gắn bó đặc biệt hơn với Đan Mạch so với cụm đảo từng bị bán cho Mỹ. Theo Quartz, Đan Mạch trước đây từng từ chối tất cả những lời đề nghị của Mỹ về việc mua lại vùng đất này.
Theo một bài báo năm 1977 được đăng tải trên tờ Telegraph, nhà sử học người Đan Mạch Tage Kaarsted viết rằng tại một cuộc họp năm 1946 của Liên Hợp Quốc ở New York - khi đó Tổng thống Mỹ Harry Truman đang tại nhiệm - phía Đan Mạch đã nhận được lời đề nghị mua Greenland với giá 100 triệu USD từ Mỹ.
Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ James Byrnes đã thuyết phục Ngoại trưởng Gustav Rasmussen rằng Greenland chỉ là một "tảng băng lớn" đang đè nặng lên Đan Mạch, nhưng đối với Mỹ thì nơi này có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng.
Trước đó, dưới thời Tổng thống Mỹ Andrew Johnson, vào năm 1867, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từng nhắm đến hai vùng đất Greenland và Iceland.
Cũng giống như trước đây, Greenland vẫn được coi là địa điểm rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ, mà theo nghị sĩ bang Wisconsin Mike Gallagher thì Mỹ có "lợi ích chiến lược hấp dẫn ở Greenland".
Căn cứ không quân Thule của Mỹ là địa điểm chiến lược nằm giữa thủ đô Moskva của Nga và thành phố New York của Mỹ, được Bộ Tư lệnh Không gian của Không quân Mỹ và Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ sử dụng. Tại nơi này cũng lắp đặt một trạm radar thuộc hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ.
Hiện phía Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin ông Trump muốn mua Greenland. Vị Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đến thăm Đan Mạch vào tháng tới, và có lẽ ông cũng đang xem xét việc thảo luận về vấn đề này với giới chức Đan Mạch.