Ngày 22/6, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank, nay là ngân hàng Quốc Dân).
Hồi tháng 3/2018, TAND TP HCM đã tuyên phạt Lê Quang Trí (nguyên Tổng giám đốc Navibank) mức án 13 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng tội danh, 9 bị cáo đồng phạm cũng bị xử phạt từ 7-12 năm tù. Sau khi xét xử sơ thẩm, cả 10 bị cáo đã làm đơn kháng cáo, trong đó có đến Lê Quang Trí và 8 bị cáo khác kháng cáo kêu oan.
Ngoài ra, nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Quốc Dân (trước đây là Navibank) cũng có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung liên quan. Cụ thể, trong đơn kháng cáo, phía ngân hàng Quốc Dân HĐXX cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng và không đồng ý với phần nội dung tòa tuyên có liên quan.
Dàn lãnh đạo Navibank tại phiên tòa sơ thẩm.
Theo kháng cáo, việc tòa tuyên "Trách nhiệm bồi thường hậu quả dân sự 200 tỷ đồng đã được giải quyết tại bản án phúc thẩm của TAND Tối cao trong giai đoạn một xét xử vụ án Huyền Như, bản án đã có hiệu lực nên không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án này" là không đúng.
Ngân hàng cho rằng 200 tỷ đồng của 4 nhân viên Navibank gửi vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank đã được hạch toán trên hệ thống sổ sách. Sau đó, Huỳnh Thị Huyền Như mới phạm tội. Như vậy nếu nhân viên Navibank có sai phạm đi chăng nữa thì việc thiệt hại 200 tỷ đồng tiền gửi tại Viettinbank phải do ngân hàng Viettinbank chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, ngân hàng Quốc Dân cũng cho rằng việc tòa tuyên phải nộp lại hơn 24 tỷ đồng tiền lãi ngoài hợp đồng sung công quỹ nhà nước là vi phạm giới hạn việc xét xử. Đồng thời 300 triệu còn trong tài khoản của các nhân viên của Navibank gửi tại Vietinbank, ngân hàng Quốc Dân cho rằng phải hoàn trả lại cho Navibank chứ không có cơ sở giao cơ quan thi hành án xem xét kê biên để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án như tòa tuyên.
Bị cáo Lê Quang Trí (bên phải) kêu oan.
Theo bản án sơ thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP HCM) dùng danh nghĩa huy động vốn cho ngân hàng để nhận tiền gửi của nhiều cá nhân, đơn vị với lãi suất cao.
Trong đó, Huyền Như thỏa thuận với lãnh đạo Navibank về việc ngân hàng này gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất ngoài hợp đồng từ 2,5% đến 8,5% mỗi năm. Sau khi thỏa thuận xong, Hội đồng tín dụng của NaviBank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho nhân viên để các nhân viên này đi gửi tại Vietinbank.
Thực chất số tiền này là do Huyền Như huy động nhằm mục đích chiếm đoạt. Ngay sau khi các đơn vị, cá nhân gửi tiền vào tài khoản, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập các chứng từ giả, chữ ký giả của chủ tài khoản để chuyển tiền đi trả các khoản nợ cá nhân.
Từ ngày 19/11/2010 đến ngày 26/7/2011, Navibank đã cho 47 lượt nhân viên đứng tên vay 1.543 tỷ đồng gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Tổng số tiền lãi Navibank thu được là 75,7 tỷ đồng, trong đó lãi trong hợp đồng là 51,3 tỷ đồng, lãi ngoài hợp đồng là 24,3 tỷ đồng.
Từ việc làm này của dàn lãnh đạo Navibank đã tạo điều kiện cho bị án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên cán bộ của ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh) chiếm đoạt 200 tỷ đồng đến nay mất khả năng thanh toán.
Các bị cáo kháng cáo kêu oan gồm: Lê Quang Trí (Nguyên Tổng giám đốc), Đoàn Đăng Luật (Nguyên trưởng phòng nguồn vốn), Nguyễn Giang Nam (Nguyên phó tổng giám đốc), Huỳnh Vĩnh Phát (Nguyên trưởng phòng kế toán), Trần Thanh Bình (Nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp), Cao Kim Sơn Cương (Nguyên phó tổng giám đốc), Nguyễn Hồng Sơn (Nguyên Phó tổng giám đốc), Đinh Thị Đoan Trang (Nguyên trưởng phòng dịch vụ khách hàng), Phạm Thị Thu Hiền (Nguyên trưởng phòng pháp chế).
Theo đó, các bị cáo kêu oan cho rằng hành vi của bản thân không vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước (thông tư 02) về lãi suất trần. Theo các bị cáo, thông tư này chỉ điều chỉnh người huy động vốn.
Ngoài ra, các nguyên lãnh đạo Navibank này cũng cho rằng mình không vi phạm quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước, cũng như điều 94 Luật các tổ chức tín dụng. Nhiều bị cáo thừa nhận có sai nhưng cho rằng hậu quả chưa xảy ra.