Dân kiện quan ở TQ: Thị trưởng tranh luận trước toà, hơn 90 quan chức các cấp ngồi nghe

An An |

Trung Quốc hiện nay đang thúc đẩy hiện thực hóa các vụ án dân kiện quan, tránh trường hợp các phiên tòa rơi vào hiện trạng "dân kiện quan nhưng quan không xuất hiện".

Thông báo của tòa án Nhân dân Trung cấp Hồ Châu, Chiết Giang ngày 16/6 cho biết: Vào lúc 9h00 ngày 15/6, cùng với với âm thanh giòn giã của tiếng búa, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Hồ Châu đã mở phiên tòa xét xử một vụ kiện hành chính. Thị trưởng thành phố Hồ Châu Tiền Tam Hùng - người đứng đầu cơ quan hành chính thành phố - đã xuất hiện trong vai trò đặc biệt tại phiên tòa: Bị cáo.

Không chỉ Thị trưởng phải ngồi ở ghế bị cáo mà 7 thành viên khác của đội ngũ lãnh đạo chính quyền thành phố Hồ Châu, trong đó có 4 Phó Thị trưởng và 1 Bí thư chính pháp cũng tới và ngồi ở khu vực người tham dự phiên tòa.

Ngoài ra, hơn 90 quan chức đứng đầu phụ trách các bộ phận đơn vị của thành phố, quận huyện như Phó Bí thư đảng ủy thành phố, Bí thư Ủy ban chính trị pháp luật v.v... đều tới dự.

Thị trưởng ra hầu tòa

Chia sẻ với báo Tân Kinh, ông Ngô Quốc Cường - Luật sư văn phòng luật sư Kinh Bình Bắc Kinh kiêm người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cho biết, trước đó, ông không nghĩ rằng Thị trưởng Tiền Tam Hùng sẽ xuất hiện tại phiên tòa nhưng khi thấy thông báo khai mạc phiên tòa và biết rằng thời gian xét xử đã được ấn định vào sáng thứ Bảy 15/6 cũng như địa điểm diễn ra tại tòa án, ông này nhận thấy đó là một phiên tòa rất đặc biệt.

Luật sư Ngô cho biết, ban đầu ông nghĩ rằng sẽ có phóng viên trực tiếp đưa tin suốt phiên xét xử nhưng khi ra tòa, nhìn thấy đội hình của nhóm "bị cáo" Tiền Tam Hùng, ông mới hiểu lý do đặc biệt: Chính quyền thành phố Hồ Châu coi phiên tòa này là một buổi giáo dục tư tưởng, .

Ông này tiết lộ, vụ kiện hành chính này liên quan đến tranh chấp tháo dỡ di dời. Nguyên cáo cho rằng, hành vi hành chính của chính quyền Hồ Châu là bất hợp pháp nên đã đệ đơn kiện và hy vọng tòa án sẽ hủy bỏ quyết định hành chính đó.

Phiên tòa đã kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Trong suốt thời gian đó, ông Tiền Tam Hùng cũng bày tỏ quan điểm của chính quyền thành phố. Một mặt, ông thể hiện sự ủng hộ việc giải quyết tranh chấp thông qua pháp luật. Mặt khác, ông hy vọng rằng người dân sẽ quan tâm đến việc xây dựng chính quyền và giám sát việc xây dựng chính quyền.

Dân kiện quan ở TQ: Thị trưởng tranh luận trước toà, hơn 90 quan chức các cấp ngồi nghe - Ảnh 1.

Phiên tòa "dân kiện quan" được tổ chức hôm 15/6 tại Hồ Châu, Chiết Giang. Ảnh: Guancha

"Lãnh đạo đứng đầu địa phương đích thân tham gia vụ xét xử thì đó mới thực sự là phiên tòa dân kiện quan", luật sư Ngô Quốc Cường nói, "việc người đứng đầu địa phương ra tòa có thể sẽ phát huy vai trò thị phạm cực tốt". Ông này hy vọng, trường hợp này sẽ được diễn ra thường xuyên chứ không phải chỉ là một lần "làm màu".

Điều đáng nói là, sau phiên tòa ngày 15/6, thành phố Hồ Châu đã tổ chức một buổi học tập về pháp luật đối với toàn bộ hệ thống cán bộ lãnh đạo chính quyền thành phố và địa điểm được chọn chính là Tòa án Nhân dân Trung cấp Hồ Châu.

Trong cuộc họp, ông Tiền Tam Hùng nhấn mạnh, tất cả các cấp, ban, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cần nâng cao hơn nữa ý thức gấp gáp, trách nhiệm và sứ mệnh thi hành chính sách theo pháp luật.

"Tất cả từ trên xuống dưới, tăng cường học hỏi, nỗ lực nâng cao khả năng và trình độ thi hành chính sách theo pháp luật; coi kiên trì hòa giải ở cấp cơ sở là nhiệm vụ chính của quá trình hiện đại hóa quản lý cơ sở, vận dụng hiệu quả tư duy và phương pháp pháp luật để đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch; giải quyết hiệu quả mâu thuẫn tranh chấp ngay khi mới manh nha vấn đề, ở cấp thôn xã...", ông Tiền nói.

TQ hiện thực hóa các vụ án "dân kiện quan"

Vào năm 2010, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành sách hướng dẫn liên quan đến việc lãnh đạo cơ quan hành chính cấp cao địa phương - tức Thị trưởng - tham dự các vụ kiện hành chính, yêu cầu "đối với các vụ kiện hành chính quan trọng, người phụ trách cơ quan hành chính địa phương cần chủ động ra tòa để bào chữa".

Luật tố tụng hành chính mới của Trung Quốc, được thực hiện vào ngày 1/5/2015, cũng quy định người chịu trách nhiệm của cơ quan hành chính bị khởi tố sẽ xuất hiện tại tòa tham gia biện luận. Nếu không thể xuất hiện, họ sẽ ủy thác cho các nhân viên liên quan của cơ quan hành chính tham dự phiên xét xử.

Tuy nhiên, trong thực tế, tỷ lệ lãnh đạo cấp cao đầu cơ quan hành xuất hiện tại các phiên tòa là rất thấp.

Để giải quyết vấn đề nan giải "kiện quan nhưng quan không xuất hiện", trong những năm gần đây, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã liên tiếp ban hành các quy định liên quan để thúc đẩy các "lãnh đạo hành chính cấp cao nhất" xuất hiện tại tòa án.

Và trong hai năm qua, các thị trưởng của các thành phố đã có tham dự nhiều phiên tòa để tham gia tranh tụng.

Ví dụ, vào ngày 6/12/2017, Tòa án Nhân dân Trung cấp Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã tổ chức một phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính liên quan đến một công ty ở Hải Nam.

Công ty này tố cáo chính quyền nhân dân thành phố Bắc Hải không thực hiện các nghĩa vụ pháp lý trong việc xử lý giấy chứng nhận sử dụng đất đai. Vào thời điểm đó, ông Lý Diên Cường - Thị trưởng thành phố Bắc Hải, đại diện cho chính quyền thành phố Bắc Hải tham gia tranh tụng.

Hay vào ngày 27/11/2018, Tòa án Nhân dân Trung cấp Thành phố Tuân Nghĩa, Quý Châu cũng đã xét xử vụ kiện liên quan đến trường hợp đăng ký quyền sử dụng đất. Ông Ngụy Thụ Vượng -Thị trưởng thành phố và ông Dương Vĩnh Hoa - Giám đốc Sở Tài nguyên đất đai thành phố đã tham dự phiên tòa trong vai trò bị cáo.

"Bản thân tôi cảm nhận rất sâu sắc khi ngồi ở ghế bị cáo ngày hôm nay. Tôi thực sự cảm thấy được sự thiêng liêng, trang trọng và công bằng của pháp luật. Tôi cũng thực sự cảm thấy trách nhiệm lớn lao của việc thi hành chính sách theo pháp luật và xây dựng chính quyền pháp trị", ông Ngụy nói, "Hôm nay, tôi có một buổi giáo dục pháp luật sinh động, trực tiếp và thực tế."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại