Đó là tinh thần chính tại hội nghị về quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo diễn ra sáng 24/3.
"Nếu không nhìn thấy hạn chế thì vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết" - Phó Thủ tướng nói.
Theo ông, việc phát huy dân chủ trong ngành giáo dục là yếu tố quyết định đối với việc có thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục tốt hay không.
Vì vậy, không chỉ phải thực hiện tốt như các nơi mà còn phải đi trước để tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế chứ không tốt đẹp như trong các bản báo cáo.
Khẳng định, trách nhiệm của những hạn chế bất cập nói trên là của cả hệ thống, từ nhận thức cho tới quy định, song Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trách nhiệm trước hết là của giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó và hệ thống quản lý giáo dục các cấp.
Do đó, để phát huy quy chế dân chủ thì phải bắt đầu từ hệ thống quản lý giáo dục, từ phòng tới sở, rồi Bộ GD-ĐT.
Ông Đam cũng đề nghị phải rà lại các quy chế, quy định đặc biệt là công tác liên quan tới bổ nhiệm, tuyển dụng giáo viên.
Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm của hiệu trưởng, của người đứng đầu các cơ sở giáo dục. "Nơi nào quyền lực tập trung vào một người thì theo xu thế sẽ bị tha hóa".
Để thực hành dân chủ trong trường học, cơ chế đánh giá, giám sát có thể đo đếm được, tránh giám sát chung chung như trước. Áp dụng CNTT sẽ giúp việc đánh giá này có hiệu quả thực tế, không tràn lan.
Bỏ bộ chủ quản của các trường đại học
Dành khá nhiều thời gian cho vấn đề tự chủ đại học, coi đây là điều kiện gắn liền với dân chủ trường học, Phó Thủ tướng khẳng định, đã đến lúc khẳng định tự chủ là một thuộc tính của đại học.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH soạn 2 nghị định về tự chủ trong các trường ĐH và các trường giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, tự chủ được hiểu ở cả 3 mặt: Chuyên môn, tổ chức cán bộ và tài chính.
Hiện nay tự chủ đã được xác định thuộc tính khách quan của các cơ sở giáo dục nên các trường sẽ phải tự chủ ngay, chỉ đổi mới cơ chế cấp tài chính.
Cụ thể, việc cấp ngân sách sẽ tính toán theo đầu ra thay vì cấp theo đầu vào, số lượng giáo viên, biên chế như trước đây.
Phó Thủ tướng cho biết, trong phương án ban soạn thảo, ngay sau khi nghị định ban hành, khoản chi thường xuyên cho các trường sẽ được giữ nguyên trong 3 năm.
Trong thực tế có chuyện quản lý nhà nước mang tính chất cầm tay chỉ việc đã hình thành những quy định cứng nhắc. Những can thiệp ảnh hưởng tới tự chủ của các trường cần dỡ bỏ.
Vấn đề quan trọng nhất chính là xác định được quyền và hội đồng quản trị và hội đồng trường.
"Tiến tới phải bỏ bộ chủ quản đối với các trường ĐH. Trước đây khi đổi mới đưa ra bỏ chủ quan với doanh nghiệp nhà nước ai cũng thấy khó khăn. Nhưng chúng ta quyết tâm làm và làm được. Lần này cũng vậy".