Ngày 7/5/2023, Hội nghị bất thường cấp Bộ trưởng Ngoại giao của Hội đồng Liên Ả Rập (AL) họp tại Cairo đã thông qua nghị quyết 8914 nối lại sự tham gia của Syria vào tất cả các tổ chức và cơ quan của AL sau 12 năm bị đình chỉ tư cách thành viên.
Như vậy, Tổng thống Bashar Al-Assad có thể tham gia hội nghị thượng đỉnh Ả Rập sẽ được tổ chức ngày 19/5 tới tại Riyadh, Ả Rập Saudi.
Tuyên bố của hội nghị nêu rõ sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp thiết thực và hiệu quả để từng bước giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm về Syria.
Tư cách thành viên của Syria trong AL bị đóng băng tháng 11/2011 sau khi bùng nổ xung đột vũ trang ở nước này. Một số nước Ả Rập đã triệu hồi đại sứ của mình từ Damascus. Ban lãnh đạo Syria khi đó tuyên bố không chấp nhận quyết định của các nước Ả Rập đình chỉ việc tham gia của Syria vào các công việc của AL, coi đó là bất hợp pháp. Đồng thời, AL cũng đã không tham gia vào việc tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột Syria, một trong những quốc gia quan trọng của thế giới Ả Rập.
Phản ứng của các nước
Bộ Ngoại giao Syria hoan nghênh quyết định này và coi đây là bước đi vì lợi ích của tất cả các nước Ả Rập, đồng thời lưu ý rằng giai đoạn tiếp theo đòi hỏi một cách tiếp cận hiệu quả của Ả Rập ở cấp độ song phương và đa phương dựa trên đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.
Các nước Ả Rập đều cho rằng, việc đưa Syria trở lại AL sẽ góp phần khôi phục lại tình đoàn kết giữa các nước Ả Rập nhằm đối phó với những thách thức mới, xây dựng Trung Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Hội nghị bất thường cấp Bộ trưởng Ngoại giao của Hội đồng Liên Ả Rập (AL) nối lại sự tham gia của Syria vào tất cả các tổ chức và cơ quan của AL. Ảnh: EPA
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hoan nghênh quyết định đưa Syria, một trong những nước sáng lập ra AL trở lại tham gia tất cả các tổ chức, cơ quan liên kết của tổ chức này, điều này sẽ góp phần cải thiện bầu không khí căng thẳng ở Trung Đông và khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng và tái thiết Syria.
Trung Quốc hoan nghênh và chúc mừng việc Syria trở lại AL. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói, việc Syria trở lại AL sẽ giúp các nước Ả Rập tăng cường đoàn kết và đẩy nhanh quá trình phát triển và tái thiết thế giới Ả Rập.
Trong khi đó, các nước phương Tây, Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ không bình thường hóa quan hệ, không dỡ bỏ trừng phạt và không tham gia tái thiết Syria.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price coi quyết định đưa Syria trở lại Al là một sai lầm. Ông nói: "Syria không xứng đáng để trở lại AL. Mỹ hoài nghi về việc Tổng thống B. Assad sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria và quyết định của AL sẽ không ảnh hưởng đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp đặt đối với chính quyền Damascus."
Cơ hội và thách thức của việc đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập
Tại hội nghị Bộ trưởng ngoại giao họp tại Cairo ngày 7/5 vừa qua, cùng với quyết định nối lại quan hệ với chính quyền của Tổng thống Al-Assad, các nước Ả Rập tuyên bố ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria, đồng thời cho rằng vấn đề Syria chỉ có thể giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.
Điều này có nghĩa là các nước Ả Rập ngừng ủng hộ các lực lượng đối lập chống chính phủ Syria, tình trạng bạo lực sẽ giảm mạnh, các nước Ả Rập sẽ có tiếng nói chung, đây không chỉ là cơ hội lớn để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài 12 năm ở đất nước này, mà còn là cơ hội để các nước Ả Rập tham gia vào việc tái thiết đất nước Syria bị chiến tranh và động đất vừa qua tàn phá.
Việc đưa Syria trở lại AL sẽ góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực ở Syria, đồng thời dỡ bỏ các rào cản trong việc phát triển quan hệ giữa Syria với các nước Ả Rập. Các thành viên AL có thể tham gia vào các dự án tái thiết Syria, đất nước bị tàn phá nặng nề do chiến tranh và động đất vừa qua gây ra.
Bên cạnh các cơ hội, việc Syria trở lại AL và quá trình hòa giải gần đây giữa các quốc gia Trung Đông vẫn gặp một số thách thức nhất định. Đó là việc Mỹ và các nước phương Tây không ủng hộ Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập vả tiếp tục tìm cách gây sức ép đối với các nước Ả Rập để gây khó khăn cho quá trình này.
Washington tiếp tục sử dụng vấn đề nhân quyền để duy trì các biện pháp trừng phạt và họ vẫn chiếm đóng một phần lãnh thổ ở phía Bắc Syria.
Mặt khác, Israel gần đây vẫn tăng cường không kích Syria bất chấp sự lên án của các nước Ả Rập và cộng đồng quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không rút quân khỏi miền Bắc Syria với lý do chống lại các lực lượng của người Kurd mà Ankara coi là khủng bố.
Việc Syria trở lại AL không phải là một quá trình dễ dàng. Các nước như Qatar, Kuwait và Morocco mặc dù đồng ý về nguyên tắc đưa Syria trở lại Liên đoàn, nhưng với điều kiện Tổng thống Al-Assad phải cải thiện tình hình trong nước và hồi hương những người tỵ nạn. Đây là những vấn đề chính quyền Syria phải giải quyết để Syria có thể hòa nhập hoàn toàn vào cộng đồng các nước Ả Rập.
Việc các nước Ả Rập quyết định đưa Syria trở lại AL mở ra một tia hy vọng về sự hồi sinh hành động chung, hàn gắn sự chia rẽ giữa các quốc gia Ả Rập, nâng cao vai trò, vị thế của Ả Rập tại khu vực và trên trường quốc tế.
Đây cũng là một thất bại trong chính sách của Mỹ và phương Tây tại Trung Đông, đặc biệt trong việc cô lập Syria, đồng thời cho thấy sự suy giảm đáng kể ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông.