Đàm phán thương mại: Tại sao Trung Quốc thắng 1-0?

ĐỖ THIỆN - TRÚC QUỲNH |

Washington đã để lộ nhiều sơ hở trước thềm đàm phán thương mại với Trung Quốc và “chiến thắng Bắc Kinh” chỉ có thể là ngôn từ trên Twitter của ông Trump.

Quan hệ thương mại Mỹ và Trung Quốc (TQ) cuối tuần qua đã thoát khỏi giai đoạn căng thẳng khi cả hai đạt thỏa thuận ngừng đe dọa đánh thuế , gỡ “quả bom” chiến tranh thương mại. Khác với nhiều nhận định “Mỹ đã đánh nhanh thắng nhanh” khi buộc TQ phải nhượng bộ, thực tế Washington đã “lộ bài” khiến TQ chiếm ưu thế.

“Át chủ bài” Triều Tiên

Đàm phán thương mại Mỹ-TQ diễn ra khi Mỹ đang tiếp cận nồng nhiệt các chương trình thượng đỉnh liên Triều và chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vào tháng tới tại Singapore. Ông Trump không che giấu khát khao về việc lập lại trật tự ở Triều Tiên, nơi mà bao nhiêu người tiền nhiệm đau đầu khi rơi vào những cuộc đàm phán vô tận.

Chiến thắng ở Triều Tiên sẽ vô cùng quan trọng với ông Trump, chí ít là với tính cách của đương kim tổng thống Mỹ. Không may cho Washington, chỉ trong vòng hơn một tháng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Chủ tịch Tập Cận Bình đến hai lần trước khi lãnh đạo Bình Nhưỡng đến gặp tổng thống Mỹ. Và ngay lập tức Triều Tiên có dấu hiệu “nắn gân” Mỹ bằng các tuyên bố đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim.

Đã có người cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim sẽ có bàn tay đạo diễn vô cùng quan trọng của TQ, vốn gần gũi với Bình Nhưỡng trong suốt nhiều năm qua. Chính ông Trump cũng không giấu hoài nghi rằng TQ đã tác động đến Triều Tiên.

Là một doanh nhân, ông Trump hiểu rõ đàm phán thương mại về bản chất là sự đổi chác. TQ rõ ràng nhìn thấy nhu cầu của Washington, chính là một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thành công, trong đó TQ cũng “góp phần”. Và tất nhiên ông Trump phải chấp nhận những nhượng bộ nhất định mà thiết thực nhất là sự mềm dẻo trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-TQ đang nóng hơn bao giờ hết.

Chia rẽ trong đội ngũ đàm phán

Tờ New York Times mới đây đã chỉ ra các dấu hiệu cho thấy TQ sớm nhận ra sự chia rẽ trong đội ngũ đàm phán thương mại của ông Trump. Những gương mặt đại diện của Mỹ trong đàm phán với TQ đã bị rẽ đôi theo hai mục tiêu khác nhau.

Một bên là nhóm các nhà thương thuyết có xu hướng ôn hòa với TQ, mong muốn đạt thỏa thuận ngắn hạn với Bắc Kinh, đại diện là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, cố vấn kinh tế cấp cao nhất của Tổng thống Donald Trump là ông Larry Kudlow và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Nhóm này nhắm đến lợi ích cho một số ngành công nghiệp Mỹ và né tránh một cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nhóm thứ hai gồm các nhà thương thuyết có xu hướng “diều hâu” hơn, như đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Peter Navarro, cố vấn của Nhà Trắng về thương mại và sản xuất, cũng là tác giả của quyển sách Chết dưới tay TQ (Death by China). Nhóm này muốn gây áp lực với Bắc Kinh nhằm tạo ra những thay đổi cơ bản với nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, từ đó tạo ra các cơ chế giao thương sòng phẳng với Mỹ.

Sự chia rẽ này có thể nhận thấy khi các nhà thương thuyết của Mỹ đã “đóng khung” (framing) các kết quả đàm phán của Mỹ rất khác nhau. Hai nhà thương thuyết ôn hòa Mnuchin và Kudlow đã nhanh chóng tuyên bố “hai nước thoát khỏi nguy cơ chiến tranh thương mại” và nhấn mạnh TQ đã nhượng bộ bằng cách mua thêm hàng hóa Mỹ. Tờ New York Times cho rằng TQ trong nhiều tháng qua nỗ lực tiếp cận và thúc đẩy Mỹ cử ông Mnuchin trở thành đại diện trong thương thuyết với Bắc Kinh. TQ đã thành công khi Mnuchin trở thành trưởng đoàn đàm phán đến Bắc Kinh và đồng ý tham gia các cuộc gặp mặt kín với Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc vào đầu tháng 5 mà không có sự tham gia của bất kỳ quan chức kinh tế Mỹ nào khác, kể cả Navarro.

Các nhà thương thuyết “diều hâu” với TQ như Lighthizer và Navarro thì lại nhắm vào các “cuộc chiến sẽ tiếp diễn” thời gian tới với TQ. Lighthizer hôm Chủ nhật (20-5) khẳng định vấn đề TQ can thiệp vào tài sản trí tuệ của Mỹ, nhất là việc TQ gây áp lực với doanh nghiệp Mỹ trong tiếp cận thị trường để đổi lấy công nghệ sẽ chưa ngã ngũ. Lighthizer phàn nàn vấn nạn trộm cắp tài sản trí tuệ và bí quyết kinh doanh mà doanh nghiệp Mỹ gặp phải ở thị trường TQ, đồng thời khẳng định “các công việc cần thiết vẫn tiếp tục được thực hiện để đạt được những thay đổi trong hệ thống TQ”, tạo điều kiện cho quá trình chuyển giao công nghệ bắt buộc trong làm ăn kinh doanh. Lighthizer còn cảnh báo hàng chục triệu việc làm của người Mỹ có thể bị đe dọa nếu không giải quyết các vấn đề một cách triệt để.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross chuẩn bị đến Bắc Kinh để làm rõ chi tiết việc TQ cam kết gia tăng mua hàng của Mỹ. Thay đổi Mnuchin bằng Ross mà không phải các thương thuyết gia nhóm “diều hâu” cho thấy Mỹ tiếp tục tiếp cận TQ mềm dẻo. Nhưng khác với Mnuchin, các toan tính mềm rắn của Ross cho đến lúc này vẫn chưa chắc chắn. Giới quan sát dự báo căng thẳng có thể trở lại nếu Mỹ cảm thấy TQ cố ý trì hoãn các cam kết gia tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ.

Mỹ khó có thể rút ngắn thâm hụt thương mại

CNN dẫn ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Mỹ không thể khiến TQ cắt giảm đáng kể thâm hụt thương mại - con số đạt đến 375 tỉ USD vào năm ngoái. Ông Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận châu Á của Công ty nghiên cứu Oxford Economics, đánh giá yêu cầu cắt giảm 200 tỉ USD thâm hụt thương mại Mỹ-TQ của ông Trump là bất khả thi. Oxford Economics còn dự báo thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới có thể tăng thêm 100 tỉ USD năm nay vì chính quyền Trump đã giảm thuế và tăng chi tiêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại