Theo tin từ Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/1 nói rằng ông sẽ cử hai nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của nước này là Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin tới Trung Quốc vào giữa tháng 2 để tiến hành vòng đàm phán thương mại tiếp theo.
Trong một tuyên bố được hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đăng tải, hai bên đã đạt được tiến bộ quan trọng trong vòng đàm phán trung thực, cụ thể và hiệu quả. Theo tuyên bố, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng nông sản, năng lượng, sản phẩm công nghiệp và dịch vụ của Mỹ, nhưng không công bố chi tiết cụ thể. Ngoài ra, tuyên bố cũng nói hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về bảo vệ tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Tuyên bố từ Nhà Trắng sau vòng đàm phán không đưa ra một danh sách cụ thể các cam kết của hai bên, thay vào đó chỉ nói rằng đã có tiến bộ và "vẫn còn nhiều việc cần phải làm". Nhà Trắng nhắc lại lời cảnh báo nâng thuế quan áp lên 200 tỷ USD từ 10% lên 25% sau ngày 1/3 trừ phi đạt được một "kết quả thỏa mãn".
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng sau khi gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, ông Trump cũng nêu khả năng có một cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi ông nhận được một thư mời từ ông Tập. Nhiều khả năng, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập sẽ diễn ra sau khi ông Trump có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 2.
Ông Trump nói các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã đạt "tiến bộ lớn" trong vòng đàm phán kéo dài 2 ngày vừa rồi, nhưng điều đó "không có nghĩa là chúng tôi đã có một thỏa thuận". Ông Trump cũng nói việc Trung Quốc nhất trí nhập khẩu một lượng lớn đậu tương Mỹ là một dấu hiệu của thiện chí.
Việc Mỹ và Trung Quốc nhất trí tiếp tục đàm phán làm dấy lên những hy vọng mới về việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tìm ra giải pháp để chấm dứt xung đột thương mại trước ngày 1/3.
Tuy nhiên, đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy hai nước có thể xóa bỏ sự bất đồng trong những vấn đề lớn như chính sách sở hữu trí tuệ, trợ cấp doanh nghiệp quốc doanh, và quyền tiếp cận thị trường của Trung Quốc.
"Tuyên bố của Mỹ sau đàm phán cho thấy có tiến bộ, nhưng chỉ là tiến bộ rất hạn chế về những vấn đề cốt lõi mang tính cơ cấu dài hạn mà hai bên bất đồng", giáo sư chính sách thương mại Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell nhận định. "Tuyên bố kết thúc bằng lời cảnh báo khá rõ ràng rằng Trung Quốc cần phải có những nhượng bộ thực chất hơn để có thể đi đến một thỏa thuận sao cho Mỹ dừng áp thêm thuế quan".
Tuy vậy, theo chuyên gia Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), một cuộc gặp giữa ông Trump với ông Tập có thể giúp phá vỡ thế bế tắc. Một cuộc gặp như vậy "đã và sẽ luôn là sự kiện chính", ông Scissors nhấn mạnh.