Cao ủy phụ trách Đối ngoại và An ninh Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell cho biết ông trở nên kém lạc quan hơn về việc đạt được một thỏa thuận nhanh chóng nhằm khôi phục JCPOA so với cách đây ít ngày.
"Lúc đầu tôi nhận được sự đáp ứng tích cực của cả Iran và Mỹ đối với đề xuất rất cân bằng của EU, nhưng gần đây các ý kiến đã bị phân tán. Nếu không đạt được đồng thuận, toàn bộ quá trình đàm phán có thể sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ."
Israel tìm cách ngăn cản đạt được thỏa thuận khôi phục JCPOA
Israel coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa đối với sự tồn tại của họ và cảnh báo khả năng sẽ tiến hành các hành động quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran nếu các biện pháp ngoại giao thất bại.
Ngày 7/9/2022, người đứng đầu Cơ quan tình báo Mossad của Israel David Barnea, trong chuyến thăm Wasshington, đã gặp một loạt các quan chức trong chính quyền Mỹ gồm Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và các quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao. David Barnea đã trao cho các quan chức Mỹ các tài liệu tình báo nhạy cảm liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.
Ông David Barnea
Ngày 11/9/2022, Thủ tướng Israel Yair Lapid đã đến Đức trong khuôn khổ nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục các nước châu Âu từ chối khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông đã gặp Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, Thủ tướng Olaf Scholz và Ngoại trưởng Annalena Birbock.
Ông Yair Lapid cám ơn Anh, Pháp và Đức về "lập trường kiên định" được thể hiện trong tuyên bố chung của ba nước đối với Iran và cho rằng Israel đã thành công trong việc ngăn chặn sự hồi sinh của thỏa thuận hạt nhân JCPOA và ngừng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran, bằng cách cung cấp thông tin mới nhất về các hoạt động hạt nhân của Iran. Ông Lapid cho biết, Israel đã cung cấp cho các nước châu Âu các thông tin tình báo gần đây nhất liên quan đến hoạt động hạt nhân của Iran tại một số địa điểm.
Ngày 12/9/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại New York, thảo luận về nhu cầu cấp thiết trong việc thành lập một mặt trận quốc tế thống nhất chống lại các thách thức an ninh chung, trước hết là "mối đe dọa Iran". Ông kêu gọi thành lập một liên minh tình báo mạnh mẽ, một lực lượng quân sự răn đe đáng tin cậy bên cạnh các giải pháp ngoại giao, đồng thời áp đặt thêm sức ép chống Iran.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz (trái) và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres
Khác biệt giữa Iran, Mỹ và EU mở rộng
Về phần mình, Nhà Trắng cho biết, quan điểm của Mỹ và Iran đã trở nên xa nhau hơn trong việc khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA.
John Kirby, điều phối viên về liên lạc chiến lược trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: "Chúng tôi không còn gần nhau với bất kỳ thỏa thuận nào như trước nữa và xuất hiện những "khoảng cách" trong lập trường giữa Iran và Mỹ. Ông nhấn mạnh, Tổng thống Joe Biden vẫn "cam kết giải quyết bất đồng bằng ngoại giao" với Iran, nhưng không loại trừ những lựa chọn khác để tước bỏ khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân của Tehran. Washington sẽ tiếp tục làm việc để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, tuy nhiên, sự kiên nhẫn của Mỹ đã bắt đầu cạn kiệt."
Ngày 10/9/2022, Pháp, Đức và Anh đã ra một tuyên bố chung cáo buộc Iran phá hoại các cuộc đàm phán hạt nhân bằng cách đưa ra các đòi hỏi riêng biệt với các cam kết quốc tế của họ, bao gồm việc chấm dứt các cuộc điều tra của IAEA tại 3 cơ sở hạt nhân không được khai báo. Tuyên bố nêu rõ, các lập trường gần đây của Iran đang dấy lên sự nghi ngờ về ý định của Tehran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Ngày 12/9/2022, Hội đồng thống đốc IAEA đã họp tại Vienna để thảo luận về hồ sơ hạt nhân của Iran, ba tháng sau khi cơ quan này thông qua một nghị quyết thúc giục Tehran đưa ra câu trả lời rõ ràng về các dấu vết của uranium được tìm thấy tại 3 địa điểm chưa được khai báo nhiều năm trước. Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi phát biểu cho rằng, đến nay Iran vẫn chưa đưa ra câu trả lời về nguồn gốc của các hạt uranium này. Ông nói thêm rằng IAEA không thể khẳng định được chương trình hạt nhân của Tehran là hoàn toàn vì mục đích hòa bình nếu vấn đề này không được làm rõ.
Buổi họp về Thỏa thuận hạt nhân Iran ở Vienna, Áo
Tuần trước, IAEA đã đưa ra một bản báo cáo cho biết kho dự trữ uranium của Iran được làm giàu cấp độ lên tới 60%, gần mức có thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Cơ quan này chỉ ra rằng Iran tiếp tục dự trữ uranium làm giàu trong những tháng gần đây, và lượng dự trữ của nước này hiện gấp hơn 19 lần giới hạn cho phép theo thỏa thuận JCPOA năm 2015. Báo cáo cho biết kho dự trữ uranium làm giàu của Iran, tính đến ngày 21/8, lên tới khoảng 3.940 kg, tăng 131,6 kg so với báo cáo của quý trước.
Báo Mỹ "The Wall Street Journal" trích dẫn trích dẫn các nguồn thông tin cho biết, chính quyền J. Biden thông tin chặt chẽ cho Israel về nội dung các cuộc đàm phán đang diễn ra về thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tuần trước, Iran đã gửi phản hồi cuối cùng của mình đối với đề xuất của EU sau khi nhận được trả lời của Mỹ, nhưng Washington nói rằng phản ứng của Iran là "không mang tính xây dựng", đồng thời bác bỏ yêu cầu gắn việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với các cuộc điều tra của IAEA.
Sau khi từ bỏ yêu cầu loại bỏ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) khỏi danh sách khủng bố của Mỹ, Iran nhất quyết đòi Washington phải cam kết không được rút khỏi thỏa thuận hạt nhân một lần nữa trong tương lai, nhưng phía Mỹ cho rằng chính quyền của Tổng thống J. Biden không có quyền ngăn cản chính quyền tiếp theo với một cam kết như vậy.
Buổi họp của các quan chức Iran và Liên minh châu Âu EU
Iran ra tối hậu thư cho Mỹ để chấm dứt cuộc điều tra của IAEA
Ngày 29/82022, Iran đã cảnh báo Mỹ rằng họ sẽ không chấp nhận quay trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015 trừ khi nhận được sự đảm bảo rõ ràng rằng tất cả các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ, cũng như ngừng các cuộc điều tra của IAEA đối với các dấu vết uranium được tìm thấy từ nhiều năm trước tại ba cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, Mỹ và các nước châu Âu nói rằng cuộc điều tra chỉ có thể được khép lại sau khi Iran giải thích rõ ràng về sự xuất hiện của những dấu vết này.
Tehran phủ nhận các cáo buộc Iran có kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo, nếu Mỹ không đưa ra đảm bảo kết thúc cuộc điều tra trước ngày 18/10/2022, thì Iran sẽ có quyền không thực hiện các cam kết hạt nhân của mình.
Máy ly tâm trong cơ sở làm giàu uranium ở Iran
Tư lệnh cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Ghulam Ali Rashid cảnh báo: "Israel là mối đe dọa chính đối với an ninh của Iran. Bất kỳ quốc gia nào hợp tác với Israel trong hành động gây hấn đối với an ninh của Iran sẽ phải trả giá và Tehran sẵn sàng đập tan mọi hành động xâm lược nhằm vào lãnh thổ Iran."
Tư lệnh lực lượng mặt đất Iran, Kiomars Heidari nói, Iran đã phát triển một loạt máy bay không người lái hiện đại tầm xa "Arsh-2" có thể tấn công Tel Aviv và Haifa của Israel.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani khẳng định chương trình hạt nhân của Iran là hòa bình và các báo cáo của IAEA trước đây đã xác nhận điều này. Tehran mong đợi lập trường tích cực từ IAEA và kêu gọi cơ quan này không bị ảnh hưởng bởi những áp lực của các bên thứ ba.
Trong khi cả Mỹ và Iran đã đáp ứng tích cực "dự thảo đề xuất cuối cùng" của EU, quan điểm các bên "chưa bao giờ gần nhau như hiện nay", các cuộc đàm phán Vienna đang bước vào giai đoạn mang tính quyết định, việc Anh, Pháp, Đức và IAEA đưa ra tuyên bố lên án Iran không giúp gì cho việc sớm đạt được thỏa thuận.
Các nước châu Âu tham gia đàm phán Vienna, lúc đầu tỏ ra sẵn sàng thỏa hiệp, thì bây giờ lại cho rằng Tehran đang gây cản trở cho việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Việc Iran từ bỏ yêu cầu loại bỏ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) khỏi danh sách khủng bố của Mỹ, đã tạo ra không khí lạc quan và tin tưởng vào khả năng đạt được thỏa thuận.
Cả Mỹ, Iran và Liên minh châu Âu (EU) đều nói "quan điểm của các bên chưa bao giờ gần nhau như vậy". Không thể nêu ra những lý do chính xác dẫn đến sự thay đổi quan điểm của phương Tây, nhưng các nhà phân tích chính trị cho rằng, ngoài sức ép của Israel, sự chống đối của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, còn có việc Iran gần đây tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Mặc dù các cuộc đàm phán nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran một lần nữa lại đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Tehran tuyên bố sẽ không rời bàn đàm phán. Cao ủy phụ trách Đối ngoại và An ninh ẸU Josep Borrell nói sẽ tiếp tục tham vấn với các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền Mỹ để đưa các bên trở lại Vienna.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Nasser Al-Kanaani, trong cuộc họp báo tại Tehran ngay sau khi kết thúc cuộc họp Hội đồng Thống đốc IAEA, cho biết Iran sẵn sàng tiếp tục hợp tác với IAEA và kêu gọi các đối tác châu Âu đi theo con đường xây dựng, vượt qua những sai lầm trong quá khứ và nỗ lực để đạt được một thỏa thuận, đồng thời "không được lùi bước trước áp lực của Israel". Tuy tình hình hết sức khó khăn, nhưng vẫn có thể tháo gỡ được bế tắc nếu các bên có đầy đủ ý chí để đưa ra một quyết định chính trị.