Vừa qua, làng võ Việt Nam lại vướng vào một câu chuyện lùm xùm mới khi võ sĩ MMA người Mỹ gốc Việt Nam Phan bất ngờ thách đấu chuẩn võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh Flores.
Sau những tuyên bố khá ngạo mạn thì mới đây, Nam Phan cũng lên mạng xã hội khẳng định rằng anh đã bắt đầu liên hệ với phía đại diện của Flores một cách "nghiêm túc", thậm chí sẵn sàng tập luyện để tăng hạng cân hòng có thể thượng đài với Flores ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hành động này lập tức nhận được ý kiến không tán thành từ Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Võ thuật Hà Nội. Theo ông Lê Ngọc Quang thì ngay cả khi Nam Phan và Flores thống nhất được những kế hoạch thượng đài thì trận đấu cũng rất khó được tổ chức ở Việt Nam.
Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang khẳng định với Trí Thức Trẻ: "Những câu chuyện thách đấu như của Nam Phan với Flores là hết sức phù phiếm. Đó rõ ràng là một cuộc đấu không mang tính chất thể thao. Đó chỉ là cuộc đấu mang ý nghĩa nửa giang hồ hoặc để đánh bóng tên tuổi.
Chúng tôi là những người yêu võ thuật nên chúng tôi chỉ đánh giá trên quan điểm võ học. Theo tôi, những cuộc thách đấu như vậy không nên xảy ra ở Việt Nam bởi nó không có bất kỳ một giá trị gì cả.
Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang cho rằng vụ thách đấu của Nam Phan với Flores rất phù phiếm không có giá trị gì.
Ở Việt Nam cũng từng có kiểu lò này thách lò kia nhưng đó là câu chuyện mang ý nghĩa cổ xưa, hoặc chỉ là những gì người ta thích trên phim ảnh chứ thực chất, các phái võ ở Việt Nam họ vẫn rất đoàn kết với nhau.
Với những cuộc thách đấu liên quan tới Flores, cho dù nói là thách đấu trên tinh thần hữu nghị thì theo tôi là không đúng. Các môn thể thao khác như cờ vua, bóng đá… nó không mang nhiều tính sát thương. Ngược lại, võ thuật là môn rất dễ gây sát thương. Họ lấy sát thương của đối phương làm thành tích thì sao gọi là hữu nghị được.
Ở Việt Nam vẫn có tổ chức các giải đấu võ. Tại sao họ không đăng ký rồi mặc găng giáp mà lên đài thi đấu? Đâu có ai từ chối hoặc cấm họ đăng ký vào các giải đó?
Bây giờ, các giải võ của liên đoàn võ thuật cổ truyền thế giới, liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam đều có cả hay như ở Hà Nội, chúng tôi cũng có thể tổ chức các giải đấu như vậy nhưng trên nguyên tắc phải đúng luật mà nhà nước quy định.
Các bạn cứ hình dung như thế này, những trận đua xe tự phát do một nhóm thanh niên tự tổ chức thì họ đua rất ghê. Nhưng cho họ đua thật ở một giải đấu chính thức thì họ có đua được đâu. Cũng giống như những màn thách đấu cũng vậy. Nó vô nghĩa vô cùng.
Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang (thứ ba từ trái qua) phản đối việc các võ sĩ thách đấu nhau thay vì bước lên thượng đài ở các giải chính thức.
Các bạn cũng được xem Flores đánh với các võ sư Việt Nam rồi. Tôi thấy chẳng ra cái gì cả. Nếu nói về chuyên môn, những trận đấu như vậy chúng tôi chỉ cho điểm rất thấp. Đó không phải là thi đấu. Thậm chí còn phải dừng trận đấu vì sai kỹ thuật.
Theo tôi, những người yêu võ nên tìm đến nhau không phải vì những lời thách đấu, không phải những lời dọa nạt. Tôi thấy ở những giải đấu liên võ đường do chúng tôi tổ chức, nhiều vị nói thì ghê gớm nhưng có đánh được đâu. Tại ngày thường họ chỉ đánh với bao, đánh với học trò thì dễ lắm. Nhưng khi lên đài gặp một dân võ, họ di chuyển, tránh né liên tục, làm sao đánh được. Tóm lại, những người yêu võ thực sự họ sẽ không bao giờ thách đấu với nhau theo kiểu như vậy".
Không chỉ nói về cuộc thách đấu giữa võ sĩ Nam Phan với Flores, Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang cũng nêu quan điểm ở Việt Nam không nên có một giải đấu được ví như "đại hội võ lâm" ở Trung Quốc với tâm điểm là trận thượng đài giữa Từ Hiểu Đông với Lữ Cương.
"Theo tôi được biết thì giải đấu võ vừa qua ở Trung Quốc hoàn toàn không do một tổ chức chính quy nào đứng ra tổ chức cả mà chỉ là từ sự vận động của một số cá nhân, như Từ Hiểu Đông chẳng hạn.
Chúng ta cần phải nói rằng các trường phái võ thuật là rất rộng. Võ thuật còn là một nền tảng văn hóa của mỗi dân tộc chứ không thuần túy chỉ là mang tính kỹ thuật.
Chúng ta cũng cần phân biệt giữa người học võ và người tập võ. Đó là hai khái niệm khác nhau. Người học võ chưa chắc họ chỉ tập các đòn đấm đá… mà họ còn học nhiều thứ khác. Còn người tập võ (hay võ sĩ) là họ chỉ chuyên tập những đòn để đánh người khác mà thôi. Ví dụ như các môn hiện tại là để dành cho những người tập võ. Họ chỉ tập với mục đích hạ đối phương trên võ đài theo những luật nhất định.
Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang cho rằng những chiến thắng của Từ Hiểu Đông trước các võ sư cổ truyền cũng hoàn toàn không mang ý nghĩa gì bởi không thể đặt võ cổ truyền và hiện đại để so sánh bằng kết quả trên võ đài.
Với người học võ thì ngoài những đòn thế, họ còn học thêm nhiều thứ nữa như những kiến thức của cuộc sống, về tính lịch sử, tính văn hóa…
Vậy nên, chúng ta không nên kết hợp giữa người học võ và người tập võ. Một võ sĩ chỉ chuyên tập để hạ đối phương thật nhanh thì không thể đấu với một vị võ sư được. Đừng ai nói với tôi là càng già thì võ càng giỏi bởi nó chỉ là trong phim thôi. Như bóng đá, hơn 30 tuổi đã bị coi là lão tướng rồi.
Thực tế, tôi nói thẳng là những hệ thống đấu đá, tranh giành này kia không phải là cội nguồn của võ. Còn như bây giờ, với các môn thi đấu để giành huy chương như tán thủ, Muay, Karate, Taekwondo… họ thường chỉ gọi người dậy là HLV nhưng với võ cổ truyền thì gọi là sư phụ. Đó cũng là những khái niệm hoàn toàn khác nhau rất xa. Do vậy, việc ghép 2 khái niệm vào nhau để tìm ra một chiến thắng là một sai lầm.
Như ở Trung Quốc, tôi không thấy một cơ quan chính quy nào tổ chức các trận đấu của Từ Hiểu Đông cả. Đó chỉ là cuộc thách đấu của một cá nhân. Ở Trung Quốc họ cũng chia bè chia phái rất mạnh. Nếu để đánh trên võ đài thì Hiểu Đông hơn các võ sư cổ truyền đã nhiều tuổi là tất nhiên nhưng nói về kiến thức, về tầm duy trì văn hóa thì Hiểu Đông không thể bằng được".
Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang cho rằng ở Việt Nam không nên tổ chức các trận đấu mang ý nghĩa tự phát và cá nhân giống như các màn thượng đài của Từ Hiểu Đông.
Nhưng trước câu hỏi rằng liệu các võ sĩ tập võ cổ truyền Việt Nam liệu có thể đấu đài ở các đấu trường châu Á hoặc quốc tế hay không, đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang cho rằng:
"Với vai trò là Phó chủ tịch liên đoàn võ thuật cổ truyền quốc gia thì các võ sĩ cổ truyền nên tham gia nhiều các giải đấu châu lục và quốc tế bởi các hiệp hội đó họ vẫn thường xuyên tổ chức các giải đấu đài.
Vậy thì, nếu các võ sĩ, võ sư thực sự có khả năng, họ nên đăng ký để thượng đài theo luật ở các giải đấu đó thay vì thách đấu một cách tùy tiện ở bên ngoài".
Toàn bộ diễn biến xung quanh trận đấu giữa Lữ Cương vs Hiểu Đông