Đại tướng Tô Lâm trình phương án bỏ sổ hộ khẩu, bãi bỏ 13 nhóm thủ tục liên quan

Hoàng Đan |

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến sẽ bỏ sổ hộ khẩu và bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Sáng 23/5, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.

Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú hiện hành.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: Các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; trách nhiệm xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân, cụ thể như sau:

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ toàn bộ các thủ tục về: (1) Cấp đổi sổ hộ khẩu; (2) Cấp lại sổ hộ khẩu; (3) Cấp giấy chuyển hộ khẩu; (4) Cấp đổi sổ tạm trú; (5) Cấp lại sổ tạm trú; (6) Điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; (7) Gia hạn tạm trú.

Ngoài ra Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung 6 nhóm thủ tục khác.

Nêu báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về lưu trú.

Liên quan tới việc bỏ sổ hộ khẩu, Uỷ ban Pháp luật đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước.

Uỷ ban Pháp luật đề nghị làm rõ và quy định ngay trong Luật Trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại