Đại tá xe tăng góp ý để Việt Nam chiến thắng tại Tank Biathlon 2019: Thời cơ vàng đã đến, hãy làm nên lịch sử!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Việt Nam vào bán kết Tank Biathlon 2019, cửa vào chung kết rất sáng. Thời cơ vàng đã đến! Hy vọng đội tuyển Việt Nam sẽ làm nên lịch sử!

Những thay đổi về Quy chế, điều lệ thi đấu đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội tuyển Việt Nam vào Bán kết Bảng 2 Tank Biathlon 2019 với vị trí thứ Tư sau các đội Uzbekisitan, Tajikistan và Cuba.

Cơ hội vàng cho Việt Nam

Đây là một cơ hội thuận lợi để đội tuyển Việt Nam làm nên lịch sử: Lần đầu tiên vào Chung kết và giành huy chương tại một giải đấu xe tăng quốc tế! Nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu đó là một câu hỏi không dễ trả lời.

Nhìn lại kết quả thi đấu ở vòng loại, khoảng cách giữa đội Việt Nam với các đội Uzbekistan, Tajikistan - hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đã được trang bị xe tăng T-72 từ vài chục năm nay là tương đối xa - 13 đến 18 phút, song với Cuba thì là một khoảng cách khá gần: 1h40’24" với 1h41’09"- chỉ chưa đày 1 phút.

Thực ra, nếu kíp Việt Nam 3 không trục trặc kỹ thuật và đội Cuba không được Ban tổ chức cho thi lại thì chính Việt Nam mới là đội đứng thứ ba. Tất nhiên, khoảng cách này hoàn toàn có thể san lấp được.

Nhìn xuống phía dưới bảng, đội đứng gần Việt Nam nhất là Kuwait thì khoảng cách giữa 2 đội là hơn 5 phút, đội tiếp theo là Myanma với khoảng cách gần 15 phút.

Theo lịch thi đấu vòng bán kết, ngày 11.8 đội Việt Nam sẽ thi đấu cùng các đội Tajikistan, Myanmar và Uganda. Trong 3 đối thủ này, trừ đội Tajikistan có sức mạnh vượt trội, còn 2 đội kia kết quả đều thua Việt Nam xa - nhất là Uganda nên cửa vào chung kết của Việt Nam là khá rộng.

Đại tá xe tăng góp ý để Việt Nam chiến thắng tại Tank Biathlon 2019: Thời cơ vàng đã đến, hãy làm nên lịch sử! - Ảnh 2.

Tuy nhiên, đội Myanmar - quốc gia cũng đã có xe tăng T-72 trong trang bị nhiều năm có thể tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ nên không thể chủ quan. Và con đường duy nhất là thi đấu hết khả năng, phát huy hết mọi sức mạnh của bản thân mới mong giành chiến thắng.

Chìa khóa đến thành công

Vậy cái gì giữ yếu tố quyết định thành tích. Dễ dàng nhận thấy có các nhân tố sau quyết định thành tích:

- Phát huy vận tốc tối đa ở các đoạn nước rút.

- Điều khiển xe đúng đường, vượt qua các chướng ngại vật không phạm quy, không đè cọc.

- Bắn trúng càng nhiều mục tiêu càng tốt vì sẽ ít phải chịu chạy vòng phạt.

- Giữ vận tốc trung bình cao nhất trên toàn bộ quãng đường trong điều kiện cho phép.

Xét cho cùng thì cả 3 nhân tố trên đều góp phần vào nâng cao vận tốc trung bình để cho kết cuối cùng mà thôi.

Điểm lại kết quả thi đấu của các kíp xe trong bảng 2 thì kíp Việt Nam 2 thi đấu tốt nhất trong 3 kíp của Việt Nam, đạt thành tích 31’05", xếp thứ 6 trong bảng phân hạng thành tích các kíp xe, chỉ thua 1 kíp của Tajikistan, 3 kíp của Uzbekistan và 1 kíp của Myanma. Còn kíp Việt Nam 1 đứng thứ 8 và kíp Việt Nam 3 đứng thứ 19.

Đại tá xe tăng góp ý để Việt Nam chiến thắng tại Tank Biathlon 2019: Thời cơ vàng đã đến, hãy làm nên lịch sử! - Ảnh 3.

So sánh các chỉ số chủ yếu thấy rằng trong 32 kíp xe đã thi đấu ở bảng 2 chỉ có 8 kíp đạt vận tốc tối đa từ 70 km/h trở lên thì Việt Nam đã có 2 kíp (VN2 và VN3). Ngay cả 5 kíp đứng trên VN2 cũng chỉ có 2 kíp đạt chỉ số này, còn 3 kíp kia chỉ đạt từ 67-69 km/h.

Vậy tại sao họ lại xếp trên VN2? Đó chính là do vận tốc trung bình trên cả quãng đường của họ cao hơn.

Theo dõi đồng hồ hành trình khi thi đấu của các kíp xe Việt Nam có thể nhận thấy một điểm chung. Đó là biên độ dao động về vận tốc khá lớn. Có khi đang từ 50 - 60 km/h đột ngột giảm xuống 15 - 20 km/h, sau đó lại là một quá trình tăng tốc từ từ bởi khối lượng của xe tăng rất lớn.

Chuyện thay đổi vận tốc chuyển động trên đường lái là chuyện bình thường và xảy ra liên tục do điều kiện thực tế của đường sá, các đoạn cua gấp, nhất là khi tiếp cận và vượt qua các chướng ngại vật song nếu để biên độ thay đổi quá lớn thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vận tốc trung bình.

Đại tá xe tăng góp ý để Việt Nam chiến thắng tại Tank Biathlon 2019: Thời cơ vàng đã đến, hãy làm nên lịch sử! - Ảnh 4.

Chắc tất cả lái xe đều còn nhớ bài học lái cơ bản khi vượt qua vật cản: dùng số cao nhanh chóng tiếp cận vật cản, khi đến một khoảng cách đủ gần (trình độ càng cao thì khoảng cách này càng nhỏ) thì nhanh chóng về số thích hợp để vượt qua vật cản; sau khi đã vượt qua vật cản thì nhanh chóng tăng tốc độ rời khỏi - cho phép biến cách số.

Mục đích của bài tập cơ bản này không có gì khác ngoài việc tăng vận tốc trung bình trên đường lái. Người lái xe giỏi phải phán đoán được khoảng cách giảm vận tốc, giảm về mức bao nhiêu là phù hợp, vừa đảm bảo vượt được vật cản chính xác vừa không ảnh hưởng đến người và xe, đồng thời phải biết lợi dụng địa hình để tăng tốc rời khỏi thật nhanh.

Trong khi đó, theo dõi các kíp xe của Việt Nam dường như chúng ta còn quá thận trọng khi vào "cua" và khi tiếp cận, khi vượt qua chướng ngại vật.

Chẳng hạn, khi vượt qua hào chống tăng hoặc cầu vệt bằng thường anh em ta chỉ chạy khoảng 15- 20 km/h, còn trong trận bán kết 1 của bảng 1 ngày 10.8 hầu hết các xe vượt qua các chướng ngại vật này với vận tốc 25-30 km/h. thậm chí còn như ‘xe tăng bay" khi qua cầu vệt bằng.

Tất nhiên, không vì thế mà nhấn ga không hạn chế mọi lúc, mọi nơi. Đã có xe vào cua nhanh quá nên gần như bị văng ra khỏi đường lái lại phải loay hoay một lúc mới vào lại được.

Cho nên, phải tăng vận tốc trung bình song cũng phải chú ý - trong điều kiện cho phép - như đã nói ở trên.

Bên cạnh đó cũng cần rút kinh nghiệm trong sử dụng vũ khí tiêu diệt các mục tiêu. So với vòng loại, nội dung này từ vòng bán kết sẽ khó hơn vì phải hành tiến bắn pháo, số lượng mục tiêu cũng nhiều hơn (8 mục tiêu/ kíp). Do vậy đòi hỏi rất cao ở tất cả các vị trí và sự hiệp đồng chặt chẽ trong xe.

Thời cơ vàng đã đến! Hy vọng đội tuyển Việt Nam tại Tank Biathlon 2019 sẽ làm nên lịch sử!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại