Đại sứ Việt kể những kỷ niệm không quên về nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Có một lần tôi vui miệng hỏi Yasser Arafat: "Abu Omar, tại sao đến nay ông chưa lấy vợ?", ông trả lời ngay: "Tôi đã kết hôn với Palestine".

Là người làm việc lâu năm tại khu vực Trung Đông, tôi đã có dịp gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo của các nước Ả rập, nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất vẫn là các cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat.

Lần đầu tiên tôi được gặp ông Yasser Arafat vào năm 1978, khi đang làm phiên dịch viên tại Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq. Ông đến thăm Iraq và muốn gặp gỡ các đại sứ các nước bạn bè thân thiết của Palestine. Lúc đó, tôi là một thanh niên còn rất trẻ, đi theo làm phiên dịch cho Đại sứ.

Đại sứ Việt kể những kỷ niệm không quên về nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat - Ảnh 1.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat. (Ảnh: Thế giới & Việt Nam)

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đọc và nghe nhiều về thân thế, sự nghiệp của nhà lãnh đạo Palestine nổi tiếng này, vì vậy trong cuộc gặp gỡ, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội đến chào và bắt tay ông. Rất may phóng viên nhiếp ảnh của ông Yasser Arafat lúc đó đã ghi lại được tấm hình này sau đó gửi cho tôi mà đến nay tôi vẫn còn lưu giữ.

Năm 1989, ông Yasser Arafat trở lại thăm Việt Nam, tôi được cử đi phiên dịch cho ông. Tôi không chắc ông Yasser Arafat còn nhớ tới mình vì đã 11 năm trôi qua.

Sau các cuộc gặp gỡ chính thức với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ngồi bên cạnh ông, tôi rút tấm ảnh chụp với ông ở Baghdad ra khoe và hỏi: "Abu Ammar còn nhớ bức ảnh này chụp ở đâu không?" (Abu Ammar là tên gọi thân thiết của Yasser Arafat). Ông đã trả lời rất nhanh: "Có chứ, tôi đã gặp anh ở Baghdad, Iraq".

Tôi thật không ngờ ông lại có một trí nhớ tốt như vậy. Ông cầm tấm ảnh xem và lấy ngay bút cài trên túi áo ngực nhanh tay ký tặng vào tấm ảnh với dòng chữ "With Best wishes, Yasser Arafat" (nghĩa là với những lời chúc tốt đẹp nhất, ký tên Yasser Arafat).

Đại sứ Việt kể những kỷ niệm không quên về nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat - Ảnh 2.

Yasser Arafat là một người Ả rập thực thụ, một nhà lãnh đạo Palestine nổi tiếng, tên tuổi của ông gắn liền với số phận và cuộc đấu tranh của người Palestine.

Tất cả người dân Palestine đều yêu mến ông. Ông luôn luôn xuất hiện trước công chúng trong bộ quân phục màu xanh ô liu, chiếc khăn choàng kufi quấn quanh đầu, đôi giày cao cổ và một khẩu súng lục bên hông. Trông ông thật giản dị, không khác bất cứ người lính Palestine nào. Thế nhưng, đằng sau bề ngoài giản dị ấy là cả một sự thông minh, tinh tế và cả tính dí dỏm nữa.

Mọi người chắc hẳn còn nhớ câu nói nổi tiếng của Yasser Arafat khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc: "Với cành ô liu tượng trưng cho hoà bình, khẩu súng trường cho cuộc đấu tranh giành tự do, xin đừng để cành ô liu rời khỏi tay tôi". Câu nói này đã thể hiện ý chí quyết tâm đấu tranh và khát vọng hoà bình cháy bỏng của ông.

Đại sứ Việt kể những kỷ niệm không quên về nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat - Ảnh 3.

Ông Yasser Arafat tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với câu nói nổi tiếng "Xin đừng để cành ô liu rời khỏi tay tôi". Ảnh: NPR

Ông đã từng ví von: "Tiến trình hòa bình Trung Đông như một phương trình mà Palestine là một ẩn số". 

Có một lần, khi ông chưa kết hôn với bà Suha Tawil, khi ngồi cùng ông trên xe ô tô, tôi vui miệng hỏi ông: "Abu Omar, tại sao đến nay ông chưa lấy vợ?", ông trả lời ngay: "Tôi đã kết hôn với Palestine".

Đại sứ Việt kể những kỷ niệm không quên về nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat - Ảnh 4.

Ông Yasser Arafat có một tình cảm hết sức thân thiết với Việt Nam, đặc biệt ngưỡng mộ cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam. Ông tỏ ra vô cùng nuối tiếc vì chỉ có thể đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1970, không được gặp Bác Hồ.

Đại sứ Việt kể những kỷ niệm không quên về nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat - Ảnh 5.

Lãnh đạo Palestine Yasser Arafat gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm tháng 4/1970. (Ảnh: Getty)

Ông đã đến thăm Việt Nam trên dưới 10 lần. Có lần ông chỉ ghé qua sân bay Nội Bài gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vài tiếng đồng hồ rồi lại đi.

Ông có một niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine. Trong bất cứ bài phát biểu nào của ông, câu kết thúc ông cũng hô vang: "Nasr aati, Fajr aati!" nghĩa là thắng lợi đang đến, bình minh đang đến. 

Khi đến thăm Việt Nam, ông đã nói với các phóng viên: "Tôi vẫn chưa có Tổ quốc, Tổ quốc của tôi là Việt Nam." Đối với ông, Việt Nam là tấm gương cổ vũ, là ngôi nhà của ông.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam củng rất quý mến Yasser Arafat. Mỗi lần ông đến thăm Việt Nam, các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đều tiếp đón rất thân tình như người anh em trong nhà.

Tôi nhớ trong một buổi tiếp ông Yasser Arafat tại Hà Nội, Tổng Bí thư Đỗ Mười quan tâm hỏi han những câu hỏi rất mộc mạc vể sức khỏe của ông: " Dạo này sức khỏe của anh thế nào, có ăn được không, ngủ được không? Tim phổi có vấn đề gì không? Anh nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, làm việc ít thôi, cố gắng ăn nhiều hoa quả vào, rất tốt đấy!"

Đại loại những câu chuyện giản dị như vậy, nhưng đi sâu thẳm vào lòng người. Lúc đó, nhìn vào khoé mắt của ông, tôi thấy ông thực sự cảm động. Sau này ông nói với tôi rằng chỉ có các nhà lãnh đạo Việt Nam mới quan tâm đến sức khoẻ của ông đến như vậy.

Mặc dù là Tổng thống, nhưng ông Yasser Arafat rất giản dị, ít chú ý đến nghi thức lễ tân ngoại giao.

Sau các cuộc gặp gỡ, hội đàm chính thức là những câu chuyện đời thường rất thân tình, ông thường hỏi han về gia đình, về quá trình học tập và công việc của tôi. Mỗi lần đến thăm Việt Nam, tôi thường được ông tín nhiệm và đề nghị đi dịch cho ông.

Tôi đã nhiều lần phiên dịch cho ông kể từ khi còn là nhân viên phiên dịch của Bộ Ngoại giao cho đến sau này là Đại sứ tôi vẫn rất vui vẻ khi được đi dịch cho ông. Ông ấy thường gọi tôi là "Akhi Khai" tức là "anh Khai" và tôi thì gọi ông ấy là "Abu Ammar".

Đại sứ Việt kể những kỷ niệm không quên về nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat - Ảnh 6.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Yasser Arafat đã trải qua nhiều lần bị giết hụt.

Năm 1985, không quân Israel đã bắn phá trụ sở của Tổ chức giải phóng Palestine PLO và tổng hành dinh của Yasser Arafat ở Hamam Shatt, Tunisia, nơi ông sống lưu vong, khiến 36 người thiệt mạng. Ông kể lại rằng, hôm đó trên đường trở về nơi ở của mình, linh tính báo cho ông có điều gì đó chẳng lành và ông cho xe quay đầu lại, nên đã thoát chết.

Ngày 7/4/1992, chiếc chuyên cơ chở ông gặp bão tại sa mạc Libya và lao xuống đất, 2 phi công thiệt mạng, chỉ mình Yasser Arafat là không mảy may thương tích.

Tuy nhiên tháng 11/2004, ông qua đời tại một bệnh viện ở Paris khi 75 tuổi, và đến tận ngày nay, nguyên nhân cái chết vẫn là một câu hỏi lớn. Có nhiều người nói Yasser Arafat bị đầu độc. Người ta đã khai quật ngôi mộ của ông lên để điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa ai đưa ra được kết luận về nguyên nhân cái chết của ông.

Yasser Arafat đã có nhiều đóng góp cho tiến trình hỏa bình giữa Palestine và Israel.

Năm 1994, Arafat được nhận Giải Hoả bình Nobel cùng với hai nhà lãnh đạo của Israel là Thủ tướng Yitzhak Rabin và Ngoại trưởng Shimon Peres vì đã có công trong các cuộc đàm phán và ký kết Hiệp định Hoà bình Oslo giữa Israel và Palestine. Rất tiếc, đến nay cả 3 nhân vật này đã ra đi mà người Palestine và người Israel vẫn chưa được hưởng hoà bình.

Đại sứ Việt kể những kỷ niệm không quên về nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat - Ảnh 7.

Lãnh đạo Palestine Yasser Arafat cùng với hai nhà lãnh đạo của Israel là Thủ tướng Yitzhak Rabin và Ngoại trưởng Shimon Peres. Ảnh: Getty

Ngày 11/11/2004 là một ngày buồn của Palestine và những người bạn của Palestine trong đó có tôi. Yasser Arafat đã ra đi khi ước nguyện về một Nhà nước Palestine độc lập chưa được thực hiện. Ông ra đi vẫn đem theo khát vọng có một Tổ quốc cho người Palestine.

Tôi tin rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng với tinh thần đấu tranh bền bỉ của mình, với sự đồng tình và ủng hộ của các dân tộc trên thế giới, nhân dân Palestine nhất định sẽ giành được các quyền dân tộc của mình.

(Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại