Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Tôi thực sự ngỡ ngàng về hành động quân sự của Mỹ chống Syria

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Khi cuộc xung đột tại Syria bước sang năm thứ bảy, Mỹ lần đầu tiên có hành động can thiệp trực tiếp táo bạo khiến cả thế giới kinh ngạc.

Cuộc không kích ngoài tưởng tượng

Là người theo dõi chặt chẽ các vấn đề Trung Đông, đặc biệt là cuộc xung đột tại Syria, tôi thực sự ngỡ ngàng về hành động quân sự của Mỹ chống Syria. Tôi tin rằng dư luận khu vực và quốc tế cũng bất ngờ về hành động này của Mỹ.

Cuộc xung đột Syria đã bước sang năm thứ 7. Hơn 600 ngàn người vô tội đã bị chết. Hơn 10 triệu người, chiếm một nửa dân số Syria bị mất nhà cửa phải phiêu bạt đi các nơi. Đất nước Syria bị tàn phá nặng nề.

Trong tình hình như vậy, tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột, trong đó có chính phủ Syria và các nhóm đối lập đã nhất trí giải quyết vấn đề bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an thông qua ngày 18/12/2015.

Trên cơ sở nghị quyết này và những cố gắng của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan De Mistura, các bên xung đột Syria đã ngồi lại với nhau tại Geneva và Astana và đạt được thỏa thuận 4 điểm làm cơ sở cho các cuộc đàm phán hoà bình.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Tôi thực sự ngỡ ngàng về hành động quân sự của Mỹ chống Syria - Ảnh 1.

Vòng hòa đàm Astana về vấn đề Syria diễn ra ngày 23-24/1. Ảnh: Al Jazeera

Tại Hội nghị Geneva V họp ngày 23/3/2017 các bên đã đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán vào tháng 4/2017. Trước đó, dưới sự trung gian hoà giải của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, ngày 29/12/2016 chính phủ Syria và phe đối lập đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và ngày 31/12/2016 Hội đồng Bảo an đã ra nghị quyết hoan nghênh thỏa thuận này.

Đặc biệt, trong chiến dịch tranh cử cũng như khi nhậm chức Tổng thống, ông Donald Trump luôn tuyên bố rằng ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ là chống khủng bố chứ không phải lật đổ Bashar Al-Assad và sẽ hợp tác với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng những gì đạt được như trên là hết sức quan trọng thể hiện thiện chí của các bên mong muốn tìm ra một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột.

Trong khi Syria được sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ của Nga đang giành được thế thượng phong và nhiều thắng lợi quan trọng trên chiến trường thì không có lý do gì phải dùng đến vũ khí hoá học.

Ngày 11/4/2017, tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Italy Sergio Mattarella đang ở thăm Nga, Tổng thống V. Putin đã nói rằng Nga có đầy đủ thông tin cho rằng việc sử dụng vũ khí hoá học ở Khan Shaikhun là một sự khiêu khích được sắp đặt trước để đổ lỗi cho chính quyền Syria và Mỹ đã dựa vào những báo cáo giả mạo để tấn công Syria.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Tôi thực sự ngỡ ngàng về hành động quân sự của Mỹ chống Syria - Ảnh 2.

Ngày 11/4/2017, chính Lawrence Wilkerson, cựu cố vấn của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RT của Nga đã khẳng định những thông tin Mỹ đưa ra về vai trò của Nga trong hồ sơ vũ khí hoá học của Syria là giả mạo và nói rằng ông không nghĩ rằng "chúng ta lại có thể nói dối đến như vậy". Nga cũng đang ráo riết đề nghị điều tra độc lập để có kết luận rõ ràng và công bằng về vụ này.

Trong tình hình đang có những tiến triển tích cực như vậy, không ai có thể nghĩ rằng ngày 7/4 vừa qua Mỹ lại mở cuộc tấn công quân sự chống lại chính quyền Damascus.

Hệ quả nhãn tiền

Cần phải nói một cách rõ ràng và thẳng thắn rằng, dù với bất kỳ động cơ nào thì đây cũng là một hành động không những đã vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc mà còn vi phạm luật pháp của chính nước Mỹ khi Tổng thống Donald Trump không xin Quốc hội chấp thuận và 2 ngày sau mới thông báo Quốc hội về cuộc tấn công.

Cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân Shayrat của Syria chắc chắn sẽ để lại hệ quả hết sức nghiêm trọng, gây ra tình trạng đối đầu căng thẳng mới tại Trung Đông.

Việc đánh vào các lực lượng vũ trang Syria, người đang chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và Mặt trận Al-Nusra, bất luận thế nào cũng có lợi cho bọn khủng bố. Chúng sẽ lợi dụng cơ hội này để tiến hành các cuộc tấn công vào các vị trí của quân đội Syria.

Hành động đơn phương này của Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên quan hệ hợp tác Nga-Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, làm phức tạp thêm tiến trình đối thoại chính trị về giải pháp Syria.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Tôi thực sự ngỡ ngàng về hành động quân sự của Mỹ chống Syria - Ảnh 3.

Hình ảnh vệ tinh hiển thị các nhà chứa máy bay bị phá hủy tại căn cứ không quân Shayrat - bị Mỹ tấn công bằng Tomahawk ngày 6/4. Ảnh: dailymail

Đây là hành động quân sự đầu tiên của Mỹ chống Syria kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng Syria năm 2011 mặc dù Nga và chính phủ Syria nhiều lần kêu gọi điều tra toàn bộ việc sử dụng vũ khí hoá học tại Syria.

Đến nay phía Mỹ vẫn không đưa ra được một bằng chứng nào khẳng định chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học. Tuy nhiên, Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley vẫn tuyên bố " nếu tình hình đòi hỏi, Mỹ vẫn sẵn sàng để ngỏ khả năng tấn công Syria lần nữa ".

Tổng thống Bashar Al-Assad là một phần của vấn đề Syria thì ông cũng phải là một phần của giải pháp. Rất khó đạt được giải pháp nếu không có sự tham gia của chính quyền Bashar Al-Assad. Ai có thể đảm bảo được rằng sau khi lật đổ chính quyền Bashar Al-Assad tình hình Syria sẽ tốt hơn, vũ khí hoá học sẽ không rơi vào tay các nhóm khủng bố.

Không nên đi theo những vết xe đổ tại Iraq, Libya, Yemen. Vừa qua Hội Chữ thập đỏ Iraq đã thu thập được nhiều bằng chứng về việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã sử dụng vũ khí hoá học tại thành phố Mosul.

Nhìn về phía trước

Có thể nói hành động quân sự của Mỹ đã không đạt được mục tiêu đề ra. Ngược lại, hành động này chỉ làm tăng thêm tinh thần của quân đội Syria và Nga, củng cố thêm quan hệ liên minh Nga-Iran trong việc ủng hộ chính quyền Bashar Al-Assad. Trên bình diện quốc tế, trước việc Mỹ tấn công quân sự Syria, Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình.

Với một nhà doanh nghiệp lên làm chính trị với quan điểm hay thay đổi như Donald Trump, rất khó có thể tiên lượng được tình hình sắp tới. Tuy nhiên, tôi tin rằng Mỹ và phương Tây đã thấy được hệ lụy nguy hiểm của hành động quân sự của Mỹ chống Syria.

Hội nghị nhóm các nước công nghiệp G7 họp tại Lucca, Italia đã không đưa ra thêm được bất cứ biện pháp trừng phạt nào đối với Nga và Syria và vẫn kêu gọi giải quyết cuộc xung đột Syria bằng biện pháp hoà bình.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Tôi thực sự ngỡ ngàng về hành động quân sự của Mỹ chống Syria - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (giữa) tại Hội nghị G7 diễn ra tại Italia.

Trong bối cảnh căng thẳng Nga-Mỹ-phương Tây sau vụ bắn tên lửa, ngay sau khi kết thúc hội nghị các nước G7 tại Italia, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Tổng thống Italy Sergio Mattarella vẫn thực hiện chuyến thăm đến Moscow có nghĩa là Mỹ và các nước phương Tây muốn tìm cách hạ nhiệt trong quan hệ với Moscow và không thể bỏ qua vai trò của Nga trong giải pháp Syria và cuộc chiến chống khủng bố.

Đàm phán hoà bình là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề Syria. Các bên sẽ phải trở lại bàn thương lượng dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc trên cơ sở các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Thoả thuận ngừng bắn 29/12/2016 và chương trình nghị sự 4 điểm đã đạt được giữa chính phủ Syria và phe đối lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại