Đài Loan lộ "điểm yếu chết người" sau vụ rơi tiêm kích F-16V

Minh Quang |

Cuộc chiến "tiêu hao lực lượng" của Bắc Kinh nhằm vắt kiệt lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan "đang phát huy tác dụng".

Tiêm kích F-16V được lượng lượng phòng vệ trên không Đài Loan đưa vào hoạt động từ tháng 11 năm ngoái (Ảnh: SCMP)

Tiêm kích F-16V được lượng lượng phòng vệ trên không Đài Loan đưa vào hoạt động từ tháng 11 năm ngoái (Ảnh: SCMP)

Vụ tiêm kích F-16V, một trong những máy bay chiến đấu tối tân nhất của Đài Loan lao xuống biển cho thấy lực lượng phòng vệ của hòn đảo này gặp nhiều vấn đề trong việc huấn luyện phi công trẻ và bảo dưỡng máy bay.

Máy bay phản lực F-16V đã lao xuống vùng biển phía Đông Đài Loan ngay sau khi cất cánh từ Căn cứ Không quân Gia Nghĩa. Lực lượng tìm kiếm đã trục vớt được một số mảnh vỡ của thân máy bay nhưng hiện tại vẫn chưa tìm thấy cơ trưởng Chen Yi, 28 tuổi.

Vụ tai nạn xảy ra trong lúc phi đội F-16V diễn tập mô phỏng bổ nhào ném bom tốc độ cao, đây là bài huấn luyện rất khó đối với các phi công chiến đấu ít kinh nghiệm.

Điều tra sơ bộ cho biết cơ trưởng Chen Yi đã bật loa ngoài hệ thống liên lạc trong buồng lái trước khi gặp tai nạn, khiến chỉ huy phi đội không thể trao đổi được với anh ấy. Một số chuyên gia quân sự Đài Loan cho rằng cơ trưởng Chen Yi đã nhầm lẫn đây là nút giảm tốc độ.

F-16V là phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu F-16A / B do Mỹ sản xuất và đây là vụ tai nạn thứ 10 kể từ khi lực lượng không quân Đài Loan mua 150 chiếc phiên bản đầu tiên vào năm 1977.

Máy bay phản lực F-16V phiên bản nâng cấp bắt đầu được đưa vào hoạt động từ tháng 11 năm ngoái, được trang bị vũ khí và hệ thống điều khiển bay mới. Nhiều khả năng chương trình đào tạo của lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan chưa cập nhật các thay đổi trên chiếc F-16V cho phi công và đây là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn trên, Andrei Chang, tổng biên tập của Tạp chí Quốc phòng Kanwa có trụ sở tại Canada cho biết.

"F-16V có những nâng cấp rất tiên tiến, do đó chúng không phù hợp cho các nhiệm vụ huấn luyện cơ bản như mô phỏng tác chiến không đối đất", ông Chang chia sẻ và thêm rằng Không quân Trung Quốc đã sử dụng công nghệ thực tế ảo để huấn luyện phi công trẻ. Lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan cần điều chỉnh chương trình và tiêu chuẩn huấn luyện để theo kịp với đại lục.

Chen, phi công mất tích, đã có hơn 300 giờ bay, trong đó có 60 giờ trên F-16V, theo lực lượng không quân nước này cho biết.

Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan, nói rằng trước đây, các phi công của lực lượng không quân Đài Loan sẽ không thực hiện một cuộc diễn tập như vậy cho đến khi họ có hơn 100 giờ bay.

"Nguyên nhân tai nạn có thể do Đài Loan thiếu phi công đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng, khi họ lên kế hoạch mua nhiều tiêm kích Mỹ. Họ buộc phải đẩy mạnh đào tạo tăng cường cho phi công trẻ", ông Lu Li-Shih cho biết.

Vị cựu giảng viên này chia sẻ thêm rằng các phi công học viên đang lái máy bay thế hệ cũ như F-5E, loại máy bay này có hệ thống điều khiển bay rất khác so với những chiếc F-16 tiên tiến. Các phi công trẻ cần được đào tạo thêm để thực hiện quá trình chuyển đổi.

Ngoài việc trang bị thêm những chiếc F-16A / B, không quân Đài Loan đã đặt hàng 66 chiếc F-16V mới để tăng cường khả năng phòng thủ. Dự kiến những chiếc máy bay này sẽ được bàn giao cho Đài Loan vào đầu năm sau.

Chuyên gia Ben Ho tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, nhận định dù hệ thống điện tử và cảm biến trên F-16V là loại mới, nhưng phần khung thân của tiêm kích này đã có từ cuối những năm 1990. "Các máy bay cũ cần được bảo dưỡng nhiều hơn và chuyên biệt hơn để có thể hoạt động", ông Ben Ho nói.

Chuyên gia này cho rằng tần suất điều động máy bay áp sát của không quân Trung Quốc ngày càng tăng những năm qua có thể là lý do khiến lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan quá tải và phải giảm mức độ bảo trì máy bay.

"Vụ tai nạn ngày 11/1 là sự cố thứ 6 trong hai năm qua, điều này có thể cho thấy các vấn đề mang tính hệ thống trong lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan", Ben Ho nói. "Với vụ tai nạn gần nhất và quyết định dừng bay F-16 của phòng vệ Đài Loan, có khả năng quân đội Trung Quốc sẽ tăng các chuyến bay áp sát để gây áp lực lớn hơn nữa".

Quân đội Trung Quốc đã thực hiện hơn 950 phi vụ áp sát đảo Đài Loan trong năm 2021, tăng gấp đôi so với năm 2020, khiến lực lượng phòng vệ Đài Loan phải triển khai tiêm kích liên tục để ứng phó.

"Quân đội Trung Quốc đã thực hiện 950 cuộc xuất kích trong năm 2021, điều này đồng nghĩa với việc lực lượng không quân Đài Loan cần phải triển khai thêm các máy bay chiến đấu để đối phó với họ", ông Lu cho biết.

Chuyên gia Antony Wong Ton ở Macau nhận định vụ tai nạn ngày 11/1 cho thấy cuộc chiến "tiêu hao lực lượng" của Bắc Kinh nhằm vắt kiệt lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan "đang phát huy tác dụng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại