Báo lỗ 2.300 tỉ đồng nhưng Lotte Mart vẫn mở rộng kinh doanh và ghi nhận doanh thu tăng mạnh là điều khiến dư luận băn khoăn.
Doanh thu tăng 12% nhưng vẫn báo lỗ
Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin Lotte Mart sau 11 năm kinh doanh ở Việt Nam báo lỗ khoảng 117 tỉ won, tương đương khoảng 2.300 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ còn khoảng 500 tỉ đồng và nợ phải trả là hơn 8.900 tỉ đồng.
Điều đáng nói là mặc dù 11 năm vừa qua Lotte Mart đều báo lỗ, nhưng doanh thu tiếp tục tăng trưởng 12%, đạt hơn 5.700 tỉ đồng và đánh dấu 11 năm tăng trưởng liên tiếp tại Việt Nam.
Hiện Công ty Cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (Lotte Vietnam Shopping hay còn gọi là Lotte Mart) là công ty con của Tập đoàn Lotte Hàn Quốc với hoạt động chính là điều hành 13 trung tâm thương mại Lotte tại Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu phát triển, Lotte Mart chỉ đạt doanh thu khoảng 30 tỉ đồng cho 2 năm 2007 và 2008. Từ năm 2009, tập đoàn này bắt đầu ghi nhận doanh thu hơn 600 tỉ đồng và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong suốt các năm sau đó.
Đặc biệt, giai đoạn 2013-2016, doanh thu Lotte Mart tăng cả nghìn tỉ mỗi năm, vượt mốc 5.000 tỉ đồng trong năm 2016.
Ngày 19.5, đại diện Lotte Việt Nam cho biết, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tính đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Lotte Mart đến hiện tại là gần 800 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu của công ty hiện là 1.600 tỉ đồng (theo chuẩn mực Kế toán Việt Nam). Còn doanh thu của Lotte Mart trong năm 2017 là 5.268 tỉ đồng.
“Với chiến lược đầu tư kinh doanh cam kết đầu tư lâu dài, dự kiến đến năm 2020, Lotte Mart sẽ bắt đầu có lợi nhuận tại thị trường Việt Nam” - đại diện Lotte Việt Nam cho hay.
Chia sẻ về con số lỗ lũy kế thời gian qua, đại diện Lotte Mart nếu lý do: Từ năm 2008 đến nay, Lotte Mart đã chi hơn 8.913 tỉ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, vị trí mặt bằng chiến lược, trang thiết bị hiện đại cho 13 trung tâm thương mại và đại siêu thị thuộc hệ thống Lotte Mart cùng hàng loạt các chi phí kinh doanh như giá vốn sản phẩm, chi phí hoạt động tài chính, chi phí bán hàng (quảng cáo, Marketing, khuyến mại...), chi phí quản lý doanh nghiệp...
Doanh thu tăng trưởng có được một phần từ việc mở thêm trung tâm mới cũng như các giải pháp đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng và mở thêm các mô hình kinh doanh mới. Mỗi trung tâm thương mại và đại siêu thị mới đi vào hoạt động cần trung bình từ 5-8 năm kể từ ngày khai trương để đạt được điểm hòa vốn.
Thua lỗ thật hay chuyển giá?
Nhiều chuyên gia nhớ lại câu chuyện Metro Cash & Carry Việt Nam báo lỗ 12 năm với số tiền hơn 1.600 tỉ đồng và bị phạt vì hành vi chuyển giá. Năm 2015, sau 12 năm báo lỗ liên tục, Thanh tra Tổng cục Thuế vừa yêu cầu của Metro Cash & Carry phải giảm lỗ 335 tỉ đồng, truy thu thuế tới 62 tỉ đồng.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với Metro Cash & Carry đã được báo cáo Bộ Tài chính và đã được Bộ trưởng chấp thuận. Theo đó, tổng giá trị vi phạm cần xử lý đã lên tới 507 tỉ đồng.
Trong số này, vi phạm đáng chú ý nhất là hành vi chuyển giá thông qua giao dịch liên kết với công ty mẹ tại Đức. Tổng số lỗ bất hợp lý mà Metro buộc phải giảm sau thanh tra là 335 tỉ đồng.
Theo phân tích của Tổng cục Thuế, chuyển giá thông qua giao dịch tài sản vô hình này một trong 4 nhóm hành vi chuyển giá phổ biến nhất.
Thủ đoạn điển hình là các công ty mẹ nước ngoài chuyển giao công nghệ, thương hiệu cho bên liên kết tại Việt Nam và thu tiền bản quyền, nhưng thực tế, việc định giá đối với loại tài sản vô hình này không dễ.
Lợi dụng đặc thù đó, các doanh nghiệp ngoại thường tính và thu phí bản quyền rất cao đối với bên liên kết tại Việt Nam, khiến cho chi phí đầu vào của công ty ở Việt Nam bị đẩy lên cao, kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, Chính phủ Việt Nam bị mất quyền đánh thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, trường hợp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên báo lỗ trong nhiều năm, thậm chí lỗ mất vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… cho thấy có những dấu hiệu của việc chuyển giá, trốn thuế.
Chuyển giá là một trong các hành vi phổ biến trong đầu tư - kinh doanh quốc tế. Các doanh nghiệp khi có cơ hội đều tìm cách chuyển giá, trốn thuế, đối phó với sự kiểm tra của hải quan.
Các doanh nghiệp có thể đã cấu kết giữa các công ty mẹ - con, giữa các công ty trong cùng tập đoàn định sẵn mức giá mua - giá bán sản phẩm, hàng hóa, cũng như định sẵn mức lợi nhuận, lỗ - lãi cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
Mới đây, một đại gia trong ngành bán lẻ nữa là Parkson đã lần lượt đóng cửa 4 trung tâm thương mại bao gồm Parkson Keangnam tháng 1.2015, Parkson Paragon tháng 5.2016, Parkson Viet Tower tháng 12.2016 và mới đây là Parkson Flemington tháng 2.2018.