Từ quần vợt đến hoàng tộc
Sinh ra trong gia đình trung lưu, Al-Khelaifi theo đuổi giấc mơ quần vợt. Được đào tạo bài bản từ nhỏ, Al-Khelaifi hoạt động quần vợt chuyên nghiệp trong giai đoạn 1992-2003.
Một sự nghiệp đầy khiêm tốn. Thứ hạng cao nhất mà Al-Khelaifi đạt được trên bảng xếp hạng ATP là 995, với 28 chiến thắng và 73 thất bại. Toàn bộ thu nhập liên quan đến quần vợt của Al-Khelaifi là 20.000 euro (tính theo thời giá hiện nay).
Người ta bảo rằng, khoản thưởng 20.000 euro ấy là sự nhạo báng với cuộc sống và những gì Al-Khelaifi đang có. Nhưng ông chưa bao giờ quan tâm đến tiền thưởng. "Tất cả những gì đang có lúc này, tôi sẽ không bao giờ đạt được nếu không nhờ quần vợt".
Trong thời gian tập quần vợt ở CLB Doha, Al-Khelaifi có tình bạn đặc biệt với Hoàng tử Tamim bin Hamad Al Thani. Sau đó, họ tiếp tục là đồng đội của nhau ở đội tuyển quần vợt Qatar. Tình bạn với Tamim - hiện đang là vị vua thứ 8 của Qatar, đã đưa Al-Khelaifi bước chân vào hoàng tộc.
Từ quần vợt, Al-Khelaifi nhìn thấy những cánh cửa mở ra lợi nhuận từ kinh doanh thể thao, cũng như quyền lợi (và quyền lực) mà chính trị mang lại. Có cái nhìn vượt trội, ông được người bạn Tamim hỗ trợ về mặt chính trị.
Cuộc sống chính trị của Al-Khelaifi như cá gặp nước. Ban đầu, ông xây dựng chiến lược phát triển thể thao chuyên nghiệp cho Qatar. Dự án thành công ngoạn mục. Từ chỗ chỉ được nhắc đến về sự giàu có, hydrocarbon và khí đốt, Qatar từng bước có tiếng nói về sức mạnh thể thao.
Được sự hậu thuẫn từ Tamim, Al-Khelaifi tiến một bước dài đến cương vị chủ tịch Quỹ đầu tư Thể thao Qatar (QSI), tháng 6/2011. Đó cũng là thời điểm QSI mua lại PSG, đội bóng khủng hoảng tài chính và có vị thế đặc biệt ở Pháp. Kế hoạch mua lại PSG do chính Al-Khelaifi vạch ra.
Al-Khelaifi (phải) là fan của PSG từ hai mươi năm trước.
Al-Khelaifi trở thành chủ tịch của PSG từ tháng 11/2011, tự tay điều hành và xây dựng chiến lược phát triển CLB.
Hiện tại, ngoài công việc ở QSI và PSG, Al-Khelaifi cũng đang điều hành BeIn Media Group - quyền lực truyền thông mới của thế giới, thao túng Miramax hãng phim sở hữu 68 danh hiệu Oscar. Ông cũng là chủ tịch Liên đoàn quần vợt Qatar, phó chủ tịch Liên đoàn quần vợt châu Á và Tây Á, thành viên BTC World Cup 2022.
Kẻ thay đổi lịch sử bóng đá thế giới
Trong 6 năm qua, Al-Khelaifi biến PSG thành một quyền lực của bóng đá châu Âu, khi luôn vào tứ kết hoặc bán kết Champions League. Nhưng tham vọng của ông không dừng lại ở đó.
Mùa Hè năm nay đánh dấu bước chuyển mình đáng sợ của PSG, do một tay Al-Khelaifi đạo diễn. Đội bóng thành Paris bỏ ra 222 triệu euro mua lại hợp đồng của Neymar với Barca. Sau đó, thêm 180 triệu euro lấy Kylian Mbappe từ Monaco (hai đội thỏa thuận sẽ trả tiền vào năm sau).
Neymar là niềm tự hào của Barca. Real Madrid, Man United, Man City đều từng muốn mua Neymar, nhưng thất bại.
Khi điều khoản phá vỡ hợp đồng của cầu thủ người Brazil với Barca còn ở mức 150 triệu euro, cũng không đội bóng nào đủ khả năng lấy anh khỏi sân Camp Nou. Vậy mà PSG dễ dàng lấy Hoàng tử bóng đá Brazil với giá 222 triệu euro, chưa tính tiền lót tay cho gia đình cầu thủ này.
Những thương vụ Neymar và Mbappe là sự khởi đầu cho kỷ nguyên mới của bóng đá thế giới. Từ lúc này sẽ là kỷ nguyên phá vỡ hợp đồng, với đẩy bóng đá thế giới bước sang giai đoạn thương mại hóa hơn nữa.
Sự hậu thuẫn của chính trị
"Tôi làm thể thao độc lập với chính trị", Al-Khelaifi luôn nói như thế. Nhưng liệu có đúng như vậy?
Chắc chắn, PSG của Al-Khelaifi sẽ không thể thực hiện những thương vụ lớn, nếu thiếu những cái bóng chính trị.
Al-Khelaifi chơi với ai? Ngoài sự hậu thuẫn của Hoàng gia Qatar, ông có mối quan hệ với nhiều chính khách trên thế giới. Điều đó tạo thuận lợi cho chiến lược phát triển thể thao mà ông theo đuổi.
Trước đây, Al-Khelaifi không có mối quan hệ tốt với tân Tổng thống Emmanuele Macron - một CĐV trung thành của Marseille và chưa bao giờ ưa PSG. Rất nhanh, Al-Khelaifi trở thành bạn của vị Tổng thống nước Pháp.
Tân tổng thống Pháp Emmanuele Macron có mối quan hệ thân thiết với Al-Khelaifi.
Mới đây, khi PSG chuẩn bị lấy Neymar, người ta thấy Tổng thống Macron tham dự lễ khai mạc một sự kiện chiếu phim với Al-Khelaifi.
Trước đó, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng mời Al-Khelaifi đến dự tiệc sinh nhật thứ 60 của ông. Cần lưu ý, đây là bữa tiệc kín, chỉ dành riêng cho gia đình ông Sarkozy.
Al-Khelaifi đặc biệt rất thành công trong việc xây dựng các mối quan hệ chính trị. Tình bạn giữa ông với Mauricio Macri, Tổng thống Argentina, là một ví dụ.
Cách nay không lâu, Saudi Arabia và nhóm đồng minh kêu gọi tẩy chay Qatar. Lệnh cấm vận với các máy bay Qatar được đưa ra, khiến một gia đình Argentina mắc kẹt ở sân bay Doha trong tình trạng khủng hoảng tinh thần.
Đích thân Al-Khelaifi đứng ra giải quyết vấn đề. Tổng thống Macri công khai xuất hiện cảm ơn vị chủ tịch PSG, và họ xem nhau như những người bạn với "mối quan hệ của các doanh nhân, hoàn toàn tách biệt về chính trị".
Thể thao phi chính trị mà A-Khelaifi nói đến thực chất là một cuộc chơi mà vị doanh nhân 43 tuổi này bắt tay với những quan chức hàng đầu Qatar.
Mới đây, tạp chí Golf Business đánh giá, Al-Thani là người đàn ông có ảnh hưởng thứ 3 ở Qatar. Chỉ Mohammed Saleh Al Sada - Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Qatar, kiêm chủ tịch công ty Dầu mỏ Qatar (Qatar Petroleum), và Akbar Al Baker - TGĐ Qatar Airways là xếp trên ông.
Ngoài ra, Al-Khelaifi xếp thứ 17 trong số những người Ả rập có ảnh hưởng nhất toàn cầu.
Với Al-Khelaifi, không có mặt hàng nào là vô giá. Trước đây, thế giới bóng đá mô tả Florentino Perez và Real Madrid là quyền lực tuyệt đối, nhắm cầu thủ nào thì CLB chủ quản không thể giữ.
Đó là câu chuyện của quá khứ. Những năm gần đây Perez thất bại rất nhiều, và quyền lực ấy thuộc về PSG của Al-Khelaifi. Chỉ cần nhìn vào Mbappe là thấy. Real theo đuổi 3 tháng không mua được viên ngọc 18 tuổi người Pháp, nhưng PSG chỉ cần vài ngày để xong mọi chuyện.
Không phải ngẫu nhiên mà truyền thông châu Âu mô tả, Al-Khelaifi là người nắm quyền chủ động trong các mối quan hệ chính trị.