Đại gia Cao Tiến Đoan: Ông bầu "tin đồn" của Thanh Hóa FC và siêu dự án 14 năm chưa triển khai

Đỗ Lan (Tổng hợp) |

Ông Đoan nổi tiếng với tòa bạch dinh lộng lẫy rộng 50.000m2 nhưng tòa dinh thự này từng bị cầm cố lấy 25 tỷ đồng.

Nhiều nguồn tin cho rằng ông Nguyễn Văn Đệ (bầu Đệ) xin rút khỏi cương vị Chủ tịch CLB Thanh Hóa. Khả năng cao người thay thế bầu Đệ sẽ là doanh nhân Cao Tiến Đoan, sinh năm 1960, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tập đoàn Bất động sản Đông Á Thanh Hóa (EIC).

Chính vì thế, cái tên Cao Tiến Đoan đang được những người hâm mộ CLB Thanh Hóa quan tâm và mong chờ một làn gió mới từ nhân sự “có khả năng” trở thành người kế nhiệm bầu Đệ. 

Ông chủ của toà “bạch dinh” triệu đô trên diện tích 50.000 m2

Ông Cao Tiến Đoan được biết đến là doanh nhân giàu có, chuyên về bất động sản ở Thanh Hóa. Ông cũng là người sở hữu dinh thự triệu đô của dòng họ Cao ở xứ Thanh. 

Đại gia Cao Tiến Đoan: Ông bầu tin đồn của Thanh Hóa FC và siêu dự án 14 năm chưa triển khai - Ảnh 1.

Tòa bạch dinh nằm trên diện tích 50.000 m2 với vẻ ngoài vẻ sang trọng. Khu dinh thự được xây dựng theo kiểu kiến trúc Âu – Á hòa nhập với kiến trúc cổ truyền thống tạo thành một dinh thự hiện đại.

Chủ nhân Cao Tiến Đoan đã bỏ tiền để tạo một quả đồi trong khuôn viên để tạo điểm nhấn; hồ cá cảnh; cấu bán nguyệt, khu vực trồng tùng, cây cảnh, hòn non bộ xen kẽ….

Ông Đoan còn là tâm điểm được dư luận quan tâm về ý tưởng đầu tư kinh doanh trực thăng… taxi. Một khoảnh đất rộng sau khu dinh thự được “để dành” xây dựng bãi đỗ của máy bay trực thăng. 

Đại gia Cao Tiến Đoan: Ông bầu tin đồn của Thanh Hóa FC và siêu dự án 14 năm chưa triển khai - Ảnh 2.

Một số tờ báo đưa tin, vào năm 2011, ông Cao Tiến Đoan từng cầm cố toàn bộ mảnh đất 50.000m2 đất này và căn nhà số 31 Hàng Than, Thành phố Thanh Hoá tại công ty cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam để vay 25 tỷ đồng. Tòa bạch dinh này khi đó được đưa vào hợp đồng dưới cái tên dự án "Khu Resort – Khu cầu Bình Hòa – Quảng Châu – Quảng Xương – Thanh Hóa".

Năm 2015, công ty Chứng khoán KVS đã dùng xe Toyota đi thẳng vào Trung tâm Hội nghị 25B - nơi diễn ra đại hội cổ đông của công ty đại gia Cao Tiến Đoan - rồi sau đó tiến về tổng hành dinh của Tổng công ty Đông Á ở số 11 đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hoá với tấm băng rôn đòi nợ ghi dòng chữ: "Yêu cầu ông Cao Tiến Đoan phải trả cho Công ty KVS 31 tỷ đồng và trả cho ông Cao Văn Sơn 21 tỷ đồng" gây rúng động tỉnh Thanh Hóa.

Cái tên Cao Tiến Đoan còn gắn liền với xe cổ. Một số tờ báo cho biết, trong bộ sưu tập xe cổ của ông Đoan có đến 13 chiếc, phần lớn là Mercedes, từ Mercedes 190 của những năm 50 đến chiếc sang trọng nhất S55 AMG. Thậm chí chiếc xe Chaika chở thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày nào cũng đã thuộc sở hữu của vị doanh nhân này.

Đại gia Cao Tiến Đoan: Ông bầu tin đồn của Thanh Hóa FC và siêu dự án 14 năm chưa triển khai - Ảnh 3.

Ông chủ của tập đoàn bất động sản với 6 dự án lớn tại Thanh Hóa

Ông Cao Tiến Đoan là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bất động sản Đông Á. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 10/1996, với số vốn ban đầu là 10 tỉ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp, đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Đại gia Cao Tiến Đoan: Ông bầu tin đồn của Thanh Hóa FC và siêu dự án 14 năm chưa triển khai - Ảnh 4.

Tòa nhà của Tập đoàn BĐS Đông Á.

Theo thông tin từ website của Đông Á, doanh nghiệp này đã hoàn thành 6 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể:

- Khu đô thị mới ven sông Hạc (quy mô 37 ha, tổng vốn đầu tư 1.980 tỉ đồng)

- Dự án chung cư Đông Á Riverside (2 ha, 650 tỉ đồng);

- Dự án tòa nhà văn phòng – Khách sạn Đông Á (1.600 m2, 250 tỉ đồng)

- Dự án Khu đô thị sinh thái biển Đông Á Sầm Sơn (60,46 ha, 5.000 tỉ đồng)

- Dự án Khu du lịch sinh thái – Văn hóa núi Trường Lệ (146 ha, 3.000 tỉ đồng)

- Dự án Khu đô thị mới Quảng Tân (15 ha, 350 tỉ đồng).

Tính đến 22/4/2020, Đông Á có vốn điều lệ 689 tỉ đồng, trong đó ông Cao Tiến Đoan nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 57,71% vốn. 3 cổ đông cá nhân còn lại là bà Nguyễn Thị Điệp (13,676%), ông Cao Văn Phú (6,776%) và ông Cao Đức Thiện (21,777%).

Trong một bài phỏng vấn trên báo chí, ông Đoan chia sẻ về sự nghiệp với 3 lần phá sản của mình vì lý do "ngựa non háu đá".

"Trong lúc khó khăn nhất, ngoài người thân, gia đình, tôi còn nhớ nhất một người, đó là ông Trịnh Huy Luân – nguyên Giám đốc sở Giao Thông Thanh Hoá. Lúc chia tay tôi ở công trường, ông Luân đã tháo chiếc đồng hồ đeo tay tặng tôi. Đó là chiếc Citizen vàng chanh, loại đồng hồ xịn thời bấy giờ. Tôi không còn 1 xu và ông ấy bảo: "Cầm lấy, sẽ có lúc nó giúp cậu được nhiều việc". Trong lúc hoạn nạn vẫn có những người sẻ chia, tôi không bao giờ quên." – Ông Đoan kể.

Riêng về dự án dự án "Khu đô thị ven sông Hạc" có quy mô 37 ha, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng, ông Đoan đánh giá đây là một trong các dự án táo bạo. Dự án này phải làm rất nhiều việc đồng bộ: vừa cải tạo môi trường, vừa di dân tái định cư, vừa xây dựng khu đô thị bán kính 4 km.

Sông Hạc có từ thời Tiền Lê. Không những vậy, dòng sông này còn bị lấp dần sau chiến tranh, nước thải, ngập úng và ô nhiễm ở vùng này rất nặng.

"Tôi đã nghiên cứu kỹ và lên phương án cải tạo, xây dựng thành khu đô thị. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ trong kinh doanh đừng bao giờ nghĩ "đất lành chim đậu", phải dám vào chỗ khó, làm cho chỗ khó cũng biết sinh lợi, biến đất ô nhiễm thành đất lành" – Chủ tịch của BĐS Đông Á nói – "Tôi muốn tạo ra trên mảnh đất mà người ta đang cho là cằn cỗi, đang chết ấy một sự màu mỡ, một "cây đời mãi xanh" để kéo mọi người đến. Để biến nơi đó thành điểm sáng, là thành phố mới tại Thanh Hóa".

Tuy nhiên, tính từ thời điểm chuẩn bị cho dự án, đến nay đã 14 năm (Tính từ ngày khởi công đầu năm 2011 thì gần 10 năm), dự án vẫn chưa thể triển khai do khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Trong văn bản năm 2019, UBND thành phố Thanh Hóa cho biết dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc dự kiến năm 2022 sẽ hoàn thành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại