Xác nhận với VTC News, ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Nam Hồng (phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, ông đã chi 6,1 triệu euro và trực tiếp thương lượng với hãng đấu giá Millon của Pháp để mua lại ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Hợp đồng chuyển giao hiện vật đã được ký kết.
"Hiện tôi và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục để đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo về Việt Nam sớm nhất. Trong quá trình đàm phán mua ấn vàng, tôi được sự hỗ trợ, đồng hành rất lớn của Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch ", ông Hồng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thế Hồng (bên phải) và ông Alexandre Millon, đại diện sàn đấu giá Millon tại lế ký kết. (Ảnh: NVCC).
Được biết, sau khi nắm thông tin Nhà đấu giá Millon (Pháp) đưa ra đấu giá cổ vật là chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo, ông Nguyễn Thế Hồng đã chủ động đặt cọc tham gia đấu giá.
Ngày 12/11/2022, vợ chồng ông Hồng bay từ Việt Nam sang Pháp dự đấu giá. Trong phiên đấu giá, ngoài ông Hồng còn có 5 người ở các nước được quyền tham gia đấu giá chiếc ấn vàng quý giá này. Ông Hồng nhận thấy khó có thể đấu giá thành công nên đã liên hệ với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cùng các cơ quan chức năng Việt Nam để xin hỗ trợ.
Ông Hồng cũng bỏ toàn bộ các chi phí để Nhà đấu giá Millon hủy bỏ cuộc đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo để đàm phán thương lượng, mua trực tiếp.
Đoàn Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ ông Hồng đám phán trực tiếp với hãng đấu giá Millon của Pháp để mua lại ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
Sau đó, thông qua đàm phán, ông Nguyễn Thế Hồng đã mua thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo với giá hơn 6,1 triệu euro. Dự kiến cuối tháng 4 đầu tháng 5, cổ vật quý này sẽ được chuyển về Việt Nam.
Ông Hồng cho biết, bản thân có niềm đam mê với cổ vật và đã sưu tập cổ vật từ rất sớm. Ông đã thành lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng ở phường Đình Bảng, TP Từ Sơn (Bắc Ninh) để trưng bày bộ sưu tập cổ vật đồ sộ của mình. Đặc biệt, trong số đó có một cổ vật được công nhận Bảo vật quốc gia là Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách nay khoảng 2.200 - 2.300 năm.
Theo sách "Đại Nam thực lục" của Quốc Sử quán triều Nguyễn, ấn vàng Hoàng đế chi bảo được đúc vào ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng Hai năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823).
Ấn có nuốm (quai) làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng (chính xác là 280 lạng) 9 đồng 2 phân.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa).
Theo sách "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ", Hoàng đế chi bảo là ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất, quý nhất và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn. Ấn này được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài...), phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam.
Ấn vàng được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30/8/1945 tại Ngọ môn Huế, đưa ra Hà Nội. Tuy nhiên, cuối năm 1946 khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp.
Đến ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt. Bộ ấn kiếm sau đó được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại từ đó đến nay.