"Đại chiến" Vinasun - Grab: Tiếp tục ra tòa vào ngày mai

Bảo Minh |

Vụ kiện kéo dài trong một thời gian dài với nhiều lần tạm hoãn để làm rõ các chi tiết nhưng vẫn chưa đến được hồi kết.

Ngày mai (30/11) TAND TP HCM dự kiến mở lại phiên xử Grab - Vinasun sau thời gian tạm hoãn để xác định lại giá trị pháp lý của giám định thiệt hại gần 42 tỷ đồng của công ty Vinasun do Công ty Cửu Long giám định.

Hồi tháng 6 năm ngoái, Vinasun lần đầu đệ đơn khởi kiện Grab cho rằng hãng taxi công nghệ này vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây rối loạn thị trường. Đơn khởi kiện thể hiện, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải. Tuy nhiên trên thực tế, Grab hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.

Bên cạnh đó, phía nguyên đơn còn cho rằng Grab còn thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật về cạnh tranh như khuyến mãi tràn lan, kéo tài xế bằng nhiều ưu đãi. Điều này khiến doanh thu, lợi nhuận của Vinasun giảm sút nghiêm trọng. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó nguyên đơn cho rằng Grab gây thiệt hại gần 42 tỷ.

Phía Grab cho rằng tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Họ không thay đổi ngành nghề kinh doanh và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi, mức giá do hợp tác xã thống nhất. Bị đơn cũng cho rằng Vinasun mất thị phần do chất lượng chưa được cải thiện.

Đại chiến Vinasun - Grab: Tiếp tục ra tòa vào ngày mai - Ảnh 1.

Đại diện Grab tại phiên xử hồi 23/11. (Ảnh: Bảo Minh)

Vụ kiện từng được mở phiên xử rất nhiều lần nhưng buộc phải hoãn để  làm rõ thêm nhiều nội dung chưa rõ. Nhiều chi tiết nút thắt vẫn chưa được giải quyết, việc đúng sai của vụ kiện vẫn chưa được phân định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc có mặt các hãng xe công nghệ như Grab, Uber đã thúc đẩy các hãng xe truyền thống đổi mới ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, những công nghệ này vẫn còn chưa có sự tiện dụng tối đa để cạnh tranh với những hãng xe công nghệ hiện đại.

Theo các chuyên gia, nhiều app gọi xe của các hãng taxi truyền thống cho phép lái xe có thể hủy thoải mái mà không bị phạt. Như vậy, hãng xe sẽ không kiểm soát được thái độ làm việc của tài xế. Hay việc những công nghẹ này chỉ cho phép thanh toán bằng tiền mặt chưa có hệ thống thẻ hay thanh toán điện tử.

Qua vụ kiện Vinasun - Grab cho thấy hãng taxi truyền thống không để ý đến việc cải thiện năng lực cạnh tranh công nghệ mà lại đi kiện những thứ khác. Điều này là thiếu căn cứ và thuyết phục. Người cuối cùng chịu thiệt, sẽ là người tiêu dùng.

Luật sư Lưu Tiến Dũng - người đại diện Grab nói: "Tôi nghĩ rằng lẽ ra tòa phải bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bên nguyên đơn vì tất cả những gì đã trình bày tại phiên tòa không có hành vi vi phạm của Grab với Vinasun. Việc Grab tuân thủ hay không tuân thủ đề án thí điểm của Chính phủ thì Chính phủ đang xem xét và sửa đổi các văn bản liên quan. Đó là việc chính phủ đang làm và tòa án không thể can thiệp".

Cũng theo luật sư Dũng, những thiệt hại mà Vinasun đưa ra là không có căn cứ và việc lợi nhuận giảm sút là do nhiều yếu tố chứ không phải do Grab.

"Không có mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi vi phạm, nếu có, của Grab với thiệt hại của Vinasun", ông Dũng khẳng định và cho rằng kết quả giám định thiệt hại mà Vinasun đưa ra có nhiều sai sót "mà người bình thường cũng thấy".

"Kết luận nói giảm giá trị vốn hóa thị trường là thiệt hại cho Vinasun là không đúng. Giá trị vốn hóa phụ thuộc vào giá trị cổ phiếu từng thời điểm, trong khi Vinasun không phải là chủ sở hữu cổ phiếu đó mà là cổ đông. Do vậy giảm giá trị cổ phiếu không phải là thiệt hại tài sản của nguyên đơn" – luật sư Dũng phân tích

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại