Việt Nam sở hữu loại trái cây độc đáo
Nhãn là loại cây trồng ưa sáng và nhiệt, chủ yếu được trồng ở các vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Các vùng trồng nhãn chính của Việt Nam bao gồm các tỉnh như Hưng Yên, Sơn La, Hải Dương và một số khu vực ở miền Bắc Việt Nam.
Tổng diện tích các vùng trồng nhãn ước khoảng 80.000 ha, đứng trong top 5 các loại cây ăn quả có diện tích lớn nhất cả nước. Sản lượng hơn 600.000 tấn/năm.
Thành phố Hưng Yên được xem là “thủ phủ” của giống nhãn lồng đặc sản. Nhãn trồng tại đây có cùi dày, lõi nhỏ, ngọt dịu, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và xuất khẩu sang hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, sản lượng nhãn của tỉnh Hưng Yên đạt 45.000 tấn vào năm 2022, trong đó khoảng 35% được chế biến thành nhãn sấy khô và chủ yếu bán cho người tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc.
Trong lịch sử, nhà bác học Lê Quý Đôn từng ca ngợi nhãn Hưng Yên như sau: "Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong kẽ răng, lưỡi nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho".
Năm Minh Mạng thứ 11, nhân dân Hưng Yên đã chọn trái nhãn lồng để làm sản phẩm tiến vua. Từ đó, nhãn của vùng này còn được gọi tên khác là "nhãn tiến vua".
Huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cũng là khu vực trồng nhãn nổi tiếng tại miền Bắc, hiện có trên 7.500ha trồng cây nhãn, chủ yếu là giống nhãn T6 và nhãn thiết miền; sản lượng năm 2023 ước đạt trên 70.000 tấn. Từ việc trồng nhãn, nhiều gia đình thu lãi vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Toàn huyện đã được cấp 46 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, với diện tích gần 500ha.
Trung Quốc là thị trường truyền thống của nhãn Việt
Theo thống kê, Trung Quốc là quốc gia có lịch sử trồng nhãn lâu đời nhất và nhiều nhất trên thế giới, chiếm hơn 50% tổng diện tích trồng. Tại Trung Quốc, nhãn được trồng chủ yếu tại khu vực phía Nam và Tây Nam, Quảng Đông là địa phương có diện tích và sản lượng nhãn lớn nhất với diện tích trồng vào khoảng 140.000 ha.
Ngoài ra, nhãn còn được trồng tại một số địa phương khác như Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam. Thời gian thu hoạch nhãn tại Trung Quốc thường từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 9 hàng năm. Giai đoạn 2015 cho đến nay, sản lượng nhãn của Trung Quốc duy trì ở mức xấp xỉ 2 triệu tấn mỗi năm.
Mặc dù là nước có diện tích trồng và sản lượng nhãn lớn nhất trên thế giới, nhưng nước này vẫn nhập khẩu lượng lớn nhãn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa (hàng năm Trung Quốc xuất khẩu nhãn với lượng rất ít hoặc không đáng kể).
Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nhãn đầy tiềm năng. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu nhãn sấy khô, long nhãn tại Trung Quốc cũng rất lớn, bởi giống như Việt Nam, đây còn là những sản phẩm tốt cho sức khỏe, thường được dùng trong các bài thuốc Đông y.
Trong những năm gần đây, nhập khẩu nhãn của Trung Quốc chỉ ghi nhận từ Thái Lan và Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam, chiếm 64,7% tổng lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Theo đánh giá từ thị trường này, nhãn Việt Nam có vị ngon, thơm, chủng loại đa dạng và giá cả hợp lý.
Với vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc cả về đường bộ và đường biển, Việt Nam có lợi thế về vận tải, logistics, đồng thời trong nhiều năm qua, quả nhãn của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Trung Quốc được người tiêu dùng các địa phương khu vực phía Nam và Tây Nam biết đến.
"Chỉ nói về nhãn sấy khô xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng chục vườn nhãn của chúng tôi có thể xuất khẩu 500 đến 700 tấn thành phẩm sang Trung Quốc mỗi năm và mỗi vườn có thể kiếm được trung bình 1,7 tỷ đồng", một người nông dân trồng nhãn tại Hưng Yên chia sẻ.
Trong buổi gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh vào năm 2020, ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Phòng Tham tán Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam - đã dành lời khen cho nhãn lồng Hưng Yên rằng loại quả này to, cùi dày, hạt nhỏ và ăn rất ngon.
"Tôi biết nhiều đầu mối của Trung Quốc thích nhập hàng nông sản của Việt Nam. Long nhãn cũng vậy, phẩm chất long nhãn tốt, người tiêu thụ Trung Quốc rất thích", ông Cẩm cho biết và mong muốn thúc đẩy tiêu thụ nhãn sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc, nhãn Việt Nam còn được xuất khẩu đi Nhật Bản, EU. Nhãn được vận chuyển bằng đường hàng không, chịu cước phí khá cao nên giá bán lẻ cho người tiêu dùng tại Nhật Bản khoảng 320.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đối với thị trường khó tính Nhật Bản, quả nhãn Việt Nam đang là loại trái cây hút khách và thậm chí thiếu hàng trầm trọng do có nhiều người đặt mua.