“Một khi Cường B đã truy bắt thì bọn cướp giật không có cơ hội thoát. Không chỉ là võ sư của đội, anh còn là tay lái rất lụa” - các chiến sĩ ở Đội Hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM) tự hào khi nói về người đồng đội, Đại úy Phạm Quốc Cường .
Khắc tinh tội phạm đường phố
Trong đội có nhiều trinh sát tên Cường nên đồng đội gọi anh là Cường B. Khi biết chúng tôi tìm hiểu, các đồng đội liền “nói xấu”: “Ngoài mê vợ con, Cường B còn mê bắt cướp”. Khi nghe chúng tôi nói lại việc trên, anh chỉ cười thay lời xác nhận.
Gần 10 năm gắn bó với đặc nhiệm, anh và đồng đội chẳng ai nhớ nổi đã tham gia bao nhiêu chuyên án, triệt phá bao nhiêu băng nhóm, tội phạm đường phố.
Nhưng ký ức của những ngày đầu theo chân các trinh sát lão luyện học việc, anh chẳng thể nào quên. “Mình dân ngoại đạo nên ban đầu nhìn ai cũng giống ai hết, chạy xe cũng chưa có kinh nghiệm.
Lúc đầu khi tham gia bắt cướp, thấy tổ trưởng quay đầu xe đột ngột, mình cứ tưởng là đi về, ton ton chạy theo. Ai dè tổ trưởng ra hiệu cho hay có một đối tượng đang chuẩn bị ra tay cướp giật” - anh nhớ lại.
Những ngày được nghỉ, Cường không ngần ngại xin đi cùng đồng đội để học, rèn. “Có tố chất nên hơn nửa năm, anh trở thành khắc tinh của nhiều băng nhóm, tội phạm cướp giật khét tiếng” - một đồng đội của anh cho hay.
Thế nhưng trong suốt cuộc trò chuyện, anh luôn né nhắc đến những chiến công, thành tích cá nhân đã đạt được. “Sức mạnh của đặc nhiệm là sức mạnh tập thể và đồng đội, không có gì để kể” - anh né tránh.
Băng nhóm cướp giật ở quận 10, quận 3 bị đặc nhiệm bắt giữ. (Ảnh do công an cung cấp)
Suýt chết vì dính hơi cay
Với trinh sát đặc nhiệm thì chuyện mang sẹo trên người là quá bình thường, anh Cường cũng không ngoại lệ. Mười năm, anh mang hàng chục vết sẹo lớn nhỏ trên cơ thể vì bị cướp chống trả, ngã xe.
Đặc biệt, trên tay anh còn một vết sẹo lớn, in mờ dấu răng. Đồng đội của anh cho hay: Cuối năm 2017, khi tuần tra trên đường Hoàng Diệu (phường 8, quận 4), tổ tuần tra phát hiện hai thanh niên đi xe máy có biểu hiện nghi vấn nên bám theo.
Đến Bến Vân Đồn, tên lái áp sát để kẻ ngồi sau giật túi xách trên vai người phụ nữ đi đường rồi rồ ga tẩu thoát. Tổ tuần tra lập tức truy đuổi, ép xe, tóm gọn cả hai cùng tang vật.
Khi đưa kẻ cướp giật về trụ sở, lợi dụng đường đông, một tên nhảy xuống xe lẩn trốn liền bị anh khống chế. Bất ngờ tên cướp ôm tay anh, cắn ngập răng để tẩu thoát.
Dù máu chảy ướt cánh tay nhưng kẻ cướp giật nhanh chóng bị anh khóa chặt. “Hên là nó không nhiễm HIV nên không phải điều trị. Bữa đó gần đến Tết rồi!” - anh cười, nói.
Trong lần đuổi bắt kẻ cướp ở phường 15, quận 10, khi tên cướp giật chui vào con hẻm chỉ đủ chỗ một xe đi vào, anh đuổi theo.
Khi gần tiếp cận, kẻ cướp giật quay lại xịt hơi cay, anh lãnh đủ. Dừng tạm 1-2 giây, anh tăng ga tiếp tục truy đuổi. Ra tới đường lớn, thấy đường vắng, đảm bảo an toàn cho người đi đường, anh ép xe tên cướp và cả hai… cùng ngã.
Tên cướp giật ngồi dậy, móc dao thủ sẵn trong người ra chống trả nhưng trong chớp mắt mọi người đã thấy tên cướp nằm gục mà chẳng ai kịp thấy anh ra tay lúc nào.
Đồng đội cũng cho hay anh suýt lao vào xe tải vì bị tấn công bằng hơi cay. “Lần đó Cường truy đuổi hai thanh niên giật điện thoại thì tên ngồi sau xịt thẳng hơi cay vào mặt.
Thừa kinh nghiệm đối phó nên anh đạp thắng, nhắm mắt để tránh luồng hơi cay, suýt tí nữa thì tông vào xe tải chạy ngược chiều.
Không bỏ cuộc, anh truy đuổi đến đoạn đường Bành Văn Trân (quận Tân Bình), thấy đường vắng, anh lao thẳng xe vào hai tên cướp, khống chế. Khi biết anh bị dính hơi cay, người dân lấy nước và khăn lạnh giúp anh rửa mặt, hạn chế cơn đau...” - trinh sát kể.
Anh em trong Đội Hình sự đặc nhiệm mỗi người có một ưu điểm riêng. Ưu điểm của Cường B là khả năng phát hiện, đeo bám, võ thuật và chạy xe rất giỏi. Cường học ngành ngoài, vì niềm đam mê mà xin vào lực lượng. Tất nhiên, trong lĩnh vực trinh sát đặc nhiệm, đam mê thôi chưa đủ, phải có năng khiếu, bản lĩnh, trình độ, nhiệt tình, không ngại khó ngại khổ thực sự. Từ dân ngoại đạo vươn lên trở thành một trinh sát giỏi là cả một hành trình Cường phải tự thân nỗ lực, ngày nghỉ vẫn sẵn sàng đi làm. Vụ truy bắt kẻ giật dây chuyền của nhân viên ngoại giao Nga chính là một ví dụ. Hôm về Long An truy bắt, anh em biết hôm đó Cường phải đi thi, lại có việc gia đình nên không gọi, để cậu ấy nghỉ ngơi. Anh em đi từ 3 giờ sáng, đến sáng sớm thấy cậu ấy cũng lù lù phóng xe máy về đó, nói gọn lỏn: “Em đi cùng anh em!”. Thiếu tá NGUYỄN XUÂN LÀNH, Đội phó Đội Hình sự đặc nhiệm |
Cao thủ taekwondo
Từ nhỏ anh đã bộc lộ năng khiếu võ thuật. Những năm theo học ở Trường ĐH Thể dục thể thao Trung ương 2 (TP.HCM), chuyên ngành võ thuật taekwondo, anh có trong tay hàng loạt giải thưởng lớn mà những võ sĩ chuyên nghiệp cũng phải mơ ước: Giải vô địch trẻ taekwondo toàn quốc năm 1999, huy chương bạc giải taekwondo cúp các CLB mạnh toàn quốc năm 2002, vô địch giải taekwondo sinh viên toàn quốc năm 2005...
Ngày ra trường, nhận được lời gợi ý ở lại làm giảng viên nhưng anh từ chối mà xin vào công an. Anh cho hay rất hâm mộ những chiến sĩ săn bắt cướp huyền thoại (tiền thân của Đội Hình sự đặc nhiệm sau này).
“Lúc nhỏ, khi nhìn ba sửa xe máy, những vị khách hay kể chuyện về đội săn bắt cướp nghe đến thích. Sống ở TP.HCM nên không hiếm lần tận mắt chứng kiến cảnh người dân bị giật giỏ, cướp đồ nên cứ mơ trở thành trinh sát săn bắt cướp…” - anh kể chuyện.
Năm 2008, vào ngành công an, anh xin về Đội Hình sự đặc nhiệm công tác và được cấp trên đồng ý.
Được làm công việc yêu thích, được rèn luyện về nghiệp vụ, anh võ sư taekwondo này đang là khắc tinh của tội phạm đường phố.
Trong ba năm (2012-2014), con gái nhiều lần phải nằm bệnh viện (BV) liên tục. Nhiều lúc bé phải vào phòng chăm sóc đặc biệt, thở máy. Khoảng thời gian này hai vợ chồng ở BV còn nhiều hơn ở nhà. Đồng lương ít ỏi cứ thế đội nón ra đi sau những ngày vào BV chữa trị. Vợ anh từ vị trí phó bí thư phường phải xin về làm cán bộ tổ chức để có thời gian chăm sóc con. Anh chạy đi chạy về như con thoi, hết ca trực lại chạy đến BV Nhi đồng chăm con cùng vợ. Hai vợ chồng phờ phạc vì thương con. Nhưng rồi con gái anh chị vẫn không qua khỏi. “Mọi người trong đội rất thương anh nhưng không biết làm sao. Mất mát quá lớn. Những ngày bé mới mất, anh thường chở chị đi bắt cướp cùng vì không yên tâm để chị một mình…” - một trinh sát chia sẻ. Hiện tại hai vợ chồng đã có thành viên mới. “Trong đội, mỗi người có hoàn cảnh riêng: có người hiện tại vẫn phải sống trong góc cầu thang chật hẹp, có người thì cha bị đột quỵ phải nằm một chỗ đã nhiều năm… nhưng đều phải tự vượt qua hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ” - anh nói. |