Tết sắp đến, nhiều người mang theo nhiều tiền để mua sắm tiêu dùng. Đây là cơ hội cho tội phạm cướp, cướp giật hành nghề, đặc biệt là thời điểm đêm hôm và là thời điểm cho những tội phạm tinh vi hoạt động.
Trinh sát Phan Lê Khánh, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM), chia sẻ cùng bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM những lưu ý để tránh trở thành con mồi cho tội phạm khi Tết nguyên đán đang cận kề.
Những thói quen… hút cướp giật
Theo trinh sát Phan Lê Khánh, bên cạnh nghiệp vụ của công an thì cần ý thức của người dân đề cao cảnh giác mới có thể kéo giảm được tình trạng cướp, cướp giật, đặc biệt trong những ngày Tết sắp tới.
Trinh sát Khánh cho biết nhiều thói quen của người dân dễ biến họ trở thành con mồi cho nhóm tội phạm trên như vừa đi đường vừa nghe điện thoại, đeo túi bên vai, đi về khuya một mình trên những tuyến đường vắng người qua lại…
Câu chuyện hai cô gái mang túi xách bị cướp giật ở phường 22, quận Bình Thạnh dẫn tới một người tử vong, một người bị gãy xương hàm, trật khớp tay vẫn là nỗi ám ảnh của anh và những người đồng đội.
“Mang túi xách, bà con nên bỏ vào cốp xe cẩn thận. Việc đeo như vậy rất nguy hiểm, không may vướng vào người đi đường nhưng nghiêm trọng hơn là gặp cướp giật với lực kéo mạnh thì hậu quả không thể lường.
Việc vừa đi đường vừa nghe điện thoại không chỉ vi phạm luật giao thông, gây nguy hiểm cho mình, cho những người xung quanh mà còn rất dễ thu hút cướp giật.
Nếu có việc đi làm về muộn nên chọn những tuyến đường đông người qua lại, có thể là đường vòng, xa hơn nhưng an toàn hơn hoặc nhờ người đón, đi taxi…” - anh nói.
Những ngày Tết đến, thủ đoạn của tội phạm cướp giật ngày càng tinh vi hơn, chúng có thể đi từ một đến ba người hoặc cả nhóm. Trong đó, một người giữ nhiệm vụ cướp giật, hai người còn lại đảm bảo cảnh giới, cản địa khi gặp bất trắc.
Tết, tội phạm cướp giật sẽ canh me những điểm như trung tâm thương mại, cây ATM, ngân hàng, nhà ga, bến xe… lợi dụng lúc người dân sơ hở để hành nghề.
“Công an có nghiệp vụ mới có thể nhìn được đâu là tội phạm. Nhưng người dân có thể đề phòng bằng cách lắng nghe tiếng xe khác thường (do độ lại để chạy cho lẹ), nhìn qua gương chiếu hậu, quan sát xung quanh xem có ai theo dõi mình không.
Tôi không nói tất cả nhưng nếu gặp trường hợp đeo khẩu trang, đi ngược chiều, biểu hiện lấm lét, bà con nên cảnh giác” - trinh sát Khánh nói.
Tính mạng là trên hết
Khi bị cướp giật, nhiều người theo bản năng hoặc tiếc của đã giằng co tài sản, thậm chí truy đuổi theo cướp giật dẫn tới những câu chuyện đau lòng vì nguy hiểm đến tính mạng.
Thay vì giằng co, đuổi theo, trinh sát Khánh khuyến cáo người dân tìm cách ghi nhớ đặc điểm xe, nhân dạng của đối tượng và tới ngay trụ sở công an gần nhất để trình báo.
Đặc điểm xe như dòng xe (wave, Exciter, Air blade)…, xe đó màu gì (đỏ, xanh, trắng…), nhớ được biển số xe thì càng tốt. Còn đối tượng giật tài sản của mình có đặc điểm như thế nào: Áo khoác màu gì, trông cao hay thấp, gầy hay béo, có gì đập vào mắt khiến cô, bác, anh chị nhớ mãi không: Chẳng hạn như vết xăm trên mắt, cánh tay, chân…
Đó là những cơ sở quan trọng để công an truy xuất sớm tìm ra đối tượng, tìm lại tài sản trả cho bà con.
“Cướp, cướp giật là xử lý hành vi, không phải xử lý theo giá trị tài sản. Cướp giật dù chỉ một cái bánh mì, cái túi xách đựng vài thỏi son… cũng là phạm tội. Nhiều nạn nhân vì nghĩ giá trị tài sản quá thấp nên không tới trình báo, vô tình khiến tội phạm có cơ hội lọt lưới.
Chỉ cần mỗi người có ý thức, trách nhiệm, mỗi người một ít chi tiết góp lại thì đó chính là những tư liệu quý cho lực lượng công an sớm phá án, truy bắt thủ phạm, để người khác không trở thành nạn nhân như mình” - trinh sát Phan Lê Khánh nói.
Câu chuyện khiến anh nhớ mãi chính là vụ bắt Nguyễn Tấn Phúc (tự Phúc “lớn”), kẻ gây ra hàng loạt vụ cướp khét tiếng. Trinh sát đặc nhiệm phải mất ròng rã một năm trời theo dõi, đeo bám mới bắt được người này.
“Chi tiết đắt giá nhất để nhận dạng, truy tìm ra Phúc “lớn” là do người dân cung cấp: Hình vết xăm ở chân” - trinh sát Khánh nói.
“Quả đấm thép” 363 duy trì đến hết Tết nguyên đán Ra mắt vào ngày 30-12, tổ công tác 363 được hình thành từ lực lượng của ba đơn vị gồm: Cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và được triển khai theo hai cấp: TP và quận/huyện. Tổ công tác 363 tuyển lựa các chiến sĩ giỏi nghiệp vụ, vững chuyên môn để đấu tranh tội phạm băng nhóm, tội phạm đường phố… Tổ này sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm soát cơ động; kết hợp kiểm soát chốt chặn, tuần tra bộ tại các tuyến, khu vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, những địa điểm tham quan du lịch, mua sắm, nơi tập trung nhiều người, đặc biệt là người nước ngoài lui tới, làm việc nhằm kịp thời xử lý những vấn đề có liên quan đến an ninh trật tự, phòng, chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Mô hình này hoạt động từ ngày 30-12-2018 đến hết Tết nguyên đán. |