Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh thông tin tại họp báo.
Chiều 9/3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023.
Tại buổi họp báo, phóng viên nêu vấn đề, dù được công bố có tuổi thọ lên tới 50 - 70 năm nhưng chỉ sau vài năm đi vào sử dụng, một số đoạn vỉa hè trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã xuất hiện tình trạng xuống cấp trầm trọng.
Cuối năm 2022, Hà Nội đã rà soát lại những chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về chủ trương lát đá vỉa hè các tuyến phố còn lại trên địa bàn. Trong đó yêu cầu có những chủ trương mới trong những tháng đầu năm 2023.
"Việc rà soát chủ trương này và định hướng trong thời gian tới như thế nào?" - phóng viên đặt câu hỏi đến lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết, ngày 16/12/2022, Chủ tịch UBND thành phố đã ký ban hành văn bản số 4236, trong đó giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở ngành, thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát vỉa hè bị bong, vỡ, lún nứt.
Đồng thời, các đơn vị chức năng đề xuất các giải pháp pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng, công tác đầu tư của việc lát đá vỉa hè.
Ông Mạc Đình Minh cho biết, ngày 20/2/2023, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi các quận, huyện và các đơn vị, khu vực có dự án lát đá vỉa hè để tổng hợp. Từ đó đánh giá tình trạng, nguyên nhân hư hỏng, hiệu quả công tác đầu tư công tác lát đá vỉa hè trên địa bàn thành phố.
"Theo văn bản của Sở Xây dựng yêu cầu thì trước ngày 16/3/2023, các quận huyện sẽ phải gửi báo cáo về sở về công tác lát đá vỉa hè. Sau khi nhận được văn bản của các đơn vị, các ý kiến đóng góp của chuyên gia, Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND thành phố. Trong văn bản sẽ đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực và chỉ đạo gửi thanh tra của các dự án" - ông Minh chia sẻ.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo số liệu báo cáo từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, hiện nay có khoảng 255 tuyến phố có hè được lát đá tự nhiên, chủ yếu tập trung ở một số quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Thanh Xuân.
Việc đá vỉa hè xuống cấp quá nhanh không chỉ tạo ra nhiều tranh cãi về chất lượng đá mà còn gây tốn kém hàng nghìn tỉ đồng, lãng phí ngân sách.
Qua kiểm tra, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ ra một số hạn chế trong quản lý vỉa hè như công tác quản lý, sử dụng, bảo trì hè đường chưa thật sự tốt như: Việc tổ chức kiểm tra, rà soát, thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì hè hư hỏng, xuống cấp tại một số tuyến chưa kịp thời để đảm bảo duy trì chất lượng sử dụng công trình và cảnh quan, mỹ quan đô thị; việc quản lý, sử dụng mặt hè không đúng công năng sử dụng, mục tiêu đầu tư và thiết kế gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè.
Cải tạo chung cư cũ đang được Hà Nội triển khai như thế nào?
Cũng tại buổi họp báo, ông Mạc Đình Minh đã thông tin về tiến độ triển khai cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. Theo đó, ngoài việc triển khai Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, Hà Nội đã ban hành Đề án và 5 kế hoạch triển khai thực hiện.
Các kế hoạch dự kiến chia thành 4 đợt, trong đó Đợt 1 lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 gồm: 6 khu có tính khả thi (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công, Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).
Đối với khu có nhà nguy hiểm cấp D, hiện quận Ba Đình đang triển khai di dời các hộ dân dự kiến hoàn thành trong quý 1/2023. Song song với việc di dời thì công tác điểm đếm và lập quy hoạch cũng đang được triển khai.
“Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với các ngành liên quan hoàn thiện 2 văn bản để sớm trình Ủy ban Nhân dân thành phố đó là văn bản về tỷ lệ hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) và văn bản về tiêu chí tìm chủ đầu tư và Sở sẽ sớm hoàn thành 2 văn bản này trình thành phố để triển khai,” ông Mạc Đình Minh cho hay.