Ngày 15/11, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng, cho biết bệnh Whitmore, thường được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người" gia tăng đột biến trong tháng 10 và tháng 11.
Theo bác sĩ Nhân, từ đầu tháng 10 đến ngày 25/11, bệnh viện Đà Nẵng đã ghi nhận 28 ca bệnh. Tổng số bệnh nhân từ đầu năm 2020 đến nay là 31 ca. Trong đó, có 2 bệnh nhân tử vong do có bệnh nền nặng.
"Các ca bệnh này chủ yếu đến từ Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Tất cả các ca bệnh này đều có kết quả cấy dịch cơ thể như máu, mủ ổ áp xe, nước tiểu… dương tính với Whitmore
Trong số đó, có 3 bệnh nhân nặng được chuyển từ khoa Y học nhiệt đới sang khoa Hồi sức tích cực điều trị. Do bệnh nặng, đã có 2 trường hợp tử vong, gồm 1 ở Quảng Nam và 1 ở Quảng Ngãi", bác sĩ Nhân thông tin.
Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới - bệnh viện Đà Nẵng, khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất, nước, bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng.
Bác sĩ Hàm cũng cho biết mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho bệnh Whitmore phát triển, và đề nghị người dân nếu nghi ngờ mắc phải có các triệu chứng của bệnh Whitmore, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh và điều trị kịp thời.
Trước đó, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cũng cho biết đã ghi nhận 30 trường hợp mắc bệnh Whitmore trong đó có 4 người tử vong.