2 lần cân liền nhau cho kết quả khác nhau
Chiều nay 9-4, nhiều tài xế xe ben thuộc doanh nghiệp vận tải Phúc Hoàng Nguyên (Đà Nẵng) đã vây trạm cân lưu động trên đường Trường Sơn (quận Cẩm Lệ) để phản đối quyết định xử phạt quá tải.
Tài xế Phan Chiến Toàn cho biết, khoảng 14 giờ xe 43C-09407 được lực lượng chức năng yêu cầu vào trạm cân lưu động để đo trọng tải.
Anh Toàn cho xe vào trạm cân đúng quy trình. Xe tải 43C-09407 bị phát hiện vượt quá trọng tải cho phép 10,6%. Tài xế yêu cầu trạm cân thực hiện việc cân đối chứng lần 2.
“Cân lần thứ 2 thì xe tôi vượt trọng tải 10,4%. Chỉ trong mấy phút mà họ cho ra hai kết quả đo. Xe tôi chở đất rất nhẹ, đất trên thùng còn cách mép thùng khoảng 30cm, chưa đầy thùng nên nói vượt tải là không thể chấp nhận”, anh Toàn bức xúc.
Ông Nguyễn Đình Nam, chủ doanh nghiệp vận tại Phúc Hoàng Nguyên cho hay, ngay khi nhận được phản ánh, ông đã đến trạm cân để làm việc. Nhiều tài xê công ty vì bức xúc cũng tụ tập theo dõi.
Ông Nam cho rằng, xe ben 43C-09407 theo giấy phép đăng kiểm hồi tháng 7-2015 có tải trọng phần thân là 11,2 tấn. Tuy nhiên, tải trọng thực của xe là 11,9 tấn.
“Tài xế đã yêu cầu cơ quan đăng kiểm ghi đúng theo tải trọng thực, nhưng không được chấp thuận vì lý do ghi theo chủng loại xe nhập về.
Thành phố đang vận động doanh nghiệp chạy đúng, không vượt tải trọng nên chúng tôi làm rất nghiêm, không cho tài xế chở vượt tải.
Tôi đồng ý nộp phạt nếu chúng tôi sai. Tuy nhiên, tôi cho rằng cân lưu động không đúng nên mới chứng thực lại bằng 2 cách.
Tôi đề xuất đến trạm cân độc lập để cân trọng tải xe, hoặc là cho xe đổ đất xuống rồi cần lại trọng tải xe là bao nhiêu. Nếu trọng tải riêng phần thân xe là 11,9 tấn thì tài xế của tôi không vượt tải.
Tuy nhiên, các biện pháp của tôi không được chấp nhận”, ông Nam nói.
Tài xế xe vi phạm cho rằng họ chở đất cách mép thùng gần 30cm nên không quá tải
Đặc biệt, ông Nam bày tỏ sự bức xúc về cách giải quyết của các cán bộ Thanh tra Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng.
“Làm việc với doanh nghiệp và tài xế mà ông Nguyễn Trung Nghĩa (Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng) to tiếng, nồng nặc mùi bia rượu. Thành phố đã cấm cán bộ uống bia rượu trong giờ làm việc thì tại sao ông Nghĩa lại sử dụng bia rượu”, ông Nam nói.
Yêu cầu đo nồng độ cồn với Chánh Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng
Làm việc với PV, ông Nghĩa mặt đỏ gay, hơi thở có mùi bia rượu.
“Tôi đứng làm việc ngoài đường trời nắng nên mặt đỏ”, ông Nghĩa giải thích lý do mặt đỏ, có mùi bia rượu.
Theo ông Nghĩa, quy định cho phép sai số quá tải là 10%, xe 43C-09407 cân lần 1 xe ben quá tải 10,6%, cân tiếp lần 2 thì quá tải 10,4%.
"Cân thì không thể tuyệt đối được mà cho phép sai số 4%. Sau khi trừ 10% sai số quá tải và 4% sai số cân thì xe ben này đã chở quá tải", ông Nghĩa giải thích việc cân hai lần cho ra kết quả khác nhau.
Ông Nghĩa khẳng định cân này do Tổng cục Đường bộ trang bị và có kiểm định. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp yêu cầu chạy xe đến một đơn vị khác để cân lần 3 thì ông không đồng ý.
"Theo quy định chỉ được cân 2 lần thôi. Chúng tôi chỉ dựa trên hồ sơ đăng kiểm, không cần biết đăng kiểm đúng hay sai", ông Nghĩa khẳng định.
Theo ông Nghĩa, với lỗi vi phạm của xe 43C-09407 thì tài xế bị phạt 900 ngàn đồng, chủ xe bị phạt 6 triệu đồng.
Đến khoảng 17 giờ, tài xế và chủ xe vẫn không ký vào giấy xử phạt. Ông Nam sau đó gọi điện thoại trực tiếp đến Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng yêu cầu đến kiểm tra nồng độ cồn với ông Nghĩa.
Tuy nhiên ngay sau đó, ông Nghĩa lên xe rời khỏi trạm cân.
Đến khoảng 18 giờ, ông Nam cho biết xe tải đã được rời khỏi trạm cân. “Họ (đại diện sở GTVT Đà nẵng - PV) hẹn chúng tôi thứ 2 lên cân xe rồi tiếp tục xử lý vụ việc”, ông Nam cho hay.