Một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Congo - Ảnh: WHO
Theo Medical Xpress, tiến sĩ Aime Alongo, trưởng bộ phận y tế Sankuru - Congo, cho biết hôm 30-5 rằng đã có 465 ca đậu mùa khỉ được xác nhận tại quốc gia này, trong đó có 9 trường hợp tử vong.
Như vậy, Congo trở thành một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đậu mùa khỉ trong năm 2022 ở vùng Tây và Trung Phi - nơi căn bệnh này thường xuyên lưu hành.
Tiến sĩ Alongo cho hay căn bệnh này tồn tại dai dẳng ở Congo do việc tiêu thụ khỉ và động vật gặm nhấm đã chết: "Người dân vào rừng, nhặt xác của khỉ, dơi và các loài gặm nhấm, vốn là ổ chứa mầm bệnh đậu mùa khỉ" - ông giải thích và kêu gọi những người có triệu chứng đến các trung tâm y tế để được cách ly, điều trị.
Còn theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Nigeria, trong năm 2022 họ đã xác định được 66 trường hợp nhiễm/nghi nhiễm, trong đó 21 ca đã được xét nghiệm khẳng định. Ca tử vong vừa ghi nhận là một bệnh nhân 40 tuổi, có bệnh nền, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Nigeria không có đợt bùng phát thành dịch bệnh đậu mùa khỉ từ tháng 9-2017 nhưng liên tục báo cáo các trường hợp lẻ tẻ. Đã có 247 ca được ghi nhận từ thời điểm đó cho đến nay tại 22/36 bang, tỉ lệ tử vong là 3,6%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có hơn 300 ca nhiễm/nghi nhiễm đậu mùa khỉ được báo cáo tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, rải rác ở khắp các châu lục. Đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày; trong đó phổ biến nhất là 6-13 ngày. Nguyên nhân lây nhiễm là ăn thịt chưa nấu chín của động vật nhiễm bệnh, tiếp xúc với dịch cơ thể của người hoặc động vật nhiễm bệnh.
Đậu mùa khỉ có 2 chủng chủ yếu, một chủng lưu hành ở Congo gây bệnh nặng, tỉ lệ tử vong 10,6%; trong khi chủng ở Tây Phi tỉ lệ tử vong là 3,6%, cũng có thống kê cho thấy có thể dưới 1% nếu các điều kiện chăm sóc y tế tốt. Các ca được ghi nhận trên thế giới được cho là nhiễm chủng từ Tây Phi.
Tuần trước, chuyên gia truyền nhiễm nổi tiếng là giáo sư Isabelle Eckerle từ Trung tâm Geneva về các bệnh virus mới nổi ở Thụy Sĩ từng đưa ra lời kêu gọi WHO và các nước hành động mạnh mẽ hơn đối với làn sóng đậu mùa khỉ ngoài vùng lưu hành, tránh sự chủ quan vì cho rằng bệnh nhẹ, đã có thuốc và vắc-xin. Một số chuyên gia khác cho rằng cần hành động "từ gốc" - tức từ vùng lưu hành thường xuyên của đậu mùa khỉ, là Tây và Trung Phi.