CV-16: Bí ẩn động trời phía sau tàu sân bay Liêu Ninh

Huy Bình |

Số 16 trong số hiệu tàu sân bay Liêu Ninh nói lên quãng đường từ một đống sắt vụn trở thành chiếc hàng không mẫu hạm như hiện nay.

Chi phí mua tàu bằng 1/18 chi phí kéo tàu qua eo Bosphorus

Tiền thân của tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc là khu trục hạm chở trực thăng Varyag được Liên Xô khởi công chế tạo từ năm 1985, sau khi Liên Xô sụp đổ nó thuộc sở hữu của Ukraine. Do thiếu kinh phí, dự án đã bị đình chỉ và bỏ mặc từ năm 1992 - 1998.

Khi đó, Varyag nằm ở Nhà máy đóng tàu Biển Đen thuộc thành phố Nikolayev, là trung tâm đóng tàu quân sự quan trọng nhất của Liên Xô. Trung Quốc đã che giấu mục đích quân sự bằng cách ủy nhiệm cho các thương gia người Hoa mua lại tàu sân bay này với mục đích dân sự.

Cuộc mua bán chiếc Varyag trên thực tế diễn ra khá phức tạp. Theo nhật báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, xuất bản tại Hồng Kông, Công ty Agencia Macau tiếp xúc với Ukraine - nơi thừa hưởng vỏ chiếc tàu này sau khi Liên Xô tan rã, vào năm 1996.

Vào năm 1998, việc thương gia người Hoa Từ Tăng Bình đạt thỏa thuận mua chiếc tàu sân bay chưa hoàn thiện “Varyag” của Liên Xô từ Ukraine, với mục đích làm “sòng bạc nổi” ở Macau đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng Trung Quốc và các chuyên gia nước ngoài.

Tuy đã mua được nhưng phải mất thêm 4 năm nữa, tàu mới được kéo từ Ukraine về thành phố Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, mà khúc mắc chính là sự phản đối của Mỹ, Nhật và việc Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép kéo nó từ Biển Đen qua eo biển Bosphorus để ra Địa Trung Hải

Khi đó, các thương nhân Trung Quốc đại diện cho Công ty Agencia Turistica & Diversoes Chong Lot tuyên bố mua “Varyag” về làm sòng bạc nổi ở Macau nhưng đã có rất nhiều nghi vấn về mục đích này bởi công ty đó lại không có giấy phép kinh doanh sòng bạc.

 CV-16: Bí ẩn động trời phía sau tàu sân bay Liêu Ninh  - Ảnh 1.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hiện đảm nhận vai trò huấn luyện

Năm 2000, Công ty Agencia thuê tàu kéo chiếc Varyag dài hơn 300 m đến Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, thì bị kẹt lại, một phần là do chính quyền Ankara đưa ra những hạn chế từ công ước Montreux 1936 nhằm ép buộc Bắc Kinh phải trả một khoản phí khổng lồ.

Hoa Kỳ và Nhật Bản khi đó cũng đã tỏ ý không muốn chiếc tàu này lọt vào tay Trung Quốc và đã gây sức ép với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đúng vào lúc Chính quyền Bắc Kinh thương lượng với Ankara cho phép kéo tàu Varyag qua eo biển Bosphorus.

Khi đó Nhật Bản đã tố cáo chiếc Varyag thật sự do Chính phủ Trung Quốc đặt mua, Công ty Agencia chỉ là một công ty bình phong. Tokyo tin rằng mục đích của Bắc Kinh là nghiên cứu mẫu tàu Varyag để đóng tàu sân bay, nhưng chính quyền Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàm phán với Ankara và mãi đến tháng 10/2001, sau 15 tháng đàm phán, Thổ Nhĩ Kỳ mới chấp nhận cho Trung Quốc kéo tàu qua eo biển Bosphorus với một mức giá khổng lồ lên tới 361 triệu USD.

Đây là điều cực kỳ khó hiểu, bởi theo tuyên bố của Trung Quốc và Ukraine, Varyag chỉ là một xác tàu đã gỉ sét, lại chưa hoàn thiện nên được bán với giá đồng nát là 20 triệu USD - chưa bằng giá 1 trong 4 chiếc động cơ được lắp đặt trên con tàu này.

Trung Quốc phớt Nga, đi đêm với Ukraine mua công nghệ tàu sân bay

Sau đó, đến năm 2002 tàu sân bay Varyag đã được kéo về đền lãnh hải Trung Quốc và dĩ nhiên là nó chẳng bao giờ được đưa đến Macau để làm sòng bạc mà đến thẳng Nhà máy đóng tàu Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh - một nhà máy đóng tàu quân sự hàng đầu của Trung Quốc,

Nhìn tàu sân bay CV-16 Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc hiện nay, không ai nghĩ rằng có một thời nó không khác gì một “con tàu đắm”, hay nói cách khác là như một “đống sắt vụn” rỉ sét, được nước này mua về từ Ukraine với mục đích bên ngoài là làm “sòng bạc nổi”.

Khi đó, trên mạng Trung Quốc đã đăng tải hình ảnh tàu sân bay Varyag của Liên Xô (tiền thân của tàu sân bay Liêu Ninh) trong quá trình được các tàu kéo về nước với lời bình luận là “tuy thân thể loang lổ vết tích rỉ sét, nhưng vẫn rất uy phong”.

Khi mới kéo về, tiền thân của Liêu Ninh là tàu khu trục chở máy bay Varyag trông như đống sắt vụn. Toàn bộ phần thân dưới ngập trong nước của con tàu bị đóng hà, rong rêu bao phủ, phần thân trên hoen rỉ trông như một con tàu đắm vừa được trục vớt.

Sau quá trình đánh hà, cạo rỉ, tẩy rửa và làm sạch, trông con tàu đã bớt tồi tệ hơn nhưng trên thân vẫn còn những vết rỉ sét, mặt dưới mũi tàu vẫn còn phù hiệu của hải quân Liên Xô.

Sau khi làm sạch thân tàu, người Trung Quốc đã lắp đặt giàn giáo, chia ô trên thân tàu để tu sửa, gia cố và cải tạo phần khung thân tàu. Sau đó, tiến hành sơn sửa để trông ra dáng một con tàu sân bay, hoàn tất phần cơ khí của công đoạn phục hoạt con tàu.

Tuy nhiên, việc khôi phục hoạt động của các hệ thống thiết bị trên tàu sân bay của Trung Quốc rất khó khăn bởi mặc dù tàu được chế tạo ở Ukraine, nhưng lại do Cục thiết kế Neva ở St.Petersburg đảm nhiệm thiết kế. Hơn nữa, rất nhiều thiết bị và hệ thống là do Nga sản xuất, trong đó bao gồm tiêm kích hạm Su-33.

Chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Vasily Kashin cho biết, ngay từ đầu thập niên 90 Trung Quốc đã có ý định sớm mua lại công nghệ tàu sân bay và đã đàm phán với Nga, nhưng vì thiếu vốn nên khiến cho đàm phán bị trì trệ.

Sau khi Bắc Kinh mua lại được tàu sân bay "Varyag" của Ukraine, Nga đã nắm được ý định của Trung Quốc là sẽ cải tạo tu sửa tàu sân bay này để sử dụng, nên Moscow hy vọng sẽ thu được lợi nhuận từ con tàu đổ nát này.

Việc đàm phán kéo dài từ cuối thập niên 90 đến đầu những năm 2000, nhưng hầu như không có kết quả, vì Bắc Kinh muốn tự mình hoàn thiện chiếc tàu sân bay đầu tiên, nhưng bằng cách "đi đêm" với Ukraine, khiến Nga mất trắng tiền bản quyền từ con tàu này.

 CV-16: Bí ẩn động trời phía sau tàu sân bay Liêu Ninh  - Ảnh 3.

Trung Quốc cải tạo "tàu đắm" Varyag thành tàu sân bay Liêu Ninh

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, Ukraine vẫn chưa có hệ thống quản chế hiệu quả đối với việc xuất khẩu trang bị, vũ khí, đồng thời lại luôn thiếu tiền nên chỉ cần bên mua hào phóng thì dường như có thể mua được bất cứ tài liệu hay vũ khí hay nào do Liên Xô chế tạo.

CV-16

Mặc dù khi đó Varyag mới hoàn thiện được 2/3 nhưng 4 động cơ của con tàu - bộ phận cấu thành rất quan trọng của một tàu sân bay, đã lắp đặt hoàn chỉnh và bảo quản trong tình trạng hoàn hảo. Sau này, cả 4 động cơ đều vận hành rất tốt sau một đợt đại tu vào năm 2011.

Đây là một bất ngờ về kỹ thuật rất hấp dẫn đối với những quốc gia đang tìm mọi cách để hiện đại hóa trang bị, vũ khí mà lại yếu kém về công nghệ như Trung Quốc. Đó cũng chính là điều kiện rất thuận lợi để Trung Quốc tu sửa hoàn thiện tàu sân bay này.

Nhà nghiên cứu quân sự Antony Wong Dong cho biết, sau nhiều năm đàm phán, nhà máy đóng tàu Biển Đen đã chuyển công nghệ động cơ này cho Công ty Cơ khí Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc, một nhà máy chuyên sản xuất các thiết bị tuốc bin và lò đốt tàu chiến phục vụ cho quân đội.

Bán đảo Crimea (khi đó vẫn thuộc Ukraine) còn có một căn cứ huấn luyện phi công tiêm kích hạm của Liên Xô là Nitka. Trung Quốc đã tiếp cận và mua được cả một nguyên mẫu tiêm kích hạm Su-33 là T-10K3 của Ukraine, sau đó bắt đầu chế tạo tiêm kích hạm J-15.

 CV-16: Bí ẩn động trời phía sau tàu sân bay Liêu Ninh  - Ảnh 4.

Trung Quốc đã đi đêm với Ukraine để mua công nghệ tàu sân bay

Ngoài ra, căn cứ Nitka có một số lượng lớn các trang bị chuyên dụng cho tàu sân bay, trong đó bao gồm cả các bộ cáp hãm đà. Được sự cho phép của phía Ukraine, Trung Quốc đã tiếp cận được với căn cứ này và mua chui được thêm rất nhiều công nghệ khác.

Tóm lại, Bắc Kinh đã thu được những công nghệ cơ bản về tàu sân bay Liên Xô từ Ukraine, từ đó có thể độc lập tu sửa, phục chế và cải tạo chiếc Varyag thành tàu sân bay Liêu Ninh hiện nay mà không cần phải chính thức nhập khẩu thiết bị và công nghệ của Nga.

Có lẽ, việc này đã tiết kiệm được một khoản tiền, nó lớn đến đâu vẫn chưa thể kết luận được, nhưng rõ ràng là việc việc "mua chui" tàu sân bay đã khiến Bắc Kinh mất rất nhiều thời gian và tiền bạc trong quá trình mò mẫm tự mình nghiên cứu những hệ thống kỹ thuật phức tạp.

Vì vậy, mãi đến năm 2012, Liêu Ninh mới được trang bị cho hải quân Trung Quốc và đến năm 2014 mới chính thức đảm nhận nhiệm vụ tiến hành các chuyến huấn luyện ở các vùng biển xa. Hiện nay, nó cũng chỉ có thể gọi là tàu sân bay thử nghiệm hoặc huấn luyện chứ không có khả năng tác chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại