Cựu Tư lệnh NATO thúc giục ông Biden vượt qua 'ranh giới đỏ'

Hoàng Vân |

Tổng thống Mỹ đang được cựu Chỉ huy tối cao của NATO ở châu Âu thúc giục vượt qua cái gọi là "ranh giới đỏ" của Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

Cựu Chỉ huy tối cao của lực lượng NATO ở châu Âu, tướng James L. Jones

Cựu Chỉ huy tối cao của lực lượng NATO ở châu Âu, tướng James L. Jones

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24/2/ 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng, Moscow sẽ mở rộng chiến tranh nếu phương Tây cung cấp cho Kiev vũ khí có khả năng tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

Bất chấp những lời cảnh báo từ người đứng đầu Điện Kremlin, một số vũ khí có khả năng tầm xa đã được chuyển giao cho Ukraine mà không có bất kỳ dấu hiệu trả đũa nào từ phía Nga.

James L. Jones, tướng bốn sao của Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết trong một cuộc phỏng vấn do RadioFreeEurope đăng hôm 26/11 rằng, viện trợ quân sự từ chính quyền Tổng thống Joe Biden đã “quá thận trọng”, và đã buộc Ukraine phải chiến đấu với “một tay bị trói sau lưng”.

“Tôi nghĩ Mỹ đã đồng lõa trong việc không cung cấp vũ khí đủ nhanh, đặc biệt là về mặt không quân.

Chúng ta đã quá thận trọng trong việc không cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí có thể tấn công vào Nga. Và như vậy, các bạn thực sự đang khiến Kiev phải chiến đấu với một tay bị trói sau lưng.

Nhưng tôi nghĩ bây giờ mọi người đã nhận ra điều đó, chuỗi cung ứng đã tốt hơn, và thiết bị đang được cung cấp với tốc độ nhanh hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ xem. Nhưng đối với tôi, phần còn thiếu lớn nhất là hàng không ...", tướng Jones nói.

Các loại vũ khí tầm xa mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine bao gồm bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) và hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa (ATACMS), mặc dù ATACMS được gửi tới Kyiv có tầm bắn ngắn hơn các loại khác. Anh cũng đã gửi tên lửa tầm xa "Storm Shadow" cho Ukraine.

Tuần trước, cơ quan truyền thông Ukraine Militarnyi đã suy đoán rằng, hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) mới có trong gói viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine có thể được trang bị một "sửa đổi độc đáo", cho phép nó phóng vũ khí có thể tấn công các mục tiêu ở Nga, có thể bao gồm GLSDB hoặc tên lửa tầm xa dành cho ATACMS.

Cựu tướng bốn sao cho rằng, lo ngại về việc Nga mở rộng chiến tranh chỉ vì viện trợ quân sự là không có cơ sở. Ông lưu ý Ukraine cần bổ sung vũ khí, trong đó có ATACMS tầm xa hơn, để đánh bại Nga thay vì duy trì lộ trình "làm việc hướng tới bế tắc".

“Quay trở lại nỗi lo sợ ở các quốc gia thuộc NATO rằng, nếu bạn trao cho Ukraine vũ khí có thể tấn công vào Nga thì Nga sẽ đáp trả tương xứng, và có thể gây ra một cuộc chiến rộng lớn hơn. Thành thật mà nói, tôi không nghĩ điều đó đúng. Nỗi sợ hãi rõ ràng là Nga sẽ leo thang thành một cuộc xung đột hạt nhân và mọi người đều lo ngại về điều đó”, ông Jones nói.

Cựu chỉ huy tối cao của lực lượng NATO ở châu Âu cũng gọi quyết định tấn công Ukraine của Nga "có lẽ là một trong những sai lầm lịch sử lớn nhất mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào đã mắc phải", nói rằng, vào lúc này ông "không nhìn thấy lợi thế rõ ràng của cả hai bên" trong cuộc chiến, nhưng "gần như không nghi ngờ gì nữa" rằng, Nga sẽ không thành công trong việc tiếp quản Ukraine như một quốc gia".

Theo Newsweek

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại