Ngày 13/9, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, lần thứ 2 chuyển hồ sơ cho VKS đề nghị các bị can Phan Văn Anh Vũ, Trần Phương Bình và 24 đồng phạm gây thiệt hại 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đông Á (Ngân hàng Đông Á).
Thêm bị can mới bị đề nghị truy tố
Trước đó, tháng 7/2018, VKS từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án này để điều tra thêm nhiều tình tiết, tránh bỏ lọt tội phạm. Sau quá trình điều tra bổ sung, 2 bị can mới là Nguyễn Vinh Sơn (59 tuổi) và Phan Thị Tố Loan (48 tuổi, cùng là nhân viên ngân hàng Đông Á) bị đề nghị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo hồ sơ, ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đông Á) và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng giám đốc DongABank) bị đề nghị truy tố 2 tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Bên cạnh đó, ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79) bị đề nghị truy tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Phan Văn Anh Vũ và Trần Phương Bình liên quan đại án tại ngân hàng Đông Á.
Theo hồ sơ vụ án, ông Trần Phương Bình bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng cho ngân hàng Đông Á. Trong đó, ông này gây thiệt hại 1.160 tỷ đồng trong việc mua hơn 74.000 cổ phần ngân hàng, 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng thiệt hại do chi lãi ngoài.
Nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á còn gây thiệt hại hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép.
Từ những thiệt hại trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của ngân hàng Đông Á. Cuối tháng 12/2015, ngân hàng này có lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng, tổng tài sản thực chỉ còn hơn 47.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 25.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến bị cáo buộc đã sử dụng nhiều pháp nhân lập hồ sơ rút 467 tỷ đồng của ngân hàng Đông Á để ông Bình mua cổ phần của chính ngân hàng này. Sau đó, ông Bình chỉ đạo xuất quỹ trái phép để tất toán khoản vay này.
Cơ quan điều tra xác định, bà này đóng vai trò đồng phạm giúp cấp trên chiếm đoạt số tiền 467 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Xuyến còn chiếm đoạt 40 tỷ đồng của ngân hàng Đông Á khi ngân hàng này cho một cá nhân vay 270 tỷ đồng. Bà ta cũng bị cáo buộc tham gia kinh doanh vàng tài khoản trái phép, chi lãi suất ngoài sai nguyên tắc gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.
Vũ "nhôm" xin được khắc phục hậu quả
Liên quan tới vụ án, Vũ "nhôm" bị cáo buộc nhận hơn 200 tỷ đồng từ ông Trần Phương Bình để mua cổ phần của ngân hàng Đông Á. Đây cũng là một trong những vấn đề phải làm rõ khiến trước đó VKS Tối cao trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Kết luận điều tra bổ sung thể hiện Phan Văn Anh Vũ từng 4 lần gửi đơn đến VKS Tối cao yêu cầu xác minh, kê biên tài sản của mình nhằm đảm bảo khắc phục hậu quả. Ông Vũ cũng xin gặp gia đình để thống nhất việc khắc phục hậu quả số tiền hơn 200 tỷ đồng (cả gốc và lãi).
Cơ quan điều tra xác định 5 bất động sản của Vũ ở Đà Nẵng, cùng 2 bất động sản khác ở TPHCM. Trong số đó, bất động sản tại số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1, TPHCM) là vật chứng của vụ án, đã được kê biên, phong tỏa trong vụ án khác liên quan đến Vũ.
Vũ "nhôm" xin gặp người thân để thống nhất nhất việc khắc phục hậu quả.
Hồi giữa tháng 8/2018, cơ quan chức năng đã cho phép ông Vũ gặp một số người thân để thống nhất việc nộp tiền mặt khắc phục hậu quả. Tuy nhiên đến nay, phía người nhà ông Vũ chưa có động thái thực hiện.
Hồ sơ cũng thể hiện, ông Nguyễn Hồng Ánh (56 tuổi, cựu trung tá thuộc một đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP HCM) bị đề nghị truy tố trong đại án này. Ông Ánh bị cáo buộc liên quan đến khoản vay 2.000 lượng vàng SJC tại ngân hàng Đông Á. Cựu trung tá liên đới trách nhiệm với số tiền 53 tỷ đồng thiệt hại tại ngân hàng này.
Quá trình điều tra, ông Ánh thừa nhận tội và người nhà ông này cũng đã nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả. Cũng theo hồ sơ thể hiện, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ việc Vũ "nhôm" nhận 13,4 triệu USD từ ông Trần Phương Bình.