Cựu kình ngư Olympic VN trả lại huy chương để bơi vào dòng đời

Mộc Miên |

Tham dự Olympic là giấc mơ đối với bất cứ VĐV nào trên thế giới. Nhưng sau đấy, họ có gì và bước vào đời ra sao? Với Võ Trần Trường An, Thế vận hội chỉ còn là hoài niệm xa xôi…

Atlanta thuở 20 năm về trước

Từ sau năm 1975, TP HCM luôn là cái nôi tạo ra những kình ngư nổi tiếng cho bơi lội Việt Nam. Hết thế hệ này đến thế hệ khác và nếu trở lại thời gian ở thế hệ thứ 4, người ta không thể không nhắc đến Võ Trần Trường An.

Vì trong khoảng thời gian từ 1995-1999, tức 5 năm, cô gái sinh năm 1981 tại TP.HCM này đã phá tới 4 kỷ lục quốc gia ở nội dung sở trường tự do. Kỳ tích mà các thế hệ tài năng trước đó không có được.

Năm 1996, Trường An được lựa chọn vào đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic diễn ra tại Atlanta (Mỹ), qua đó trở thành VĐV trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam tham dự một kỳ Thế vận hội.

Tham dự đấu trường đỉnh cao Olympic khi còn rất trẻ, nhưng Trường An lại không bị "cóng" về tâm lý. Trái lại, "cô bé 15 tuổi" này lại đến Atlanta với tất cả sự hào hứng.

Cựu kình ngư Olympic VN trả lại huy chương để bơi vào dòng đời - Ảnh 1.

Hai mươi năm trước, Võ Trần Trường An là vận động viên Việt Nam trẻ tuổi nhất góp mặt tại đấu trường Olympic.

An nói: "Khi chính thức đứng vào sân chơi Olympic, An có chút xíu hồi hộp. An biết sức mình tới đâu so với các nước khác trên thế giới nên tâm lý rất thoải mái, để thi đấu hết khả năng của mình".

Ở kỳ Thế vận hội năm đó, Trường An thi đấu ở nội dung 50m tự do. Tại vòng loại, cô gái 15 tuổi đến từ Việt Nam chỉ xếp thứ 5/8 VĐV lớn tuổi hơn đến từ các quốc gia khác.

Không thành công ở Atlanta 1996 - một đấu trường quá sức mà bơi lội Việt Nam thời điểm ấy và bây giờ (với Ánh Viên) chưa bao giờ mơ mộng. Tuy nhiên, thành tích 29.02 giây của Trường An tại Olympic 20 năm trước cũng là một điều rất đáng khích lệ.

Người ta kỳ vọng, Trường An sẽ trưởng thành hơn, sẽ đột phá cho bơi lội Việt Nam tại những đấu trường vừa sức như SEA Games, ASIAD sau khi trở về từ "biển lớn" Olympic trên đất Mỹ.

Bản thân Trường An cũng thừa nhận, Atlanta 1996 là một bài học lớn, bổ ích cho mình về kinh nghiệm và tâm lý thi đấu…

Trả lại huy chương…

Nhưng đến năm 1998, đúng vào độ chín của sự nghiệp, Trường An từ giã ĐTQG, cô chỉ còn thi đấu cho TP.HCM và đến năm 2000, kình ngư này chính thức nói lời tạ từ với "đường đua xanh" rồi từ ấy… mất hút.

Vì sao Trường An giải nghệ đúng vào độ chín của sự nghiệp và không tiếp tục gắn bó với đường đua xanh trên cương vị huấn luyện như bao đồng nghiệp khác? Trường An cho biết, cuối thập niên 1990, cô không nhìn thấy tương lai xán lạn khi tiếp tục gắn bó với bơi lội.

Mặt khác, để làm công tác huấn luyện, Trường An cần đi học.

Nhưng có điều, việc những VĐV chuyên nghiệp hòa nhập được với giảng đường đại học là rất khó, bởi phần lớn thời gian từ thời thơ ấu, họ phải ưu tiên luyện chuyên môn, còn văn hóa thì… chỉ được học và dạy cho có tại các trường bổ túc văn hóa hay giáo dục thường xuyên.

Thực tế, khi quyết định giải nghệ, Trường An cũng đã theo học Đại học Thể dục thể thao TP.HCM, nhưng đến năm thứ 2 thì cựu kình ngư này nghỉ học, vì theo An:

"Việc học của An rất khó khăn, bởi trước đó An không có nhiều thời gian học vì phải tập luyện. Khi thấy An khó khăn, ba mẹ An khuyên An nghỉ học, để phụ giúp gia đình".

Cựu kình ngư Olympic VN trả lại huy chương để bơi vào dòng đời - Ảnh 2.

Bỏ lại những ngày tháng vinh quang, Võ Trần Trường An giờ đây yên phận với cuộc sống đời thường.

Theo nghiệp thể thao từ nhỏ, không có nhiều thời gian học hành như các bạn cùng lứa tuổi khác, để rồi khi giải nghệ thì bước vào cuộc sống mới với không ít bỡ ngỡ, đó cũng là cái giá phải trả của An và không ít các VĐV chuyên nghiệp khác của Việt Nam.

Trao đổi về Trường An, ông Nguyễn Nguyên, một nhà báo gắn bó lâu năm với thể thao Việt Nam cho biết: "Khi ngồi nói chuyện với Trường An, có lần tôi hỏi nếu được chọn lại, em có chọn trở thành VĐV bơi lội để được đi Olympic không thì Trường An lắc đầu".

"Tôi hiểu cái lắc đầu của Trường An. Các VĐV khi mới bước vào môi trường chuyên nghiệp thì họ say mê, nhưng khi bước ra thì họ thấy rằng có cả một khoảng trống mênh mang phía trước.

Khi trở về từ nước Mỹ, Trường An đã nhận thấy rằng, nước Mỹ họ không đào tạo VĐV như ở Việt Nam, mà họ nuôi dưỡng tài năng từ môi trường giáo dục".

Nhưng An chấp nhận nó. Và để sẵn sàng cho cuộc sống mới, Trường An không lưu giữ bất cứ hình ảnh nào của mình thời còn thi đấu trong ngôi nhà của cô.

Mọi huy chương, kỷ niệm chương, kỷ vật thi đấu, cô dành tặng lại cho phòng truyền thống của Trung tâm TDTT dưới nước Yết Kiêu, cái nôi đã đào tạo ra mình…

… bơi vào dòng đời

Lặng lẽ! Trường An chia tay sự nghiệp bơi lội như thế. Từ đó, cô gái từng tham dự Olympic Atlanta 1996 phụ giúp cha mẹ kinh doanh, bán hàng tại chợ Bến Thành. Công việc mưu sinh dù vất vả, nhưng thuận lợi, dần giúp An quên mình là một kình ngư.

Cách đây vài năm, gia đình Trường An cũng nghỉ kinh doanh buôn bán, cô lại bươn chải đi tìm việc khác và hiện tại, kình ngư nổi tiếng một thời đang làm quản lý cho một nhà hàng ở quận 2.

Cứ thế, đã gần 2 thập kỷ, Trường An nói, cô chưa từng trở lại hồ bơi. Thay vào đó là những công việc, những tất bật của cuộc sống thường nhật.

Nhưng Trường An và gia đình còn một công việc khác, đó là cùng các thành viên trong nhóm "Gia đình tâm thiện bụi đời" nấu hàng ngàn xuất cơm phát miễn phí cho người nghèo.

Nhóm từ thiện này do cha mẹ Trường An lập nên từ đầu những năm 1990. Theo thời gian, nhóm không ngừng mở rộng về số lượng người tình nguyện tham gia.

Cứ Chủ nhật cuối tháng, tại nhà của Trường An ở con hẻm trên đường Phạm Ngũ Lão (Q1.TP HCM), Trường An cùng các thành viên thiện nguyện trong "Gia đình tâm thiện bụi đời" lại tất bật từ sáng để chuẩn bị hàng ngàn suất ăn miễn phí cho người nghèo.

Vậy nên, thay vì huy chương, hình ảnh, kỷ vật thời thi đấu, nhà Trường An toàn những… nồi, niêu, xoong chảo xếp ngổn ngang để phục vụ cho công việc nấu ăn từ thiện.

Cựu kình ngư Olympic VN trả lại huy chương để bơi vào dòng đời - Ảnh 3.

Dở dang tình yêu với thể thao, cơ hội với học hành, với cô bé vận động viên 15 tuổi này nào, điều quan trọng nhất giờ đây là làm một người tốt.

Gần 20 năm, Trường An không còn nhớ đến đường đua xanh nữa. Người ta cũng chẳng ai biết hay nhớ kình ngư Trường An.

Kể cả những bạn trẻ trong nhóm "Gia đình tâm thiện bụi đời", họ cũng chỉ biết An là cô gái có tấm lòng hảo tâm, chứ không hay cô gái này từng tham gia tranh tài trên đường đua Olympic ở Atlanta tròn 20 năm trước.

Nhớ đến Trường An, có chăng chỉ còn những nhà báo lâu năm như ông Nguyễn Nguyên hay những đồng nghiệp, những người thầy cũ của An như bà Nguyễn Thị Hoàng, cựu HLV trưởng Trung tâm Yết Kiêu.

Nói về Trường An, VĐV mà mình theo sát từ năm lên 8 tuổi, bà Hoàng thổ lộ: "Người ta vẫn nói, so bó đũa, chọn cột cờ. Chúng tôi phải mất rất nhiều năm mới tìm ra được một tài năng như Trường An. Khi An quyết định nghỉ vì nhiều lý do khác nhau, chúng tôi tiếc lắm".

Nhiều người tiếc cho An nhưng cô gái ấy thì không. An mãn nguyện với công việc, với cuộc sống hiện tại và với thiện nguyện bằng cả trái tim. Còn Olympic, SEA Game hay những kỷ lục quốc gia?

Trường An không còn lưu luyến hay nhớ nhung nữa, chúng đã trở thành quá vãng, kể từ khi cô bỏ đường đua xanh, để "bơi" vào dòng đời xuôi ngược…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại