Bóng dáng AIC
Ngày 31/12, được biết Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa hoàn thành kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Quang Tuấn , cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội về tội “Vi phạm quy định đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Bị truy tố cùng tội với ông Tuấn có các cựu lãnh đạo Bệnh viện này, gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng, cựu Phó giám đốc; Nguyễn Thị Dung Hạnh, cựu kế toán trưởng; Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh cùng là cựu Phó phòng phụ trách phòng vật tư.
7 người còn lại bị đề nghị truy tố gồm các cựu lãnh đạo, nhân viên của Công ty Kim Hòa Phát, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công ty định giá AIC, Công ty Hoàng Nga.
Ông Nguyễn Quang Tuấn
Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Tuấn quen biết từ trước với Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT, Phó giám đốc Công ty Kim Hòa Phát). Năm 2015, Đạt đặt vấn đề với ông Tuấn về việc cho phép được bán "stent phủ thuốc" cho bệnh viện.
Cạnh đó, Đạt cũng đề nghị ông Tuấn để công ty đề xuất giá bán thiết bị và cho phép được ký gửi stent vào Bệnh viện Tim Hà Nội trước khi đấu thầu.
Khi lập danh mục mua sắm và dự toán các gói thầu năm 2016, bị can Đoàn Trọng Bình đã yêu cầu Công ty Kim Hòa Phát cung cấp thêm ba báo giá của ba đơn vị với mặt hàng stent và các mặt hàng can thiệp tim mạch khác. Trong đó, báo giá của Công ty Kim Hòa Phát được để giá thấp nhất để dễ dàng trúng thầu.
Cơ quan điều tra cho rằng, hành vi này làm mất tính công bằng, minh bạch của đấu thầu.
Cựu Giám đốc sửa danh mục mua sắm
Hơn nữa, danh mục mua sắm cũng được ông Tuấn sửa lại là 807 mặt hàng với tổng giá trị gần 400 tỷ đồng để phù hợp với kế hoạch chi tiêu năm 2016.
Tiếp đó, quá trình tổ chức xác định giá gói thầu để phục vụ lập kế hoạch đấu thầu, phó giám đốc Hoàng Thị Ngọc Hưởng cùng Đoàn Trọng Bình thông đồng với Công ty thẩm định giá AIC.
Cơ quan điều tra cáo buộc những việc này Hưởng và Bình làm theo chỉ đạo của ông Nguyễn Quang Tuấn.
Sau khi móc nối với nhau, Bệnh viện Tim Hà Nội, Công ty Kim Hòa Phát, Công ty CP Đầu tư và Công ty định giá AIC đã thông đồng về giá dự toán trong danh mục mua sắm và giá kế hoạch đấu thấu mặt hàng stent. Từ đó, để Công ty Kim Hòa Phát tham gia dự thầu và nâng giá cao hơn thị trường.
Ông Nguyễn Quang Tuấn bị kết luận cùng đồng phạm đã có sai phạm khi thực hiện gói thầu mua sắm stent với Công ty Kim Hòa Phát, gây thiệt hại hơn 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Tuấn và lãnh đạo Công ty Hoàng Nga cũng thực hiện nhiều chiêu thức thông thầu, gian lận trong đấu thầu tại gói thầu số 5 cung cấp vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch năm 2016 và 4 gói chỉ định thầu rút gọn năm 2017. Hành vi này gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 47 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền thiệt hại tại các gói thầu có liên quan đến trách nhiệm của ông Tuấn là hơn 53,8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn (SN 1967, ở Thanh Oai, Hà Nội). Năm 1994, ông Tuấn tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội ngành bác sĩ đa khoa, sau đó tiếp tục học bác sĩ nội trú chuyên ngành tim mạch. Năm 1996, ông Tuấn đi tu nghiệp chương trình 2 năm tại Đại học Toulouse, Pháp học về ngành Tim mạch can thiệp.
Sau một thời gian công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Năm 2016, ông Tuấn trúng cử Đại biểu Quốc hội. Ông là Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Năm 2017, ông là Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á-Thái Bình Dương, thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ.
Ngày 5/3 /2018, ông được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam công nhận đạt chuẩn Chức danh Giáo sư ngành Y năm 2017.
Ngày 18 /3/2020, ông được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Tháng 5/2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chấp thuận đề nghị của Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội, cho rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khỏi danh sách bầu cử ĐBQH khóa XV.