Mới đây, sau khi Thái tử Anh Charles, Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock lần lược được chẩn đoán mắc Covid-19; đặc biệt là trường hợp Thủ tướng Johnson phải nhập viện, điều này đã khiến dịch bệnh Anh trở thành một trong những mối lo ngại toàn cầu.
Trả lời tờ The Paper (Trung Quốc), Tiến sĩ Lưu Triết Nghị, bác sĩ người Malaysia làm việc tại Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh NHS từ năm 2006, cho biết, tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại nước này hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu với Quý độc giả về chia sẻ (lược trích) của bác sĩ Lưu Triết Nghị.
---
"Cứu được mạng nào hay mạng nấy"
"Hiện tại, tương tự ở một số nước châu Âu như Ý và Tây Ban Nha, NHS đang thiếu giường bệnh, đặc biệt là phòng ICU (Đơn vị chăm sóc đặc biệt).
Do không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng nên số lượng nhân viên y tế tuyến đầu đã giảm đi rất nhiều. Do nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào [của bệnh Covid-19], các y bác sĩ đều sẽ được cách ly ít nhất 7 đến 14 ngày, cho nên nếu chúng tôi không làm xét nghiệm (loại bỏ bệnh viêm phổi Covid-19) thì chúng tôi không có cách nào để trở lại tuyến đầu.
Hiện nay, do nhiều áp lực, chính phủ [Anh] đã bắt đầu thay đổi chính sách, bắt đầu tiến hành thực hiện nhiều xét nghiệm axit nucleic [đại trà] thời gian qua".
Ngoài ra, một hạn chế nữa là, do NHS là một tổ chức rất lớn, thiết bị y tế được đặt hàng thống nhất. Họ sẽ không để các bệnh viện trực thuộc tự mua một số vật tư y tế cần thiết, chẳng hạn như PPE (đồ bảo hộ cá nhân) hay khẩu trang. Do đó, rất nhiều nơi tồn tại những vấn đề nghiêm trọng như thiếu PPE, khẩu trang.
Hiện tại, các biện pháp phòng ngừa của nhân viên y tế tuyến đầu vẫn cần phải được cải thiện. Thực ra, đồ bảo hộ của nhân viên y tế chúng tôi còn kém xa các quốc gia khác. Một số bệnh viện không cho phép nhân viên y tế đeo khẩu trang, nói rằng họ sợ gây hoảng loạn cho bệnh nhân.
Nhân viên điều đưỡng thường hai người một nhóm, giờ đây vì thiếu PPE cho nên họ nhận được thông báo, chỉ một người có thể mặc đồ bảo hộ, người còn lại chỉ có thể đứng một bên quan sát.
Chăm sóc y tế tuyến đầu hiện nay là vấn đề nghiêm trọng nhất ở khu vực London. Có những phòng theo dõi bệnh nhân nặng ở bệnh viện London đều đã chật cứng bệnh nhân, cần chuyển bệnh nhân đến những bệnh viện khác gần đó.
Do thiếu vật tư, đặc biệt là PPE, cho nên chúng tôi chỉ đeo khẩu trang, găng tay và tạp dề nhựa dẻo trong quá trình điều trị và thăm khám cho bệnh nhân trong phòng cấp cứu.
Trừ phi [bệnh nhân] chắc chắn nhiễm Covid-19 hoặc là trường hợp nghi nhiễm nguy cơ cao, chúng tôi mới được mặc đồ bảo hộ hoặc (trước mặt) là một bệnh nhân nghi nhiễm nhập viện, chúng tôi mới được trang bị PPE đầy đủ.
Tuy nhiên, chính phủ đã đặt hàng gần 3 triệu bộ PPE và khẩu trang, tôi nghe nói số vật tư đó sẽ được phân phối cho tất cả các bệnh viện tuyến đầu ngay lập tức.
Nếu vấn đề vật tư chưa được giải quyết trong hai tuần này, nhân viên y tế có khả năng sẽ buộc phải sàng lọc bệnh nhân có thể vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Trên thực tế, tất cả nhân viên y tế đều lo lắng về việc bị nhiễm bệnh. Bởi sau tất cả, chúng tôi cũng có người thân. Sợ hãi và căng thẳng tinh thần lớn hơn mệt mỏi về thể xác, nhưng trách nhiệm ở đây, lương y như từ mẫu cho nên mọi người vẫn dốc toàn lực vượt qua, có thể cứu được mạng nào hay mạng nấy. Các đồng nghiệp sẽ giúp đỡ lẫn nhau và khuyến khích nhau vượt qua khó khăn, sợ hãi.
Số lượng ca nhiễm của đội ngũ nhân viên y tế hiện chưa rõ. Tuy nhiên, tôi nghe nói, một số nhân viên y tế đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Giờ đây, chính phủ Anh đã thực hiện các biện pháp như đóng cửa trường học và hạn chế đi lại cho nên những bệnh nhân đến khám đều là những người cần phải nhập viện và tình hình sẽ nghiêm trọng hơn. Ví dụ, một số trẻ em cũng đã cần sự trợ giúp của máy trợ thở.
Hai người thầy đi trước mà tôi rất tôn trọng, họ và tôi đều là chuyên gia về hô hấp ở Khoa Nhi, một vị nói rằng, ông đã chuẩn bị sẵn tâm lý bản thân sẽ nhiễm bệnh, vị kia thì nói ông vẫn lo lắng lắm dù bệnh viện đã sẵn sàng [các biện pháp] để ứng phó dịch bệnh.
Trên thực tế, mọi người cũng lo lắng về việc không thể cứu được bệnh nhân, và sợ nhất là chứng kiến hoặc đối mặt với những khoảnh khắc thương tâm, đau buồn của gia đình người quá cố.
Nói với bố mẹ, con họ chẳng thể cứu được là chuyện cực kỳ đau đớn, tuyệt vọng
Hiện nay, ngày càng có nhiều người đến khoa cấp cứu để thăm khám. Tối 28/3, có tới 35-40 bệnh nhân vẫn đang ở trong phòng cấp cứu. Trước đây, số bệnh nhân tại thời điểm này chỉ là một nửa. Tất nhiên, nếu ở trong một bệnh viện hạng nhất London, sẽ có nhiều hơn thế.
Trong quy trình phòng cấp cứu, nếu bệnh nhân có triệu chứng sốt hoặc ho, sổ mũi hoặc đã tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, y tá cấp cứu sẽ sắp xếp để họ được kiểm tra tại phòng cách ly và sau đó họ sẽ gọi cho chúng tôi, để chúng tôi thăm khám.
Chúng tôi sẽ tới và cùng với y tá tiến hành thăm khám cho bệnh nhân rồi lấy mẫu xét nghiệm. Khi lấy mẫu xét nghiệm hoặc kiểm tra cổ họng [bệnh nhân], chúng tôi đều mặc PPE.
[Hôm 27/3], tôi rất bận vì phòng bệnh có một bé gái bị thoái hóa thần kinh bẩm sinh. Cháu phải nhập viện vì viêm phổi. Do có triệu chứng sốt và ho nên chúng tôi tất nhiên phải xử lý theo quy trình đối với bệnh nhân Covid-19. Nhưng khó nhất là vì cháu thường xuyên bị co giật, và một khi cơn co giật xảy ra, cháu sẽ ngừng hô hấp.
Khi chuông khẩn cấp vang lên, cả y tá và bác sĩ sẽ nhanh chóng xông vào phòng để cấp cứu. Bởi vì cháu cần máy thở cho nên nếu đã nhiễm Covid-19 thì nguy cơ lây nhiễm cao. Đêm qua vì cấp cứu, hai ba y tá chưa kịp mặc đầy đủ PPE mà xông vào, cho nên tôi đã lo lắng cả đêm rằng họ sẽ bị nhiễm bệnh.
Do tình trạng của bệnh nhi xấu đi, tôi phải chuyển cháu đến phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện hạng nhất của thành phố.
Tuy nhiên, do khả năng bị nhiễm Covid-19 và bệnh thoái hóa thần kinh bẩm sinh khiến bệnh tình cháu ngày càng nghiêm trọng, cho nên bác sĩ tại phòng chăm sóc đặc biệt đã từ chối cho cháu nhập viện. Họ cảm thấy rằng khả năng phục hồi của bệnh nhân nhí này rất thấp và họ không muốn các nhân viên y tế khác bị nhiễm Covid-19.
Là bác sĩ điều trị chính, tôi phải nói rõ với bố mẹ cháu rằng, chúng tôi đã cố gắng hết sức. [Cháu bé] có thể phục hồi hay không đều phải xem ý trời. Là một bác sĩ, sẽ [cảm thấy] vô cùng đau đớn, tuyệt vọng khi phải nói với bố mẹ bệnh nhân rằng, con của họ không thể cứu được".