Chỉ vài giờ nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki, 4 ngày sau khi ông Trump chỉ trích các đồng minh của Mỹ tại thượng đỉnh NATO ở Brussels vì không đóng góp tương xứng vào chi tiêu quốc phòng của khối.
Quan hệ Trump-Putin là một mối quan hệ lạ lùng vì rất nhiều lý do. Cuộc gặp lần này cũng đặc biệt lạ lùng bởi công tác chuẩn bị duy nhất được thực hiện có vẻ như chỉ là một chuyến thăm Moscow của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton.
Tới thời điểm này, vẫn chưa có mục tiêu chính sách rõ ràng cho cuộc gặp này, nghĩa là sẽ có rất ít hạn chế trong cuộc đối thoại. Đây không hẳn là một điều tồi tệ nhưng rõ ràng là bất thường.
Để có thêm một góc nhìn về thượng đỉnh Helsinki, về việc liệu cuộc gặp có thể chệch hướng như thế nào và vì sao ông Putin lại có ưu thế trong tình huống này, phóng viên Sean Illing của Vox News đã có cuộc phỏng vấn với cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul.
Ông Michael McFaul là đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời Tổng thống Barack Obama và là tác giả của cuốn sách "From Cold War to Hot Peace: An American Ambassador in Putin’s Russia" (tạm dịch "Từ Chiến tranh Lạnh tới Hòa bình Nóng: Một đại sứ Mỹ tại nước Nga của Putin"). McFaul đã sống vài năm tại Nga và từng nhiều lần đàm phán với chính phủ Nga.
Lãnh đạo Nga - Mỹ sẽ gặp gỡ tại Helsinki. Ảnh: Reuters
Tại cuộc họp báo ở Brussels tuần trước, Trump nói rằng ông Putin là "đối thủ", chứ không phải "kẻ thù", và nói về việc ông Putin đã "tốt" với mình như thế nào. Ông nhận định gì về phát ngôn này?
Michael McFaul: Họ mới chỉ gặp nhau có một lần, nên không phải là họ có một mối quan hệ cá nhân sâu sắc. Điều tôi thấy từ phát ngôn ấy là một người đang tha thiết muốn hòa hợp với Tổng thống Putin, không giống với cách ông ấy đối xử với các nhà lãnh đạo khác - ông Kim Jong-un chẳng hạn.
Tất nhiên, tôi hiểu rằng nếu nói theo cách ấy thì có thể đạt được một số mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ nhưng nhìn chung thì không hiệu quả về mặt ngoại giao.
Nịnh nọt không có tác dụng với ông Putin. Làm vậy không khiến ông ấy "giúp" chúng tôi bất cứ điều gì. Và tôi không hiểu ông Trump đang muốn đạt được điều gì ở đây.
Tiến hành cuộc gặp này với ông Putin có phải là một sai lầm của ông Trump không?
Michael McFaul: Không, tôi không nghĩ như vậy. Lúc nào chúng ta cũng phải tiếp xúc với các đối thủ. Chúng ta đã làm như vậy thời Chiến tranh Lạnh, trong những thời kỳ đầy hiểm nguy. Vì thế nhìn chung, tôi không phản đối chuyện tổ chức thượng đỉnh, kể cả với ông Putin. Nhưng trong tình huống này, dường như không có một chương trình nghị sự để tiến tới.
Khi tôi làm việc trong chính quyền Obama, đó là cách chúng tôi tiếp cận tất cả các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Nga. Câu hỏi đầu tiên chúng tôi đặt ra là: "Các mục tiêu mà chúng ta sẽ thúc đẩy bằng cách tiến hành cuộc gặp này là gì?"
Cựu đại sứ Mỹ Michael McFaul. Ảnh: Greatest Paka
Và chúng tôi đã hủy một cuộc họp với phía Nga dù đã được lên lịch hồi năm 2013 bởi không có một chương trình nghị sự chắc chắn và bởi ông Putin đã cấp quy chế tị nạn cho Edward Snowden (cựu nhân viên NSA đã tiết lộ bí mật về chương trình do thám của chính phủ Mỹ- ND).
Có vẻ ông Putin không gặp bất lợi nào với cuộc gặp này. Nhiều người lo ngại rằng ông Trump sẽ đồng ý với một điều khoản thiếu khôn ngoan nào đó trong một cuộc gặp như thế này, nhưng ông ấy vốn đã giúp thúc đẩy chính sách ngoại giao có lợi cho ông Putin. Vậy nên tôi không hiểu vì sao những điều nói tại đó lại quan trọng.
Michael McFaul: Đúng vậy. Nhìn từ hành động của ông ấy, rõ ràng Trump đang thúc đẩy kết quả chính sách mà ông Putin mong muốn. Ví dụ, điều ông Trump đã làm tại Brussels tuần qua hoàn toàn có lợi cho Putin. Nhưng quan trọng là phải nhớ rằng tiến hành một cuộc gặp mà chẳng đạt được điều gì từ đó thì cũng nguy hiểm.
Bản năng của Trump là sẽ quên đi quá khứ, quên đi chuyện Nga sáp nhập Crimea, bỏ qua việc ông Putin ủng hộ chính quyền Assad và gần như không chỉ trích gì về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Bởi vì thôi thúc muốn hòa hợp (với ông Putin) của Trump quá mãnh liệt nên ông ấy đã tiến lên và quên đi tất cả những vấn đề ấy.
Và tất nhiên, cũng có khả năng ông Trump sẽ trao đi một điều gì đó hoặc đồng ý với một thỏa thuận có lợi cho Putin và không làm gì để thúc đẩy lợi ích của Mỹ.
Ở cùng trong một căn phòng với ông Putin cảm giác như thế nào? Ông Trump đang bước vào một tình huống như thế nào?
Ông Putin đã quen với chuyện này suốt 2 thập kỷ. Ông ấy đã xử lý các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao suốt cả cuộc đời, và đây là vị Tổng thống Mỹ thứ tư mà ông ấy phải đối phó. Kết quả là ông ấy biết rất rõ những vấn đề này, rõ hơn nhiều so với Tổng thống Trump.
Ông Putin thì sẽ tìm kiếm các mục tiêu. Ông ấy sẽ ngồi lại với đối thủ và nói, "Đây là những chuyện mà chúng ta tìm cách thực hiện". Và chắc chắn một trong số đó là đảm bảo rằng mình và ông Trump sẽ không nhắc tới nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hay bất cứ vấn đề nào tôi nhắc tới ở trên.
Nhưng Putin có khả năng sẽ thúc đẩy một thỏa thuận liên quan tới việc Mỹ rút quân khỏi Syria.
Vấn đề là Putin được chuẩn bị cho cuộc gặp này và ông ấy sẽ xuất hiện với một kế hoạch rõ ràng. Tôi hy vọng rằng phía chúng ta cũng sẽ làm điều tương tự, nhưng không có nhiều bằng chứng ủng hộ điều đó từ bên ngoài.
Ông Trump có vẻ như một mục tiêu dễ dàng với một người như ông Putin. Thật khó để tưởng tượng ông Putin không có ưu thế trong cuộc gặp.
Michael McFaul: Đúng, ông Putin có ưu thế hơn. Việc ông Trump tiến hành cuộc gặp này dù Nga (được cho là) đã can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta và việc ông Trump không sẵn lòng công khai chỉ trích ông Putin cho thấy, chúng ta đang mong ngóng được kết thân với Nga tới mức sẵn sàng quên đi những chuyện đó.
Putin là một người thông minh, ông ấy hiểu điều này và ông ấy sẽ lợi dụng nó.
Cuộc gặp sẽ ra sao trong mắt các đồng minh Mỹ ở châu Âu? Họ sẽ hiểu chuyện này như thế nào?
Michael McFaul: Tôi ngờ rằng, hầu hết các đồng minh của Mỹ đều lo sợ ông Trump sẽ tỏ ra mình để tâm tới mối quan hệ của bản thân với Putin hơn là quan hệ với các đồng minh thực sự. Mọi người đều hy vọng rằng hầu như sẽ không có kết quả nào cả và họ sẽ không đạt được bất cứ điều gì từ cuộc gặp này.
Nếu có thể thì ông sẽ khuyên ông Trump điều gì?
Michael McFaul: Đầu tiên, đừng khen ngợi Putin. Chẳng có lý do gì để giả vờ ông ấy là bạn bè. Ông ấy không phải là bạn bè.
Thứ hai, hãy thúc đẩy lợi ích quốc gia của Mỹ trong cuộc gặp này. Chúng tôi không cần một cuộc gặp để làm quen với Putin, tham gia vào một cuộc trò chuyện vui vẻ vô nghĩa. Như vậy là lãng phí thời gian.
Thứ ba, hãy tránh các thỏa thuận tồi tệ và đặc biệt là các thỏa thuận làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Cuối cùng, không được tỏ ý nhượng bộ về Crimea, Ukraine hoặc cấm vận cho tới khi Nga thay đổi thái độ.