Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm Kiev và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4. Ảnh: Reuters
Khi các phái đoàn Ukraine và Nga gặp nhau ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 3, đã xuất hiện tin đồn về một thỏa thuận tiềm năng mà trong đó Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và đồng ý trung lập, để đổi lấy việc Nga rút quân. Vài ngày sau, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố Kiev đã phát hiện ra bằng chứng về tội ác chiến tranh của lực lượng Nga và các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ.
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 10/12, Đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Douglas MacGregor cáo buộc Anh phải chịu trách nhiệm về việc kết thúc đột ngột các cuộc đàm phán hòa bình.
“Ông Boris Johnson đại diện cho lợi ích của Washington và nói rằng hoàn toàn không được, chúng tôi sẽ ủng hộ bạn đến tận cùng. Các bạn phải giữ vững lập trường của mình và chiến đấu vì từng tấc đất của Ukraine”.
MacGregor không phải người Mỹ đầu tiên gợi ý rằng ông Zelensky đã sẵn sàng đã sẵn sàng đàm phán hòa bình vào tháng 3. Fiona Hill, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, từng viết hồi tháng 9 rằng một “giải pháp tạm thời” đã được thống nhất ở Istanbul.
Vào tháng 5, truyền thông Ukraine cho biết sự sụp đổ của các cuộc đàm phán có liên quan đến áp lực mà ông Johnson áp đặt lên Kiev. Cựu Thủ tướng Anh đã thăm Kiev vào ngày 9/4, và theo tờ Ukrainskaya Pravda , ông đã nói với các quan chức Ukraine rằng "ngay cả khi Ukraine sẵn sàng ký một số thỏa thuận với Tổng thống Putin, thì phương Tây vẫn chưa sẵn sàng."
Giờ đây, khi cuộc xung đột bước sang tháng thứ 10, thì Tổng thống Zelensky đã từ bỏ khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin và cam kết sẽ giành lại tất cả các khu vực đã sáp nhập Nga hồi tháng 9 cùng bán đảo Crimea.
Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn sẵn sàng đàm phán, nhưng cảnh báo vào tháng 10 rằng các cường quốc phương Tây phải tham gia vào quá trình này, vì thỏa thuận với riêng Ukraine có thể bị "hủy bỏ ngay lập tức theo lệnh" từ phương Tây.
Theo RT