Cuống cuồng vì mất dấu tàu Nga, tàu ngầm Mỹ suýt gây ra thảm kịch

Nhật Minh |

Trong quá khứ từng xảy ra vụ va chạm giữa tàu ngầm USS Grayling của Mỹ và tàu ngầm K-407 Novomoskovsk của Nga ngoài khơi bán đảo Kola.

Vụ việc xảy ra vào ngày 20/3/1993 sau khi chiếc Grayling đã theo dõi chiếc K-407 được vài giờ đồng hồ.

Tàu ngầm Grayling dài 89m, được biên chế vào năm 1969. Đây là một trong những chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân lâu năm lớp Sturgeon và từng là phương tiện tác chiến đáng tin cậy của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.

Tàu ngầm tấn công trước hết có nhiệm vụ săn lùng các tàu đối phương. Đứng đầu trong danh sách mục tiêu là các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hoặc các tàu ngầm giữ nhiệm vụ phóng tên lửa hạt nhân từ dưới nước trong trường hợp Thế chiến III nổ ra.

Vì thế, Mỹ đã thi hành chính sách bố trí tàu ngầm tấn công phục kích gần các căn cứ hải quân của Liên Xô để bám đuôi những tàu ngầm rời cảng. Sau khi Liên Xô tan rã, chính sách này vẫn tiếp tục được duy trì.

Cuống cuồng vì mất dấu tàu Nga, tàu ngầm Mỹ suýt gây ra thảm kịch - Ảnh 1.

Tàu ngầm USS Grayling.

Tàu ngầm K-407 là chiếc cuối cùng thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Delta IV, nổi tiếng êm ái.

K-407 dài 166m, gần gấp đôi chiều dài tàu ngầm Grayling và có lượng giãn nước 18.200 tấn (khi lặn), gấp hơn 4 lần lượng giãn nước của con tàu Mỹ (4.252 tấn).

K-407 được trang bị 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm RSM-54, mỗi tên lửa mang theo 4 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập. Đây là chiếc tàu ngầm đầu tiên từng phóng đồng thời 16 tên lửa đạn đạo trong một cuộc thử nghiệm năm 1991, sau thất bại của tàu Yekaterinburg (cùng lớp) vào năm 1989.

K-407 rời cảng Severomorsk để tiến hành đợt huấn luyện trên biển Barents, cách Murmansk 120 dặm về phía bắc. Vào thời điểm đó, khoảng 60% số tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Nga đóng quanh bán đảo Kola (gần biên giới Phần Lan và Na Uy).

Thủy thủ đoàn tàu K-407 không hề hay biết tới sự hiện diện của chiếc tàu ngầm Mỹ đang bám sau nó gần 7 dặm. Khoảng 0h15' đêm hôm đó, thuyền trưởng K-407 Andrei Bulgakov lái ngoặt con tàu ở độ sâu 76m và bắt đầu trở về cảng.

Cuống cuồng vì mất dấu tàu Nga, tàu ngầm Mỹ suýt gây ra thảm kịch - Ảnh 2.

Tàu ngầm K-407 Novomoskovsk

Grayling đột ngột mất tín hiệu sonar với chiếc tàu Nga. Thuyền trưởng của tàu - Richard Self quyết định tăng tốc để thu hẹp khoảng cách và dò lại tín hiệu sonar của tàu đối phương.

Tuy nhiên, khi phát hiện ra K-407 cũng là lúc Richard Self nhận ra rằng, chiếc tàu Nga chỉ cách 0,6 dặm và đang lao thẳng về phía con tàu của ông!

Trên thực tế, tàu Grayling chỉ tăng tốc lên 7-9 dặm/giờ, trong khi K-407 di chuyển với tốc độ khoảng 20 dặm/giờ. Điều này có nghĩa Grayling chỉ có 60-75 giây để tránh khỏi cú va đập.

Thuyền trưởng Richard Self đã dùng hết sức để ngoặt tàu và cho tàu nổi lên, tuy nhiên ông có quá ít thời gian.

0h46', kíp thủy thủ tàu K-407 sững sờ khi nghe thấy tiếng rít chói tai, kéo dài vì bị chiếc tàu ngầm Mỹ quệt vào mạn phải. Chỉ sau cú va chạm này, tàu ngầm Nga mới phát hiện ra Grayling.

Chiếc tàu Mỹ sau đó còn bơi xung quanh để chắc chắn rằng K-407 không có hư hại nghiêm trọng nào trước khi cả 2 con tàu quay trở về cảng nhà. May mắn là không có ai bị thương và không có hư hại gì nghiêm trọng.

Theo Moscow, lớp vỏ ngoài của tàu K-407 có một "vết lõm nhỏ", trong khi một số nguồn tin khác cho biết đó là một vết xước khá dài nhưng thân tàu không bị thủng. Mỹ thông báo tàu Grayling cũng chỉ hư hại nhẹ (cũng có một số nguồn tin khác lại tiết lộ rằng con tàu bị hư hại rất nặng sau cú va đập).

Tuy nhiên, tình huống có thể đã trở nên tồi tệ hơn nhiều. Theo một bài viết trên tờ The Atlantic, nếu cú va chạm xảy ra chậm hơn 5 giây thì chiếc tàu ngầm Mỹ đã đâm vào khoang tên lửa hạt nhân của K-407, làm thủng thân tàu và khiến thứ vũ khí chết người này rơi xuống biển.

Cho đến nay, tàu ngầm K-407 vẫn tiếp tục hoạt động trong Hải quân Nga, còn chiếc Grayling đã được Hải quân Mỹ đưa ra khỏi biên chế vào năm 1997.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại