Cười ra nước mắt với chuyện thưởng của U23 Việt Nam

VI TIẾU |

Đoạt vị trí Á quân giải U23 châu Á 2018 ở Trung Quốc, đội tuyển U23 Việt Nam đã lập kỷ lục về số tiền thưởng được nhận từ các nhà tài trợ. Đây là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của thầy trò HLV Park Hang Seo. Nhưng đằng sau những khoản thưởng được công bố cho U23 Việt Nam, có không ít chuyện tréo ngoe.

Tiền thưởng để sửa nhà cho mẹ

Theo thống kê của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tới ngày 30/3, đã có 62 đơn vị thưởng tiền mặt cho đội tuyển U23 Việt Nam, với tổng số lên tới hơn 51 tỷ đồng. Đây là con số kỷ lục về tiền thưởng của một đội bóng Việt Nam. 

Chuyện này cũng dễ hiểu bởi chiến tích đoạt vị trí Á quân châu lục của U23 Việt Nam thực sự là cơn “địa chấn”, nằm ngoài tất cả sự trông mong của công chúng và người hâm mộ. Thành tích là một chuyện, tinh thần thi đấu quả cảm, những nỗ lực tuyệt vời của thầy trò HLV Park Hang Seo là một yếu tố khác khiến U23 Việt Nam nhận được sự yêu mến của đông đảo người dân.

Cười ra nước mắt với chuyện thưởng của U23 Việt Nam - Ảnh 1.
Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa đăng status về việc thưởng cho ĐT U23 trên facebook ngày 3/4. Status này sau đó đã được gỡ xuống vì không muốn làm buồn lòng những nhà tài trợ chân tình với ĐT U23 Việt Nam.

Do số tiền thưởng quá lớn và lại đến không cùng lúc, VFF đã phải chia thưởng cho các cầu thủ theo từng đợt. 

Tổng thư ký (TTK) VFF Lê Hoài Anh hôm qua cho hay, gần như toàn bộ những khoản thưởng của U23 Việt Nam thông qua VFF đều đã được giải ngân tới tay cầu thủ và các thành viên ban huấn luyện. Việc chia thưởng của U23 Việt Nam do HLV Park Hang Seo và các học trò quyết định, VFF không can thiệp. Ông Hoài Anh cho biết, chỉ còn lại một số rất nhỏ chưa xử lý xong.

Theo thông lệ, tiền thưởng của U23 Việt Nam sẽ được chia phân theo các mức A,B,C,D,E, trong đó các mức sẽ tuỳ đóng góp của các thành viên. HLV Park Hang Seo và các cầu thủ đá chính đương nhiên được nhận mức thưởng cao nhất. 

Quy định này có từ trước, không phải tới khi U23 Việt Nam được thưởng mới đưa ra. Với cách chia này thì những cầu thủ loại A cũng có một đôi tỷ đồng, số tiền khá lớn đối với những cầu thủ trẻ. 

Hầu hết các cầu thủ cho biết, đều sẽ gửi tiền về cho gia đình, hoặc để bố mẹ quản lý. Có trường hợp như hậu vệ Xuân Mạnh, gia đình khó khăn, thì tiền thưởng được đem về giúp bố mẹ trả nợ xây nhà. 

Gia đình Xuân Mạnh ở xã Minh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), một trong những xã nghèo nhất huyện. Mãi tới khi được “đôn” lên đội 1 SLNA, Xuân Mạnh mới xây nhà cho bố mẹ, nhưng tiền phần lớn phải đi vay.

Hứa thưởng rồi… quên, và thưởng kiểu làm khó

Được biết, ngoài 62 đơn vị thưởng tiền mặt, danh sách thưởng cho đội tuyển U23 Việt Nam còn gồm 10 đơn vị tặng thưởng hiện vật, 17 đơn vị khác thưởng dịch vụ. Một số thực hiện rất nghiêm túc, quà tặng đến sớm và đúng địa chỉ, nhưng có không ít trường hợp khác hứa thưởng rồi… quên.

Theo chia sẻ của trợ lý tuyển U23 Việt Nam Lê Huy Khoa, thậm chí có đơn vị thưởng dịch vụ cho các cầu thủ theo cách rất tréo ngoe. Cụ thể như cầu thủ được tặng một voucher nghỉ dưỡng nhưng…chỉ được đi 1 mình, hoặc dịch vụ chỉ được dùng trong 1 ngày, lại không được chọn vào ngày lễ, dịp cuối tuần. 

“Tôi cũng không biết cầu thủ đi nghỉ ngơi 1 mình thì như thế nào, hoặc có người ngoài Bắc, nếu nhận quà tặng của đơn vị tài trợ thì bay vào Nam 1 ngày rồi phải quay ra ngay”-ông Lê Huy Khoa nói. 

Theo ông Lê Huy Khoa, một số đơn vị hứa thưởng từ…3 tháng trước nhưng tới nay không thấy đâu. Thời gian trên, mưa tuyết ở Thường Châu có lẽ đã tan từ lâu.

Giới thể thao thì không hề lạ với chuyện này, bởi lâu nay vẫn có nhiều đơn vị quen cách “ăn theo” hình ảnh của vận động viên (VĐV), hứa thưởng rất hoành tráng để “đánh bóng” hình ảnh nhưng sau đó chây ì không chuyển tiền. 

Không chỉ cầu thủ bóng đá là nạn nhân mà VĐV nhiều môn khác cũng gặp phải tình cảnh tương tự. “Có nhiều mạnh thường quân rất chân tình, nhưng cũng nhiều mạnh thường quân ăn theo…” - trợ lý Lê Huy Khoa chia sẻ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại