Cuối năm 2018, Triều Tiên sẽ có ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân bắn tới Mỹ?

Minh Thu |

Giới chức Mỹ cho hay, Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trang bị đầu đạn hạt nhân vào cuối năm 2018 với tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ. Tiến độ phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng nhanh hơn nhiều so với dự đoán.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đây là đánh giá mới nhất trong bản báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) thuộc Lầu Năm Góc. DIA đã theo dõi và đưa ra dự đoán về chương trình ICBM của Triều Tiên trong hai năm qua. 

Theo DIA, những vụ phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đã chứng minh bước tiến vượt bậc trong công nghệ sản xuất tên lửa của Bình Nhưỡng và vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia phân tích.

Giới tình báo Hàn Quốc cũng đã theo dõi sát sao chương trình phát triển ICBM của Triều Tiên, Theo họ, Triều Tiên đang gần làm chủ các công nghệ chủ chốt trong việc phóng tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân vươn tới các mục tiêu nằm cách xa hàng ngàn dặm.

Cuối năm 2018, Triều Tiên sẽ có ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân bắn tới Mỹ? - Ảnh 1.

Ngay từ đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định sẽ tiến hành một vụ phóng thử ICBM trong năm 2017

Những đánh giá mới nhất của DIA đã làm gia tăng thêm sức ép đối với giới lãnh đạo Mỹ và châu Á trong tiến trình kiềm chế Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng có thể đe dọa thế giới bằng các tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân. 

Trong chuyến thăm tới Ba Lan hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhấn mạnh sẽ đối phó với Triều Tiên một cách "mạnh mẽ" để ngăn quốc gia này đạt thêm tiến bộ trong chương trình phát triển tên lửa.  

Trong đoạn kết luận của bản báo cáo, DIA viết nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có thể tạo ra một "chương trình ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân hoạt động đáng tin cậy" vào năm 2018. Nghĩa là trong năm tới chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên sẽ tiến từ mẫu thử nghiệm sang dây chuyền sản xuất. 

Cũng theo nguồn tin thân cận với DIA, những vụ phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên cho thấy, quốc gia này đã bước qua giai đoạn thiết kế ban đầu và chỉ mất vài tháng để bắt đầu đưa vào sản xuất thực tế.

DIA và Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) đã từ chối đưa ra lời bình luận về những thông tin trên.Tuy nhiên, người phụ trách khu vực Đông Á tại ODNI, ông Scott Bray cho hay: 

"Dù cộng đồng tình báo không cảm thấy ngạc nhiên trước vụ phóng thử ICBM gần đây của Triều Tiên, nhưng đây là một trong những dấu mốc quan trọng để chúng ta xác định lại tiến độ và đưa ra những đánh giá chính xác về mối đe dọa từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Mỹ. 

Vụ thử nghiệm ICBM của Triều Tiên và những tác động từ vụ thử này cho thấy, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên đang đe dọa tới Mỹ, các nước đồng minh trong khu vực và cả thế giới. Cộng đồng tình báo vẫn đang theo dõi sát sao mối đe dọa ngày càng lớn này từ Triều Tiên".

Còn theo giới chuyên gia, Triều Tiên cần vượt qua được thách thức sau khi bay lên quỹ đạo, tên lửa phải trải qua giai đoạn "tái xâm nhập khí quyển". 

Nói cách khác, đầu đạn tên lửa phải được thiết kế đặc biệt để chịu đựng được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao trong quá trình cọ xát với không khí ở vận tốc rất lớn. Nếu vượt qua được giai đoạn này, đầu đạn tên lửa thường mang theo một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân mới có thể đánh trúng được mục tiêu đã định.

Giới phân tích Mỹ cho rằng, Triều Tiên có thể vượt qua thách thức công nghệ này trong một số cuộc thử nghiệm sắp tới. Đây chính là lý do giới chức Mỹ đưa ra dự báo Triều Tiên đang bước vào giai đoạn cuối chuẩn bị cho một vụ phóng thử ICBM mới vào ngày 27/7, ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh liên Triều (1950 - 1953).

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Triều Tiên vẫn chưa có bất cứ động thái nào chứng minh khả năng đã làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và tích hợp trên một trong những tên lửa mà Bình Nhưỡng đang sở hữu. 

Trong khi đó, nhiều báo cáo cũng nhấn mạnh, Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 dưới lòng đất trong vài tháng qua. Trong vụ thử hạt nhân gần nhất hồi tháng 9/2016, sức nổ từ vụ thử nghiệm rơi vào khoảng 20 – 30 kiloton, lớn hơn gấp đôi so với các vụ thử trước của Triều Tiên.

Cuối năm 2018, Triều Tiên sẽ có ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân bắn tới Mỹ? - Ảnh 2.

Các vụ phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đã chứng minh bước tiến công nghệ vượt xa dự đoán của giới chuyên gia quốc tế

Hồi đầu tháng này, Triều Tiên đã gây chấn động thế giới khi tuyên bố phóng thử thành công lần đầu tiên ICBM hôm 4/7 với tầm bắn vươn tới Alaska. 

Vụ phóng thử tên lửa hai tầng Hwasong-14 đã chứng minh khả năng phát triển công nghệ nhanh chóng của Triều Tiên khi vượt qua hàng loạt rào cản từ làm chủ công nghệ nhiên liệu rắn cho tới phóng thử tên lửa từ tàu ngầm lần đầu tiên.

"Đây quả là tình trạng đáng báo động. Năm ngoái, Triều Tiên đã đạt được những năng lực mà họ chưa làm được bao gồm cả những công nghệ mà chúng ta nghĩ Bình Nhưỡng còn mất nhiều năm mới vươn tới", SCMP dẫn lời ông Joseph De Trani, cựu quản lý khu vực Triều Tiên tại ODNI và từng là đại sứ đặc biệt trong các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng chia sẻ.

Ngay cả giới chức tình báo Hàn Quốc cũng không khỏi bất ngờ trước vụ phóng thử ICBM của Triều Tiên hôm 4/7.

"Tốc độ phát triển ICBM của Triều Tiên nhanh hơn nhiều so với Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự đoán", nghị sĩ Lee Cheol-hee phát biểu trong buổi họp báo của hội đồng tình báo Hàn Quốc sau vụ thử ICBM của Triều Tiên.

"Giờ đây, Triều Tiên đang tiến tới giai đoạn cuối cùng trở thành một quốc gia hạt nhân và sở hữu ICBM", ông Cha Du-hyeong, người từng đảm nhận vai trò cố vấn cho cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nói.

Hồi đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã nhấn mạnh quốc gia này sẽ thực hiện thành công một vụ phóng thử ICBM vào năm 2017. Bởi ICBM được xem là năng lực phòng thủ quan trọng nhất đảm bảo sự sống còn của chính quyền Bình Nhưỡng. Vào thời điểm đó, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn khẳng định, Triều Tiên chưa thể sở hữu ICBM cho tới năm 2020.

"Tiến độ phát triển tên lửa của Triều Tiên diễn ra nhanh hơn chúng tôi dự đoán. Chúng tôi còn không nghĩ tới vụ thử nghiệm ICBM trong tháng Bảy", một quan chức Mỹ thân cận với bản báo cáo của DIA chia sẻ.

Giới chức cựu tình báo Mỹ cho hay, vụ phóng thử thành công ICBM có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân sẽ làm tăng đáng kể vị trí của Triều Tiên trong cuộc khủng hoảng hiện nay đồng thời gia tăng sức ép mới với các quốc gia láng giềng của Bình Nhưỡng và làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột.

"Mối đe dọa từ ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tiến tới một mức độ cao mới. 

Chúng ta phải ngăn chặn Triều Tiên sử dụng bất cứ loại vũ khí hạt nhân nào cũng như cần làm rõ với Bình Nhưỡng rằng bất cứ động thái sử dụng vũ khí hạt nhân cũng sẽ là tự sát", ông Jon Wolfsthal, cựu Giám đốc cấp cao chương trình kiểm soát và giải trừ vũ khí trong Hội đồng An ninh quốc gia của cựu Tổng thống Barack Obama nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại