Một nhà truyền cảm hứng tên Graemme Claigh đã từng nói: "Nhiều người muốn tin rằng may mắn đóng vai trò chủ yếu trong thành công của mỗi người mà không thực sự biết nó là gì. May mắn thực sự có nghĩa là "Học hỏi kiến thức đúng đắn"".
Mỗi người trong chúng ta phải học đúng nơi, vào đúng thời điểm và sở hữu đúng kiến thức cộng vớ sự may mắn mới mong sẽ thành công. "Tốt số" chẳng có nghĩa lý gì ngoài một lời biện hộ của những kẻ bất tài.
"Cách đây 2 năm có 2 thanh niêm mới tốt nghiệp từ Kuala Lumpur đến Kelantan (một bang nằm ở bờ biển Đông) để tìm việc.
Sau 2 tuần tìm kiếm và phải ở nhờ phòng của một người bạn, cuối cùng họ đã được nhận vào làm phụ việc trong một siêu thị với mức lương 700 ringgit (RM)/tháng. Họ đã làm đủ mọi việc tại siêu thị từ bóc mở kiện hàng và bày lên giá bán đến cân, đóng gói cá và rau quả.
Họ là Mat Ali và Samad. Mat Ali khao khát hòa nhập với cuộc sống thành thị và trở thành một chàng trai thành thị điển hình. Cậu dùng tiền lương để mua những đồ hàng hiệu cho xứng với "thanh niên thành phố" của mình.
Tháng lương đầu tiên cậu dùng để mua một đôi giày Reebok. Tháng lương thứ 2, cậu mua 1 chiếc quần bò Levi's và tháng lương thứ 3, cậu mua 1 chiếc điện thoại Nokia đời mới nhất. Tóm lại, lúc nào cũng có thứ gì đó trong danh sách cần mua của cậu.
Cậu đã lãng quên luôn lời hứa gửi tiền về nhà cho mẹ. Tiền công cậu kiếm được chỉ vừa đủ để trả tiền thuê nhà, tiền thức ăn và tất nhiên vô số thứ khác trong danh sách muốn mua.
Ngược lại, Samad là 1 người hoàn toàn khác, cậu rất cẩn trọng với số tiền mà mình kiếm được. Cậu không tiêu tiền vào những thứ không cần thiết và tháng nào cũng đều đặn gửi 100 RM về cho mẹ. Sau khi trừ hết các khoản chi tiêu cá nhân tối thiểu, cậu gửi số tiền còn lại vào tài khoản ngân hàng.
Trong thời gian làm việc ở siêu thị, cậu đã để mắt tới một tiệm bánh mỳ gần nơi ở. Cậu bị hấp dẫn bở hương thơm, hình dạng cũng như vị tươi ngon của những chiếc bánh mỳ, bánh kem, bánh ngọt được bày bán tại đây. Tiệm bánh này rất nổi tiếng với phần đông khách hàng đến mua là người Malaysia.
Niềm đam mê trong cậu trỗi dậy kể từ đó và khát khao muốn biết thêm về loại hình kinh doanh này ngày một tăng. Cậu muốn mua sách dạy làm bánh mỳ để tìm hiểu thêm nhưng rồi lại thấy nó sáo rỗng do không được thực hành. "Đúng là làm bánh không dễ", cậu buồn rầu nhận định.
Dù vẫn loay hoay tìm cách để thực hiện hóa khao khát của mình nhưng mong muốn học hỏi trong cậu vẫn không hề giảm. Thậm chí, cậu còn cương quyết hơn và tự nhủ, một ngày nào đó mình sẽ làm ông chủ của một nhà máy sản xuất bánh mỳ.
Khi nghe kể về ước muốn của bạn, Mat Ali cười khẩy và nhận xét một cách tiêu cực, "Này! Samad, cậu nghĩ máy làm bánh mỳ rẻ chắc? Hàng nghìn USD đấy? Với mức tiền lương như bây giờ, bọn mình còn không có đủ tiền để mua bánh mỳ đấy".
Một buổi sáng nọ, trong lúc đang đọc báo, Samad để ý thấy 1 quảng cáo về các khóa học dạy chế biến thực phẩm tại trung tâm CLTC diễn ra vào chủ nhật gần nơi đang ở.
Cậu đăng ký tham gia và rủ Mat Ali cùng đi nhưng Mat Ali trả lời rằng khoản phí 195 RM cho 1 buổi hướng dẫn là quá đắt. "Này, với số tiền đó, tớ có thể mua cho mình thêm một đôi Reebok nữa đấy. Cậu cứ đi đi và biết đâu sau này lại có thể mở được một nhà máy sản xuất bánh mỳ", cậu ta đáp.
Hiếm khi những thanh niên ở độ tuổi của họ tự mình muốn tham dự những khóa học hướng dẫn. Nếu có thì thường là do bị cha mẹ cưỡng ép hoặc cần kíp lắm mới tham gia. Ngược lại, Samad lại cảm thấy khóa học rất hữu ích. Cả bài nói chuyện của thầy hướng dẫn khóa trước khi bắt đầu cũng tiếp thêm cho cậu nguồn động lực lớn lao.
Cậu được hướng dẫn, giới thiệu và nhanh chóng trở nên quen thuộc với các loại nguyên liệu mà chỉ cách đây không lâu cậu vẫn còn rất lạ lẫm. Samad cũng thích thú khi gặp và làm quen với những người bạn mới, những người có chung sở thích với cậu. Hầu hết họ đều lớn tuổi hơn cậu nhưng ai cũng thân thiện và đối xử tốt với cậu.
Cậu cảm thấy vui nhất khi được học cách làm bánh mỳ và bánh ngọt mà không cần dùng đến máy móc. Tất cả những gì cần là một chiếc lò nướng bánh, các dụng cụ cơ bản để hỗ trợ cho "đôi tay" của cậu.
Thực tế khác xa so với suy nghĩ ban đầu của cậu, khi lo lắng về việc phải đầu tư vào những trang thiết bị đắt tiền trước khi có thể thực hiện được ước mơ của mình.
Cậu dùng tiền tiết kiệm mua về một chiếc lò nướng và tự thực hành thêm ở nhà. Cậu thử làm mọi loại bánh rồi mời bạn bè ăn. Mọi người đều dành lời khen cho tay nghề của cậu. "Nó có vị y hệt như những loại bán trong siêu thị", một người bạn nhận xét.
Những phản hồi tích cực đã thôi thúc cậu và cậu dự định sẽ bán sản phẩm của mình cho một vài cửa hàng và căng-tin trong trường. Cậu cũng tham gia lớp học về bảo quản và đóng gói sản phẩm. Nhờ đó, cậu có thể bán sản phẩm của mình cho 3 trạm xăng cùng 1 số căng-tin trong trường. Bánh của cậu cũng rất nhanh hết hàng.
Doanh số bán hàng tăng giúp cậu sắm thêm được 2 chiếc lò nướng. Vài tháng sau đó, cậu mua về 1 chiếc máy trộn đa năng để tiết kiệm thời gian trộn bằng tay. Với những thiết bị mới này, cậu có thể nướng thêm được nhiều bánh hơn. Cậu cung cấp bánh cho thêm 2 tiệm tạp hóa và cuối cùng số lượng khách hàng của cậu đã lên đến 7 cửa hàng.
Cậu bỏ việc tại siêu thị và mua 1 chiếc xe tải cũ. Cậu quyết định dành hết tâm huyết cho việc kinh doanh, cậu chuyển đến 1 nơi ở rộng hơn và thuê thêm 3 người cùng làng để phụ giúp.
Nửa năm sau, Mat Ali đến thăm Samad và vô cùng ngạc nhiên khi thấy các thành quả mà bạn mình đạt được. Cậu kinh ngạc khi thấy Samad đã "đổi đời". Cậu thấy xấu hổ vì đã bị bạn bỏ quá xa.
Samad sống trong 1 căn hộ có 3 phòng ngủ tiện nghi với 1 chiếc điện thoại, một chiếc máy tính cùng đồ nội thất quan trọng. Cậu còn có xe ô tô riêng với thu nhập mỗi ngày từ 700 - 800 RM tương đương với một số tiền lương cả tháng của Mat Ali.
Trong khi đó, với lối sống hời hợt và thiếu chí tiến thủ, Mat Ali vẫn làm việc ở chỗ cũ với đồng lương còm cõi. Câu ta thậm chí còn không mua nổi cho mình một chiếc xe máy trong khi người bạn của mình sắm được nhà lầu, xe hơi".
Nội dung được trích trong cuốn: "Những triệu phú thầm lặng" do Vũ Ngọc Ánh dịch, Alphabooks phát hành toàn quốc.
Từ xưa tới nay, định nghĩa "triệu phú" trong mắt mọi người là những người sở hữu những ngôi biệt thự, nhà cao cửa rộng, những người có chức vị và có chỗ đứng trong xã hội, được mọi người biết tới và kính nể.
Tuy nhiên, Rusly Abdulla, sau một thời gian dài nghiên cứu về những "triệu phú thầm lặng" đã cho chúng ta biết tới một khái niệm khác với từ "triệu phú" qua cuốn sách Những triệu phú thầm lặng.