Cuộc tranh giành sức ảnh hưởng và nguồn tài nguyên bên ngoài Trái Đất

Nguyễn Mai (Tham khảo: Reuters, AFP, NASA) |

Hành trình trở lại Mặt Trăng của Mỹ qua các chuyến bay Artemis dù bị hoãn 2 lần nhưng vẫn là minh chứng cho cuộc đọ sức mới trong lĩnh vực không gian giữa các cường quốc.

Năm 1969, phi hành gia Neil Amstrong là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng trong chuyến bay Apollo 11, với câu nói nổi tiếng: "Đây là bước đi nhỏ bé của một con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại". Sau 6 lần lên Mặt Trăng từ năm 1969 - 1972, con người chưa từng quay trở lại hành tinh này từ hơn 50 năm qua.

Cuộc tranh giành sức ảnh hưởng và nguồn tài nguyên bên ngoài Trái Đất - Ảnh 1.

Armstrong là Chỉ huy trưởng tàu Apollo 11 và là người đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên Mặt trăng

Chương trình Artemis , được khởi động từ năm 2019, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, với mục đích "đưa con người đến những vùng chưa được khai phá trên Mặt Trăng". Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đặt mục tiêu thiết lập sự hiện diện thường trực của con người - robot trên Mặt Trăng, từ đó có thêm hiểu biết để đưa con người tới sao Hoả.

Theo kế hoạch, chuyến bay đầu tiên - Artemis I, đưa tàu Orion bay trong quỹ đạo quanh Mặt Trăng trong vòng 6 tuần, mà không có phi hành gia nào trên tàu. Đến năm 2024, chuyến bay Artemis II sẽ đưa các phi hành gia vào quỹ đạo của Mặt Trăng, nhưng không lên bề mặt của Mặt Trăng. Nếu mọi việc diễn ra theo lộ trình này, vào năm 2025 - 2026, các phi hành gia sẽ đáp xuống Mặt Trăng trong chuyến bay Artemis III. Chi phí của chương trình này có thể lên đến 100 tỷ USD.

Tuy nhiên, những người quan tâm đến không gian không khỏi thất vọng khi Artemis I, dự trù phóng lên không gian vào 29/8 vừa qua, đã 2 lần bị hoãn lại vì lý do kỹ thuật và chưa rõ chính xác khi nào tàu có thể xuất phát.

Tại sao phải quay lại Mặt Trăng?

Trong những dòng đầu tiên về chương trình Artemis, trang mạng của NASA đã mô tả tham vọng thực hiện một bước nhảy vọt tiếp theo: đưa các phi hành gia đầu tiên lên Sao Hoả, nhờ vào những hiểu biết có được từ Mặt Trăng. Mục đích của Artemis không chỉ đơn giản là đưa con người "đổ bộ" vào Mặt Trăng theo đúng nghĩa đen, như Apollo, mà còn xa hơn nữa.

Trong cuộc họp báo ngày 8/8, hãng tin AP trích dẫn nhận định của Giám đốc NASA, ông Bill Nelson: "Đây là chuyến đi đến tương lai, NASA sẽ cử phi hành gia nữ và da màu đầu tiên lên Mặt Trăng, cùng với những chuyến đi ngày càng phức tạp, các phi hành gia sẽ sống và làm việc trong không gian và phát triển khoa học công nghệ, để có thể đưa con người đầu tiên đến sao Hoả. Chúng tôi quay trở lại Mặt Trăng để học cách sống, làm việc và tồn tại cũng như tìm hiểu cách cho phép con người có thể sống được trên Mặt Trăng trong những điều kiện khắc nghiệt như thế".

Ban đầu, các chuyến bay của chương trình Apollo được khởi xướng vì cuộc tranh đấu giữa Liên Xô và Mỹ dưới thời Chiến tranh Lạnh, nhưng trên thực tế, chương trình này đã đem lại rất nhiều kiến thức có giá trị lớn cho nghiên cứu không gian. Các phi hành gia đã mang về Trái Đất khoảng hơn 400kg đá các loại.

Trung bình, khoảng 535 mẫu đá được đem đi phân tích mỗi năm và đem so sánh với các mẫu đá ở Trái Đất. Riêng năm 2015, hơn 2.500 bài đăng nghiên cứu khoa học sử dụng dữ liệu của Apollo. Theo NASA, nghiên cứu quan trọng nhất đó là việc xác nhận giả thuyết Mặt Trăng hình thành từ các mảnh vỡ bị thổi bay khỏi Trái Đất khi va chạm với một vật thể có kích thước bằng sao Hoả cách đây 4,5 tỷ năm.

Nguồn tài nguyên tiềm tàng trên Mặt Trăng

Cuộc tranh giành sức ảnh hưởng và nguồn tài nguyên bên ngoài Trái Đất - Ảnh 3.

Nguồn tài nguyên của mặt trăng có thể giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của thế giới, đáp ứng nhu cầu về điện thoại thông minh và ô tô điện trong tương lai, đưa chúng ta đến Sao Hỏa và hơn thế nữa. Đó là lý do khiến các cường quốc tranh nhau "chiếc bánh Mặt Trăng".

Năm 2009, các nhà khoa học chỉ ra rằng các mẫu mang về từ Apollo 15 có chứa các phân tử nước, và đưa ra giả thiết rằng nước đã tồn tại trên Mặt Trăng kể từ khi hình thành. Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2018 đưa ra các bằng chứng cho thấy có băng ở cực Bắc và cực Nam Mặt Trăng.

Có băng tức là có nước và có thể bị phân huỷ thành khí hydro và oxy. Oxy cung cấp không khí, và hydro có thể được dùng làm nhiên liệu để phóng tên lửa. Do vậy, nếu tất cả được chứng minh, Mặt Trăng có thể trở thành một điểm dừng, trạm tiếp nhiên liệu cho các tàu vũ trụ trên quãng đường đi khám phá hệ Mặt Trời.

Nhưng nguồn tài nguyên còn dồi dào hơn thế. Các nhóm nghiên cứu tin rằng họ có thể khai thác khoáng sản trên Mặt Trăng để lấy Bazan, sắt, thạch anh và Silicon - tất cả đều có thể được sử dụng để tạo nên cửa sổ, đồ đá và những tấm pin mặt trời trên Trái đất, trong khi các kim loại quý bao gồm bạch kim, palladium và rhodi sẽ được sử dụng cho thiết bị điện tử.

Scandium, Yttrium và các kim loại khác, có thể được sử dụng trong động cơ xe, để chế tạo thủy tinh hoặc gốm sứ, thiết bị điện tử và hệ thống radar, cũng tồn tại trong bề mặt mặt trăng.

Các nhà khoa học thậm chí đã phát hiện ra quặng titan giàu gấp 10 lần quặng được tìm thấy trên Trái đất.

Hiếm hơn nữa là Heli-3, một loại khí có thể được sử dụng làm nhiên liệu sạch và mạnh cho các lò phản ứng hạt nhân.

Những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Cuộc tranh giành sức ảnh hưởng và nguồn tài nguyên bên ngoài Trái Đất - Ảnh 4.

Ảnh chụp của NASA cho thấy có băng trên Mặt Trăng

Trong chương trình Artemis lần này, NASA đã công bố 13 địa điểm có thể hạ cánh trên Mặt Trăng nằm ở cực Nam. Khu vực này đã được xác nhận có băng nước nằm sâu bên trong miệng núi lửa, không nhìn thấy ánh sáng Mặt Trời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi mà các nhà khoa học chưa có câu trả lời. Mặc dù xác nhận việc có những khu vực có băng nhưng vẫn chưa rõ số lượng là bao nhiêu và có thể dễ dàng chiết xuất băng ngầm, ẩn dấu dưới lớp đất đá hay không?

Nói về chương trình Artemis, ông Paul Hayne, nhà khoa học tại phòng thí nghiệm khí quyển và không gian của Đại học Colorado Boulder, cho biết: "Chúng tôi muốn biết nước đến từ đâu và làm sao nước có thể xuất hiện trên Mặt Trăng.

Làm sao nước có thể di chuyển quanh Mặt Trăng và những chất liệu khác có mặt ở đó là gì, ví dụ như phân tử hữu cơ và những thành phần có trong sao chổi, và các vật thể khác có trong hệ Mặt Trời, tại sao lại xuất hiện ở Mặt Trăng. Những nghiên cứu từ bề mặt, tại các khu vực đặc biệt này của Mặt Trăng sẽ mang lại những hiểu biết mới về lịch sử của hệ Mặt Trời và cũng có thể tiết lộ các mỏ nước mà các phi hành gia có thể sử dụng được cho các chuyến thám hiểm khác trong tương lai".

Các nhà khoa học đã xác nhận các hoạt động núi lửa đã diễn ra trên bề mặt của Mặt Trăng, nhưng vẫn không chắc chắn về thời gian xảy ra các vụ phun trào này và khi nào các núi lửa trên Mặt Trăng ngừng hoạt động.

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học

Ngoài mục tiêu "chinh phục" Mặt Trăng để đến gần hơn với sao Hoả, NASA hy vọng chuyến đi này có thể thúc đẩy sự ra đời của các công nghệ mới, truyền cảm hứng cho sinh viên và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này. Theo trang National Public Radio (NPR) của Mỹ, nhiều công nghệ được tạo ra để đi vào vũ trụ và lên Mặt Trăng đã mang lại những lợi ích đáng kể cho con người trên Trái Đất. Chẳng hạn như các loại máy tính hay máy bơm insulin và công nghệ chế biến thực phẩm đông khô. Ngành công nghiệp này có thể trị giá hàng tỷ USD.

Mặt Trăng - đấu trường mới của các cường quốc

Cuộc tranh giành sức ảnh hưởng và nguồn tài nguyên bên ngoài Trái Đất - Ảnh 5.

Ít nhất sáu quốc gia và một loạt các công ty tư nhân cho đến nay đã công bố công khai hơn 250 sứ mệnh lên mặt trăng sẽ diễn ra trong vòng một thập kỷ tới.

Không chỉ riêng NASA của Mỹ muốn quay lại trở lại Mặt Trăng, Nga và Trung Quốc cũng đang hợp tác để xây dựng chương trình Mặt Trăng riêng, dự trù đưa con người đến đây vào năm 2026 và xây dựng căn cứ ở Mặt Trăng năm 2035. Ấn Độ và Israel cũng gửi tàu đến vùng đất chưa khai phá này năm 2019, dù cho tàu con thoi của cả hai đều bị rơi. Tàu con thoi đầu tiên của Hàn Quốc được phóng lên không gian từ đầu tháng 8 cũng đang trên đường đến quỹ đạo của Mặt Trăng.

Dường như thế giới đang chứng kiến một cuộc đua mới vào không gian? Khác với cuộc đọ sức dưới thời Chiến tranh Lạnh, trong cuộc đua mới này, việc ai "đặt chân" lên trước không còn quan trọng nữa. Các cường quốc đang tranh giành "sức ảnh hưởng" và quyền tiếp cận nguồn tài nguyên "chưa được khai phá" bên ngoài Trái Đất. Trong bài phân tích đăng trên trang Asiatimes, Phó giám đốc Viện nghiên cứu không gian Inspace của Australia, bà Cassandra Steer khẳng định: "Với đà này, trong 5 - 10 năm nữa, chúng ta có thể phải chứng kiến các cuộc xung đột chính trị liên quan đến cuộc đua mới này. Câu hỏi đặt ra là luật nào quy định, quản lý các hoạt động trên Mặt Trăng".

Hiệp ước Không gian năm 1997 nghiêm cấm chiếm đoạt không gian qua việc tuyên bố chủ quyền , chiếm đóng hoặc bằng bất cứ hình thức nào khác. Cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu việc khai thác các tài nguyên khác có bị cấm theo quy định này hay không.

Chưa ai sở hữu Mặt Trăng

Tại Liên Hợp Quốc, một nhóm làm việc được thành lập có nhiệm vụ tìm ra đồng thuận đa phương về các vấn đề pháp lý, liên quan đến tài nguyên không gian. Tuy nhiên, năm 2020, Mỹ đã đưa ra Hiệp định Artemis, tuyên bố việc khai thác tài nguyên không gian có thể xảy ra và là hợp pháp. Có 21 quốc gia đã ký hiệp định này, nhưng khó có thể được chấp nhận rộng rãi.

Theo thần thoại Hy Lạp, Artemis là tên của chị gái song sinh của Apollo. Artemis tuyên bố không bao giờ muốn kết hôn vì cô không muốn trở thành tài sản của bất cứ người đàn ông nào. Bà Steer kết luận rằng ngay cả khi không ai tuyên bố chủ quyền trên Mặt Trăng thì cuộc cạnh tranh trên không gian vẫn diễn ra. Các nhà kỹ sư và khoa học sớm hay muộn cũng tìm ra cách giải quyết các thách thức về kỹ thuật để quay trở lại Mặt Trăng, "nhưng thách thức về tính hợp pháp và về mặt chính trị có lẽ sẽ khó xử lý hơn nhiều".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại