Trong lịch sử Ấn Độ, có một giai đoạn khoảng 400 năm, đất nước này nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mogul. Vì mục đích hành chính, các vị vua Mogul đã tách Ấn Độ thành nhiều vùng khác nhau và chỉ định một người quản lý, những người như thế được gọi là Nawab.
Trong đó, nổi bật lên là một số Nawab như Nawab của Oudh, Nawab của Arcot, Nawab của Hyderabad.
Nawab của Hyderabad là nhà Nizam (tồn tại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20) - gia đình giàu có nhất trong tất cả các Nawab và thậm chí đôi khi còn giàu hơn cả triều đình Mogul thời bấy giờ.
Bất cứ khi nào triều đình Mogul gặp khó khăn về tài chính, họ đều kêu gọi nhà Nizam của Hyderabad giúp đỡ. Nhà Nizam cũng trung thành với đế chế Mogul đến nỗi mặc dù triều đại Mogul suy tàn vào thế kỷ 18 nhưng Nizam chưa bao giờ có ý định lật đổ.
Chân dung Nizam Đệ Thất (6/4/1886 - 24/2/1967).
Khối tài sản kếch xù của nhà Nizam đến từ mỏ kim cương Golconda, mỏ kim cương duy nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Nizam thứ 7 và cũng là vị vua cuối cùng của Hyderabad là Mir Osman Ali Karan. Người đàn ông này từng nổi tiếng là một vị vua giàu có nhưng lại có lối sống tiết kiệm kỳ lạ.
"Giàu nứt đố đổ vách" là có thật!
Mir Osman Ali Karan lên ngôi vào ngày 11 tháng 8 năm 1911, ở tuổi 25, và cai trị Vương quốc Hyderabad từ năm 1911 đến năm 1948, cho đến khi nó được sáp nhập và trở thành thành phố Hyderabad, thuộc bang Telangana ngày nay.
Vị vua Nizam thứ 7 này được đánh giá là một trong những người giàu nhất mọi thời đại. Năm 1937, ông được lên trang bìa tạp chí Time với tư cách là người giàu nhất vào thời điểm đó.
Trên thực tế, Nizam Đệ Thất giàu có đến mức khi phát hiện những con chuột đã gặm nhấm 3 triệu bảng Anh (hơn 91 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) trong chiếc hòm đặt ở một căn hầm của cung điện, ông cũng mặc kệ như không hề có chuyện gì xảy ra.
Người ta đồn rằng vị vua này có nhiều đồ trang sức đến nỗi chỉ riêng những viên ngọc trai cũng có thể lát kín được Giao lộ Piccadilly ở thành phố Westminster (Anh), ông còn cất giữ nhiều gói giấy màu nâu chứa đầy ngọc lục bảo trong phòng ngủ của mình.
Bộ sưu tập đá quý của Nizam Đệ Thất bao gồm cả viên kim cương Jacob huyền thoại, viên đá quý 185 carat có kích thước bằng quả trứng đà điểu trị giá 50 triệu bảng Anh (hơn 1.500 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại), mà ông tìm thấy trong một chiếc tất cũ của cha mình và thích dùng để chặn giấy trên bàn làm việc.
Nizam Đệ Thất (chính giữa) và vợ con cùng các cận thần.
Có một thời điểm, người ta thấy dưới những tấm bạt trong khu vườn cung điện của vị vua này là những chiếc xe tải gỉ sét, lốp xe của chúng bị hỏng và chìm xuống đất. Mỗi chiếc xe tải chất đầy đá quý và vàng thỏi. Hóa ra những chiếc xe ấy được chuẩn bị sẵn phòng khi có "biến" nhà vua chỉ việc tẩu thoát.
Có một giai đoạn, tổng lượng vàng mà ông có rơi vào khoảng 100 triệu bảng Anh, còn lượng ngọc là 400 triệu bảng Anh. Quy đổi sang tiền Anh ngày nay, chúng rơi vào tầm 50 tỷ bảng. Còn nếu tính cả bất động sản, tổng tài sản của Nizam Đệ Thất - quốc vương Hyderabad rơi vào khoảng 187 tỷ bảng Anh (khoảng 233 tỉ USD) theo giá trị ngày nay.
Hàng vạn hầu cận túc trực bảo vệ 24/7
Để bảo vệ cá nhân, ông có một đội quân riêng gồm 3.000 vệ sĩ. Ông cũng thuê 38 người với công việc duy nhất là quét bụi cho đèn chùm trong cung điện, và 28 người nữa chỉ để "bưng bê, rót nước uống". Nhiều người khác đã được tuyển dụng chỉ để xay những quả óc chó - thứ đồ ăn yêu thích của nhà vua.
Không lâu sau khi trở thành người thống trị 17 triệu dân ở một khu vực có diện tích bằng nước Ý, Nizam Đệ Thất đã đi thị sát khắp vương quốc của mình trên chiếc Rolls-Royce, uống rượu whisky từ nhà máy chưng cất của riêng mình và chỉ đạo ban nhạc jazz của riêng mình chơi bài hát yêu thích.
Ngoài ra, ông còn có 150 chiếc ô tô khác với những ghế ngồi bọc lụa vàng 100% tỏa sáng óng ánh.
Chiếc vòng cổ mà vua Nizam Đệ Thất đã tặng cho Nữ hoàng Elizabeth II như một món quà khi bà kết hôn vào tháng 11 năm 1947. Công nương Kate Middleton đã mượn chiếc vòng cổ kim cương tuyệt đẹp này để tham dự buổi dạ tiệc Portrait Gala năm 2014 tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia ở London.
Tổng cộng số quân lính và người hầu trong cung điện của Nizam Đệ Thất là khoảng 12.000 người. Tất cả họ đều được phân công nhiệm vụ phục vụ nhà vua 24/7.
Nizam Đệ Thất có 4 hoàng hậu, 42 phi tần. Họ sinh cho ông tất thảy 34 người con. Nhà vua nổi tiếng yêu chiều vợ, "cật lực thâu đêm" nên ban ngày luôn trong trạng thái lờ đờ và mệt mỏi.
Cách sống tiết kiệm khó hiểu
Mỗi năm, Nizam Đệ Thất cho tổ chức 4 đại tiệc chiêu đãi, mời toàn bộ vương tôn quý tộc Hyderabad tham gia. Khách dự tiệc bắt buộc phải bày tỏ tấm lòng bằng tài vật. Nhà vua đích thân đi xung quanh bàn tiệc và nhận thành ý của mọi người.
Thỉnh thoảng, Nizam Đệ Thất lại ra lệnh mang hết vàng ngọc ra ngoài lau rửa và đánh bóng nhưng phải mất tận 3 ngày người hầu mới làm xong.
Khi bước sang tuổi 40, vị vua này bắt đầu thực hành lối sống tiết kiệm kỳ lạ.
Khi ông thuê chuyên gia giám định vàng bạc, đá quý từ Hà Lan, người này đã đòi phải được trả công hẳn 25.000 bảng vì số lượng vàng ngọc nhiều đến nỗi phải mất cả năm mới kiểm tra được hết lượt.
Với số tài sản kếch xù ấy, Nizam Đệ Thất hẳn nhiên có thể sống xa hoa tột bậc đến cuối đời. Thế nhưng từ khi bước sang tuổi 40, vị vua này bắt đầu thực hành lối sống tiết kiệm kỳ lạ.
Ông mặc cùng một bộ quần áo rách nát trong suốt 40 năm, tự tay đan đôi tất của mình và ưa chuộng những bộ quần áo chằng chịt những miếng vá và mặc không cần thay trong nhiều tháng, bất chấp việc ông sở hữu một tủ quần áo dài hàng km chứa đầy lụa là, gấm vóc.
Việc ăn uống của ông cũng trở nên đơn giản đến lạ. Ông dùng một chiếc đĩa thiếc để ăn. Về già, ông ngủ ở một mái hiên đơn sơ cùng với một con dê bị buộc dây ở đó.
Mỗi tuần, Nizam Đệ Thất chỉ cho phép bản thân được tiêu hết đúng 1 bảng Anh. Có lần, Nizam Đệ Thất sai người hầu đi chợ mua chăn mới, dặn trước không được phép trả quá 25 rupee. Vì thương buôn đòi 35 rupee/cái chăn, người hầu đành tay không trở về và ông tiếp tục đắp cái chăn cũ của mình.
Không giống như người cha già sống tiết kiệm, 34 người con của Nizam Đệ Thất chỉ biết ăn chơi trác táng, tiêu tiền không biết tiếc. Họ thường xuyên nịnh nọt, dâng của ngon vật lạ lên cha để xin tiền. Họ ăn chơi sa đọa đến nỗi Nizam Đệ Thất phải mở một tài khoản ngân hàng gửi hẳn 1 triệu bảng Anh để cho các con tiêu xài và trả nợ cho những cuộc chơi "tới bến".
Ngày 24/2/1967, Nizam Đệ Thất băng hà, Hyderabad tổ chức quốc tang, đó cũng là lúc các con của ông bắt đầu cuộc chiến tranh giành tài sản...