Hai ngày nay, ngôi nhà nhỏ rộng hơn 20m2 của cụ bà Nguyễn Thị Hồ (88 tuổi, ở thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) luôn tấp nập người ra vào.
Người mang thùng mì tôm, người mang màn, sữa,… các đồ dùng thiết yếu khiến một góc nhà của bà cụ chật kín đồ dùng sinh hoạt.
Nhiều người đến nhà chia sẻ với hoàn cảnh gia đình bà Hồ.
Bài viết bữa cơm nghẹn đắng của người mẹ 88 tuổi mù lòa và con gái điên dại: 'Tôi sắp chết rồi, chỉ mong con Hồng được trung tâm bảo trợ nhận nuôi’ đã khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Ở cái tuổi gần cuối đời, đôi mắt bà Hồ không còn nhìn thấy ánh mặt trời. Thế nhưng bao năm qua bà phải còm cõi lo từng bữa ăn chờ con gái điên dại đi nhặt đủ loại phế phẩm trên đời trở về nhà.
Chị Hồng - con gái bà bị thần kinh, năm nay đã 48 tuổi. Bà kể lại: Hồi nhỏ Hồng là một cô bé lém lỉnh, xinh đẹp và học giỏi. Năm lên 8 tuổi, sau một cơn sốt cao, co giật, Hồng được đưa đi viện và bác sĩ chẩn đoán bị viêm màng não, ảnh hưởng đến thần kinh.
Từ đó đến giờ cứ sáng sớm Hồng đi chân đất với bộ quần áo cũ kỹ rời khỏi nhà đến tối mịt mới về. Bà Hồ mù lòa nên không biết con đi đâu với lại bà cũng không thể cản được bước chân của Hồng.
Mấy ngày qua rất nhiều tấm lòng hảo tâm đến mua bánh, sữa,… cho bà Hồ.
Bà Hồ vui mừng khi cuộc sống đổi thay.
Nhiều người hàng xóm sang thu dọn nhà giúp.
Nhiều người đến động viên hỏi thăm khiến bà cụ vô cùng phấn khởi, khuôn mặt đầy rẫy những nếp nhăn của người mẹ khắc khổ nay tươi tắn hơn. Bà nắm tay từng người, từng người rồi gửi lời cảm ơn.
“Tôi không biết nói gì, tôi cám ơn mọi người đã đến động viên, chia sẻ với mẹ con tôi. Mấy ngày nay nhiều người đến chia sẻ khiến tôi rất vui. Lâu lắm rồi nhà tôi mới có nhiều người đến hỏi thăm như vậy. Giờ tôi không phải lo từng bữa ăn cho con gái nữa”, bà cụ Hồ nói.
Những chiếc chén bát, mâm, đũa… đã được một số người đến hỏi thăm rửa sạch sẽ, để ngăn nắp. Chúng không còn cáu bẩn, bám mùi ẩm mốc nữa. Một số người trong họ cũng đến lau dọn nhà cửa giúp bà cụ.
Nhiều đoàn ủng hộ vật chất giúp bà cụ.
“Cũng may các anh chị đến chơi dọn giúp, cả rác cái Hồng nhặt về mọi người cũng thu gọn sạch. Tôi hơn 3 năm nay mù loà không nhìn thấy nữa nên không làm gì được”, bà Hồ nói. Theo lời bà cụ, dù mù lòa nhưng nhiều người trong thôn luôn đùm bọc, kể cả bà đi chợ mua rau, thịt trả tiền thừa mọi người cũng trả lại.
Bà Hồ cũng gửi gắm chia sẻ: “Mọi người đừng mang sữa, bánh đến nữa vì nhà có hai mẹ con, Hồng đi tối ngày còn tôi ở nhà không có chỗ để, dùng không hết chuột bọ ăn tôi không làm thế nào được”.
Hình ảnh giỏ đựng bát đũa trước và sau khi được mọi người giúp rửa sạch.
Nói về hoàn cảnh của bà Hồ, bà Phùng Thị Hợi (72 tuổi, em trong dòng họ) gần nhà cho biết, trước đây bà Hồ có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, kể từ khi chồng, con mất bà sống cùng người con gái điên dại.
Những lúc ốm đau bà Hợi cùng một số anh em họ hàng sang đưa đi bệnh viện. Vì hoàn cảnh mọi người cũng không khá giả gì nên chỉ giúp về tinh thần.
Bà Hợi cho biết, trước đây bà Hồ cũng có một khoản tiền 40 triệu đồng mọi người giúp đỡ. Trong dòng họ đã cầm số tiền này mỗi tháng trích ra đưa cho mẹ con bà Hồ 1 triệu đồng cùng 1.050.000 đồng tiền trợ cấp theo chế độ của nhà nước để trang trải cuộc sống hằng ngày.
Một góc nơi để nồi, thùng gạo để bà Hồ chuẩn bị cơm nước lo cho con gái.
“Mọi người làm thế cũng chỉ vì muốn tốt cho bà, mỗi tháng trích một khoản tiền đủ cho bà chi tiêu. Mấy hôm nay sau khi bài viết được chia sẻ trên báo chí, mạng xã hội mọi người các nơi biết được hoàn cảnh cũng đến chia sẻ với hoàn cảnh của bà.
Tiền ủng hộ hiện bà đang giữ, bà cũng rất vui vì mọi người đến trò chuyện, giúp đỡ”, bà Hợi nói.
Cùng một số người bạn bè trong dòng họ đến thăm hỏi cụ bà, anh Tô Văn Quang (27 tuổi, ở Thanh Hoá) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cho biết, bản thân anh biết hoàn cảnh của bà qua báo chí.
Hoàn cảnh nghèo khó của bà Hồ khiến ai ai cũng xót thương.
“Ngay sau khi biết thông tin, một số anh em trong dòng họ của tôi đã kêu gọi mỗi người góp chút ít mua đồ dùng thiết yếu và ủng hộ bà một khoản tiền. Số tiền tuy không lớn nhưng tấm lòng mỗi người một ít sẽ làm cho cuộc sống của hai mẹ con bà Hồ đỡ cơ cực hơn”, anh Quang nói.
Không riêng gì anh Quang, nhiều tấm lòng hảo tâm khác cũng đến ủng hộ bà cụ. Theo người thân, suốt từ ngày 14/10 đến nay lúc nào cũng có người ghé vào nhà. Có lúc đoàn đi quá đông ngôi nhà không có chỗ đứng.
Người thân cho biết, hiện tại mỗi tháng mẹ con bà Hồ được trợ cấp 1.050.000 đồng.
Mặc dù đang mắc bệnh u não nhưng anh Thảo (34 tuổi, ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vẫn cùng bạn bè đến hỏi thăm, động viên hoàn cảnh của bà Hồ.
Anh Thảo cho biết, dù mắc bệnh nhưng anh may mắn có sức khỏe nên có hoàn cảnh khó khăn hơn mình anh sẽ tìm đến để chia sẻ.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Hợi, người thân bà Hồ cho biết, sắp tới gia đình sẽ bàn với chính quyền địa phương nói chuyện với bà Hồ để tính đến chuyện dồn số tiền mọi người ủng hộ cho ai đó giữ, hàng tháng trích ra để bà cụ chi tiêu hoặc gửi sổ tiết kiệm để sau này còn lo cho bà phút cuối đời cũng như người con gái điên dại.
Nói về hoàn cảnh của bà Hồ, bà Chu Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết, từ năm 2015, UBND xã An Thượng đã sử dụng tiền chính sách hỗ trợ người nghèo để xây nhà tình thương cho cụ.
Ngoài ra cụ còn có một khoản tiền đền bù đất được 45 triệu đồng, họ hàng đã gửi ngân hàng giúp. Hàng năm, hàng tháng các chính sách từ thành phố, huyện và xã đều được gửi đến cụ.
Bên cạnh đó cũng có nhiều đoàn tổ chức từ thiện vẫn thường xuyên đến tặng quà cho cụ bà 88 tuổi mù lòa nuôi con điên dại nhưng cụ không sử dụng hết.
Con gái của cụ có vấn đề về thần kinh hay đi lang thang nhặt rác, UBND xã có đề xuất đưa chị này đến trung tâm bảo trợ xã hội để được chăm sóc tốt hơn nhưng cụ không đồng ý, không muốn cho con đi khi mình đang còn sống.