Cơ quan tình báo Israel và cuộc săn lùng “bác sĩ tử thần” Josef Mengele Josef Mengele, bác sĩ tử thần thời Đức Quốc xã Mossad và kế hoạch bắt giữ "thiên thần báo tử" Josef Mengele
Sau khi kiểm tra, Mossad khẳng định "bác sĩ tử thần" hiện đang ở Sao Paolo nhưng không thể dẫn độ vì Mengele có quốc tịch Paraguay.
Như vậy chỉ còn hai cách, một là bí mật bắt cóc Mengele như Mossad đã làm với trùm SS Adolf Eichmann và hai là giết chết…
Cuộc săn lùng
Giữa tháng 4-1962, Zvi Aharoni, đặc vụ thuộc Cơ quan Tình báo Israel Mossad đến Sao Paolo, Brazil trong chiến dịch săn lùng Josef Mengele.
Được một cựu lính SS ở Hà Lan là Willem Sassen cung cấp thông tin, Zvi Aharoni nhanh chóng tìm ra nơi ở của "bác sĩ tử thần".
(Zvi Aharoni cũng là người đã xác định Ricardo Klement chính là ông trùm SS Eichmann và đã bắt Eichmann ở Buenos Aires, Argentina ngày 18-5-1960. Bị đưa về Israel, Eichmann bị tòa án tội ác chiến tranh Israel xử tử hình bằng cách treo cổ).
Theo những thông tin do Willem Sassen cung cấp, sau khi đến Argentina, Mengele mở một phòng khám y khoa không giấy phép tại Buenos Aires, chuyên thực hiện những vụ phá thai bất hợp pháp.
Giữa năm 1954, Mengele bị cảnh sát Buenos Aires bắt tạm giam vì một phụ nữ tử vong sau khi phá thai tại phòng khám của ông ta.
Đến ngày ra tòa, nhờ hối lộ thẩm phán chủ tọa phiên tòa một số tiền khá lớn nên Mengele được tha bổng với lý do "nạn nhân chết vì một bệnh lý đã có sẵn từ trước".
Vẫn theo cựu lính SS Willem Sassen, năm 1959 Mengele đến Paraguay để điều trị cho cựu bí thư của Hitler là Martin Bormann, người đã bị Tòa án Nuremberg kết án tử hình vắng mặt - lúc ấy đang hấp hối vì bệnh ung thư dạ dày.
Cũng tại Paraguay, Mengele làm đơn xin nhập quốc tịch và được chấp thuận.
Đặc vụ Zvi Aharoni cho biết đây là một đòn rất cao tay của "bác sĩ tử thần" vì luật Paraguay không cho phép dẫn độ các tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã nếu họ đã là công dân của Paraguay.
Chính vì vậy, Mengele mới nhởn nhơ đi lại nhiều nơi mà chẳng e dè gì.
Đặc biệt hơn nữa là trong quá trình đào tẩu, Mengele đã mang theo hầu hết các bản ghi chép các công trình nghiên cứu về di truyền của ông ta.
Thông qua những người có cảm tình với chủ nghĩa phát xít, nhiều nhà khoa học ở một số nước, tỏ ý muốn "mua" những nghiên cứu này vì nó được thực hiện ngay trên những tù nhân còn sống thay vì trên động vật.
Cũng trong năm 1959, Mengele li dị vợ là Irene và dự định kết hôn với Martha Mengele, vợ của người anh ruột đã chết.
Sống trong một biệt thự sang trọng ở Buenos Aires, nơi hàng xóm phần lớn là những người có cảm tình với đảng Quốc xã, Mengele thường xuất hiện trong những bữa tiệc với vai trò là ông chủ của một công ty máy nông nghiệp.
Đặc vụ Zvi Aharoni cho biết thậm chí Mengel còn liều lĩnh tới mức ở Buenos Aires, ông ta đến Đại sứ quán Tây Đức xin cấp hộ chiếu bằng chính cái tên thật của mình: Josef Mengele.
Theo đặc vụ Zvi Aharoni, có thể Mengele muốn kiểm tra xem người ta còn nhớ mình là ai không. Bằng tấm hộ chiếu này, Mengele đã đến Áo để gặp "vợ sắp cưới" Martha Mengele, cũng như gặp đứa con trai của ông ta là Rolf.
Tuy nhiên, sau khi Adolf Eichmann, Tư lệnh Lực lượng SS bị đặc vụ Mossad bắt cóc ở Argentina rồi bị đưa về Israel và lĩnh án tử hình bằng cách treo cổ thì Mengele bắt đầu e dè, nhất là sau khi một người Đức là Hermann Langbein - người đã bỏ ra nhiều năm để thu thập hồ sơ về Mengele rồi sau đó, cung cấp hồ sơ ấy cho một công tố viên ở Bonn, Tây Đức, nhằm chứng minh Mengele vẫn còn sống.
Lúc ấy, do chưa biết Mengele đã đi Brazil nên Tây Đức đã có những cuộc tiếp xúc với Argentina nhằm tìm cách dẫn độ Mengele.
Thông tin này bị xì ra và được một cựu nhân viên SS báo cho Mengele biết nên ông ta tin rằng cả Tây Đức lẫn Israel cũng đang săn lùng mình.
Từ đó, Mengele sống rất thận trọng. Những buổi gặp gỡ các nhóm có cảm tình với đảng Quốc xã thưa dần.
Bán ngôi nhà riêng, Mengele chuyển sang thuê phòng khách sạn với nhiều cái tên khác nhau, mỗi khách sạn ông ta chỉ lưu trú một thời gian ngắn. Khi đặc vụ Zvi Aharoni đến Sao Paolo, Brazil thì Mengele đang ở phòng 612, khách sạn Royal Crown,
Một quyết định đột ngột
Trở lại chuyện đặc vụ Zvi Aharoni bám theo chiếc xe Ford của Mengele khi ông ta rời khỏi khách sạn Royal Crown để đến thành phố Curitiba, Brazil.
Trong "Hồ sơ Mossad - Mossad Profiles", Zvi Aharoni cho biết phải mất gần 1 tuần, ông mới tìm ra số phòng của Mengele vì ông không muốn đánh động con mồi.
Josef Mengele (dấu X) cùng những người bạn Brazil ở Sao Paolo năm 1970. |
Ông nói: "Trong tay tôi chỉ có mấy tấm hình chụp Mengele lúc còn trẻ, một tấm chụp chân dung hắn ta khi ở trại Auschwitz và một tấm chụp Mengele lúc Thế chiến 2 gần đến lúc kết thúc.
Tuy nhiên từ đó đến nay đã là 17 năm, đủ để cho khuôn mặt của Mengele thay đổi. Chưa kể là một bác sĩ, hắn ta cũng có thể nhờ một vài đồng nghiệp nào đó, làm phẫu thuật thay đổi hình dạng".
Đoạn đường từ Sao Paolo đến Curitiba dài hơn 450km. Theo lời đặc vụ Zvi Aharoni thì Mengele lái xe rất từ tốn, trung bình chỉ khoảng 60km/giờ. Tuy nhiên, sau khi đi được 45km, Mengele cho xe rẽ sang tay phải, vào một con đường đất gồ ghề.
Biết rằng nếu tiếp tục đi theo Mengele thì sẽ bị chú ý vì con đường ấy ngoài chiếc xe của Mengele thì không còn một chiếc nào khác nên Zvi Aharoni cho xe mình quay lại Sao Paolo.
Ông nói: "3 ngày sau, không thấy Mengele trở về khách sạn, tôi cùng nhóm đặc vụ Mossad tổ chức một chuyến đi - ngụy trang là đi dã ngoại - với mục đích tìm hiểu địa điểm mà Mengele đã lái xe đến.
Chúng tôi chuẩn bị mấy chai rượu vang, ít bánh mì, thịt nguội, cam, táo… Tất cả đều ăn mặc như những kẻ nhàn du, thừa tiền, tìm chỗ giải trí ở vùng nông thôn ngoại ô…".
Khi chiếc xe chở nhóm Zvi Aharoni tiến vào con đường đất rồi đi được khoảng 3km thì trước mắt họ xuất hiện một trang trại. Dừng xe lại, Zvi Aharoni cùng một đặc vụ bước xuống, giả vờ hỏi thăm đường.
Trong hồ sơ Mossad Profiles, ông kể: "Giây lát, có 2 người đàn ông xuất hiện, một là người Brazil còn người kia chắc chắn là người phương Tây nhưng tôi không biết đó có phải là Mengele hay không.
Tôi cho tay vào túi, định lấy chiếc máy chụp hình nhưng hai người đó đã đến gần sát chỗ chúng tôi nên tôi không thể chụp được. Tuy vậy, linh tính cho tôi biết người phương Tây là Mengele vì ông ta để ria mép, còn chiều cao và vóc dáng thì khớp với những gì chúng tôi đã thu thập".
Những cặp sinh đôi, vật thí nghiệm của Mengele ở trại Auschwitz. |
Bằng tiếng Tây Ban Nha, đặc vụ Zvi Aharoni cho biết họ đang muốn tìm một bãi đất trống để tổ chức buổi ăn trưa nhưng người đàn ông Brazil lắc đầu, rằng đây là đất tư nhân nên ông ta không đồng ý.
Zvi Aharoni kể tiếp: "Tôi cố gắng bắt chuyện với người nghi là Mengele nhưng hắn chẳng hề hé môi.
Chỉ cần hắn nói một câu thôi, dù bằng thứ ngôn ngữ nào chăng nữa, tôi vẫn có thể nhận ra hắn là người Đức".
Hai ngày sau, Zvi Aharoni bay đi Paris, Pháp, báo cáo vụ việc với chỉ huy Cơ quan Tình báo Mossad là Isser Harel, lúc ấy đang ở Paris để làm việc với Cơ quan Tình báo Pháp.
Theo Zvi Aharoni, trong cuộc gặp Isser Harel, ông khẳng định Mengele hiện đang ở Sao Paolo rồi trình bày kế hoạch bắt cóc "bác sĩ tử thần".
Ông nói: "Chắc chắn Mengele có mối quan hệ mật thiết với gã chủ trang trại người Brazil, và thường xuyên gặp gỡ tên này. Kế hoạch là tôi cho 4 đặc vụ bí mật nằm chờ ở một đoạn trên con đường đất dẫn vào trang trại.
Nếu Mengele rời khỏi khách sạn Royal Crown, tôi sẽ dùng 2 chiếc xe, một chạy trước xe của Megele để báo cho nhóm đặc vụ đang mai phục biết, còn chiếc đi sau phòng ngừa Mengele không đến trang trại, mà đến một nơi khác.
Nếu Mengele đến trang trại, nhóm đặc vụ sẽ xông ra, tóm lấy ông ta rồi lái chiếc xe của ông ta vào một đoạn đường vắng. Ở đó, Mengele sẽ được chuyển sang xe của chúng tôi.
Tiếp theo, xe sẽ chạy thẳng ra cảng, nơi một chiếc tàu của chúng tôi đã đợi sẵn và Mengel sẽ được đưa về Israel. Còn nếu ông ta chống cự, chúng tôi hạ sát".
Thế nhưng, sau khi trình bày kế hoạch với Isser Harel, chỉ huy Mossad thì đặc vụ Zvi Aharoni chỉ nhận được cái lắc đầu.
Theo Isser Harel, thời điểm ấy Israel đang trên bờ vực chiến tranh với Ai Cập nên việc truy lùng tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã bị liệt xuống hàng thứ yếu.
Isser Harel nói: "Dẫu sao thì ông ta - tức Mengele - vẫn ở đó. Càng bắt chậm thì Mengele càng chủ quan…".
Trong hồ sơ Mossad, Zvi Aharoni viết: "Cay đắng nhất là tất cả đặc vụ Mossad ở Brazil được lệnh rút về, bao nhiêu công sức của chúng tôi coi như đổ sông đổ biển. 1 năm nữa - thậm chí là 1 tháng nữa - ai dám chắc Mengele vẫn còn ở Brazil".
Công lý buông tha?
Ngày 12-7, xung đột vũ trang giữa Israel và Ai Cập nổ ra rồi kéo dài suốt 5 năm sau đó mà đỉnh điểm là "Cuộc chiến tranh 6 ngày" - từ 5 đến 10-6-1967.
Kết quả là Israel chiếm dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập, chiếm bờ Tây - bao gồm phần phía đông Jerusalem của Jordan và chiếm cao nguyên Golan của Syria.
Năm 1977, khi chiến tranh đã tạm lắng, Mossad tái khởi động chiến dịch săn lùng Mengele.
Trong một buổi làm việc với Mossad, Thủ tướng Israel là Menachem Begin nói rõ: "Mossad phải tiếp tục tìm kiếm bọn tội phạm chiến tranh, đặc biệt là Josef Mengele để xét xử ở Israel. Nếu không thể đưa được ra tòa, thì giết".
Một lần nữa, đặc vụ Zvi Aharoni lại được triệu tập nhưng lần này thì Mengele như đã "bốc hơi". Suốt 3 năm - từ 1977 đến 1980, Zvi Aharoni ngang dọc khắp Brazil, Paraguay, Argentina nhưng không hề thấy bóng "bác sĩ tử thần".
Với sự trợ giúp kỹ thuật của tình báo Anh, Mỹ, Mossad nghe lén điện thoại của Rolf, con trai Mengele, lúc ấy sống ở Đức - kể cả dùng mỹ nhân kế nhưng cũng không thu được kết quả.
Tháng 9-1985, một cuộc điện thoại gọi đến Đại sứ quán Israel ở Brasil, do một người tự xưng là "nhân viên công ty gia đình".
Người này cho biết Josef Mengele, 67 tuổi, đã chết hồi tháng 2- 1979 vì đột quỵ trong lúc đang tắm biển Xác ông ta được chôn ở thị trấn Embu, ngoại ô Sao Paolo, Brazil. Thị trấn này cũng là nơi Mengele sống ẩn dật từ năm 1963.
Lập tức, Mossad tiến hành khai quật tử thi sau khi phía Brazil đồng ý. Kích thước hộp sọ, xương hàm, xương đùi, xương cẳng chân, cẳng tay hoàn toàn phù hợp với nhân dạng của Mengele.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1992, khi nhà di truyền học người Anh là Alec Jeffreys giải mã được bộ gien người thì Mossad mới chính thức xác nhận Mengele đã chết, bằng phương pháp thử AND.
Trớ trêu thay, từ năm 1943 ở trại Auschwitz, giải mã gien di truyền là việc mà "bác sĩ tử thần" đã làm…