Khốc liệt như cuộc đua vô địch
Đại hội VFF khóa VI, ông Nguyễn Trọng Hỷ tái đắc cử chức danh Chủ tịch. Đến khóa VII, sau khi ông Hỷ xin rút sớm và Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng lên làm quyền chủ tịch, ông Dũng cũng “một mình, một ngựa” và lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam có một đầu tàu là doanh nhân chứ không phải quan chức về hưu hay biệt phái.
Cả 3 nhiệm kỳ trước, vị trí Chủ tịch VFF đều không có lựa chọn, chính xác là chỉ có lựa chọn duy nhất. Thế nhưng ở Đại hội VFF khóa VIII vào tháng 4 này, mọi chuyện sẽ khác hoàn toàn khi có hẳn một cuộc đua giữa các ứng viên, với sự vận động, cạnh tranh và hứa hẹn gay cấn đến tận phút cuối.
Bên cạnh 2 ứng viên là Phó Chủ tịch thường trực VFF khóa VII phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn và nguyên Giám đốc Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia Cấn Văn Nghĩa, đến thời điểm này bất ngờ xuất hiện thêm 2 ứng viên nữa: Giám đốc Trung tâm TDTT 2, ông Lê Quý Phượng và nguyên TBT báo Thanh niên, hiện đang giữ chức danh Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Thanh niên, ông Nguyễn Công Khế.
Dù chưa chính thức xác nhận nhưng việc được một CLB có ông bầu quyền lực với tầm ảnh hưởng bao trùm lên V.League cũng như VFF đề cử, chắc chắn ông Khế sẽ là một ứng viên nặng ký.
Sẽ có nhiều điều để chờ đợi ở cuộc đua này mà một vài câu chuyện hậu trường thời gian qua liên quan đến những chiến dịch hướng đến vị trí đứng đầu bóng đá Việt Nam là thứ có thể tham khảo. Đơn cử như thông tin với định hướng bất lợi nhắm vào Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn với chiếc xe biển xanh ở VFF xuất hiện trên báo chí là không phải vô tình.
Trong khi đó, việc mời nhân vật quyền lực nhất của bóng đá thế giới là Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đến thăm, làm việc với VFF mới đây, nhân thành công với tiếng vang lớn sau kỳ tích U.23 Việt Nam tạo nên ở VCK U.23 Châu Á, đó cũng là cách ông Tuấn ghi điểm, sau những gì làm được ở 2 nhiệm kỳ trước đó.
Và khi bóng đá có giá
Xuất hiện nhiều ứng viên trong cuộc đua hướng đến ghế Chủ tịch VFF, đó là tín hiệu mừng với bóng đá Việt. Nó cho thấy sự thay đổi tích cực, khi giá trị của bóng đá nội được nhìn nhận và đánh giá cao chứ không chỉ một màu xám với những tiêu cực khiến không ai dám “nhảy vào” như bao năm qua.
Đây có thể xem là một trong những thành quả đầu, sau thành công và những hy vọng về việc “đánh thức” cả nền bóng đá từ chiến công của thầy trò HLV Park Hang-seo ở VCK U.23 Châu Á.
Vị thế, những gì làm được và nhận được của các cầu thủ U.23 Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh, giá trị thật của bóng đá. Và không chỉ là thành tích hay cảm xúc mang đến cho NHM cả nước, điều đáng mừng nhất sau một giải đấu trẻ thành công là sức lan tỏa xã hội cùng với sự quan tâm, tin yêu với bóng đá Việt bắt đầu được nhen nhóm trở lại.
Chính điều này đã mang đến cái nhìn khác về bóng đá, trong đó có chiếc ghế Chủ tịch VFF lâu nay bị ngó lơ lẫn thiếu coi trọng.
Cũng là may mắn cho bóng đá Việt, khi có một cuộc đua mà ở đó, bóng đá được coi trọng với giá trị thực sự của môn thể thao Vua.
"Gọn nhẹ, chất lượng và đổi mới"
Với tinh thần "gọn nhẹ, đảm bảo chất lượng, có tính kế thừa, phát triển và đổi mới", cơ cấu Ban Chấp hành VFF khóa VIII sẽ được tinh giản tối đa.
Theo khoản 2 điều 34 Điều lệ VFF, từ năm 2018 BCH VFF sẽ rút gọn từ 23 xuống còn 17 ủy viên, trong đó Thường trực BCH có 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch và 1 ủy viên còn 12 uỷ viên phụ trách các ban chức năng hoặc hoạt động lĩnh cực cụ thể.
Theo danh sách đề cử và ứng cử từ các thành viên VFF, hiện nay có gần 50 cái tên trong danh sách sơ bộ để bầu Ban chấp hành VFF khóa VIII.