Cuộc đời nữ điệp viên từng ám sát bất thành Adolf Hitler

Anh Khoa |

Nữ nhà báo, điệp viên người Do Thái, Hilda Monte, là một trong hàng nghìn người, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp chống lại chế độ Đức Quốc xã.

Cuộc đời nữ điệp viên từng ám sát bất thành Adolf Hitler - Ảnh 1.

Bức ảnh của bà Monte được trưng bày trong Bảo tàng Do Thái Hohenems.

Ám sát Adolf Hitler bất thành, bà Monte chuyển sang biên tập cho nhiều tờ báo nhằm sử dụng ngòi bút để chống lại tư tưởng phát xít.

Chiến đấu bằng ngòi bút

Hilda Monte (1914 - 1945) tên khai sinh là Hilde Meisel. Bà sinh năm 1914 trong một gia đình gốc Do Thái tại Vienna, Áo. Một năm sau, cha mẹ bà chuyển đến Berlin, Đức, nơi họ từng sống trước đó. Chính trong môi trường chiến đấu sục sôi tại Berlin vào những năm 1920, Hilda quyết định trở thành chính trị gia, cùng chị gái Margot tham gia vào Schwarze Haufen, phong trào thanh niên xã hội chủ nghĩa của người Do Thái. Phong trào lấy cảm hứng từ một nhóm nổi dậy trong cuộc nổi dậy của nông dân Đức vào thế kỷ XVI.

Trong thời gian tham gia phong trào, bà Margot đã gặp ông Max Fürst rồi tiến tới hôn nhân sớm. Sau đó, bà Margot làm thư ký cho người bạn của chồng, ông Hans Litten, vị luật sư nổi tiếng đã thẩm vấn Adolf Hitler suốt 3 tiếng đồng hồ tại một phiên tòa năm 1932. Sau này, ông Litten bị bắt và đày đến trại tập trung Dachau, Đức.

Còn bà Meisel đi theo phe cánh tả dân chủ xã hội Đức từ năm 1928. Chuyển đến Anh một năm sau đó, bà trở thành sinh viên không chính thức tại Harold Laski thuộc Trường Kinh tế London.

Sau thời gian này, bà làm việc tại trung tâm khai thác mỏ Ruhr, Đức, trước khi gia nhập ban biên tập của Der Funke (tên tiếng Anh là The Spark), cơ quan ngôn luận của Internationale Sozialistische Kampfbund (ISK), là tổ chức xã hội chủ nghĩa đã tách khỏi đảng Dân chủ xã hội Đức (SDP). Tổ chức này đã kêu gọi các thành viên cánh tả cùng đoàn kết chống lại đảng Quốc xã.

Sau khi Đức Quốc xã đàn áp tờ Der Funke vào tháng 2/1933, bà Meisel nhận nhiệm vụ tổ chức các nhóm cách mạng và chuyển tới Cologne để làm "công tác biên giới". Đây là tên gọi cho hàng loạt nhiệm vụ ngầm chống lại đảng Quốc xã như giúp đưa các nhân vật phong trào lao động và tài chính bị truy lùng sang các nước láng giềng như Hà Lan, Bỉ và Thụy Sĩ; đồng thời nhập lậu văn hóa phẩm bị cấm vào Đức. Khi trở về Berlin, bà đã thành lập tổ chức tuyên truyền xã hội chủ nghĩa hoạt động ngầm, huy động quần chúng biểu tình khi Hitler được công nhận là Quốc trưởng.

Cuộc biểu tình không thành công khi Adolf Hitler vẫn được tín nhiệm giao vị trí Quốc trưởng, bà Meisel chuyển đến Paris và tham gia biên tập cho tờ báo xã hội chủ nghĩa, Sozialistische Warte. Bà thường xuyên di chuyển giữa Anh và Đức để hoạt động cách mạng và vận chuyển tài liệu tuyên truyền bí mật đến năm 1936.

Tuy nhiên, hoạt động cách mạng vào giai đoạn này ngày càng khó khăn. Nhiều nhà hoạt động tại ISK đã bị bắt giữ vào năm 1937, 1938 nên bà Meisel phải quay trở lại Đức để tự mình hoàn thành các nhiệm vụ do tổ chức giao phó.

Chính trong thời kỳ này, tiếng trống chiến tranh càng lúc càng vang dội. Bà Meisel đã quyết định rời khỏi hàng ngũ ISK vì nhận thấy sức chiến đấu của tổ chức suy giảm rõ rệt. Khi con đường cách mạng gặp khó khăn, bà Meisel kết hôn với John Olday, một nghệ sĩ người Đức lai Scotland. Cuộc hôn nhân này giúp bà có được sự an toàn với hộ chiếu Anh.

Kế hoạch ám sát bất thành

Cuộc đời nữ điệp viên từng ám sát bất thành Adolf Hitler - Ảnh 3.

Bà Hilda Monte từng tham gia nhiều tổ chức xã hội chủ nghĩa khắp phương Tây.

Năm 1938, cơ duyên giúp bà Meisel gặp ông George Strauss, một thành viên cánh tả duy tâm. Ông Strauss đã hỗ trợ tài chính thành lập tờ báo Tribune, ra ấn bản đầu tiên từ tháng 1/1937 nhằm mục tiêu "ủng hộ chủ nghĩa xã hội mạnh mẽ và khơi dậy kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít trong nước và nước ngoài".

Tờ báo nằm trong công ty mật gọi là Union Time Ltd. Trên thực tế, đây là tổ chức của người di cư Đức làm việc trên nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhưng cùng thúc đẩy quan điểm bài và chống tuyên truyền Đức Quốc xã tại Anh nói chung.

Union Time Ltd đã ngụy trang cho các hoạt động của Hilde Meisel cũng như hy vọng sẽ ngăn chặn một cuộc chiến tranh có nguy cơ bùng nổ. Gây dựng được lòng tin ở ông Strauss, bà Meisel đã lợi dụng sự hậu thuẫn của ông làm tiền đề cho âm mưu ám sát Hitler.

Ông Strauss đã cử bà đến London gặp ông Werner Knop, nhà báo tài chính có liên hệ với Tribune để mô tả kỹ càng kế hoạch táo bạo của mình. Ấn tượng bởi phẩm chất kiên cường và ý chí thép của bà Meisel, ông Knop đã đồng ý hỗ trợ tài chính cho vụ ám sát.

Khởi đầu vụ ám sát là cuộc tấn công chớp nhoáng vào ngày 18/7/1939. Ngay ngày đó, 9 người trong tổ chức giải trí Strength Through Joy của Đức Quốc xã thiệt mạng trong một vụ nổ nồi hơi. Tại thời điểm này, ngoài bà Meisel còn một người theo chủ nghĩa vô chính phủ khác là Albert Meltzer được biệt phái tới London.

Sang ngày 8/11/1939, một quả bom hẹn giờ khác do Georg Elser chế tạo đã nổ tung ở quán bia Burgerbraukeller, thành phố Munich làm chết 8 người và làm bị thương 62 người. Được biết vào thời điểm đó phái đoàn của Đức Quốc xã do Adolf Hilter dẫn đầu đang có mặt tại quán bia nhưng Hilter mất tích chỉ 7 phút sau đó.

Sau sự việc, đã có rất nhiều phỏng đoán công khai rằng có hay không việc bà Meisel trực tiếp liên quan đến vụ ám sát bất thành này. Ông Fritz Eberhand, người đồng chí với bà Meisel khi còn hoạt động tại ISTK cho rằng, nhiều khả năng bà Meisel đã giao việc đánh bom Hitler cho Georg Elser như một phần sứ mệnh của tổ chức Union Time Ltd.

Hoạt động kháng chiến sôi nổi

Cuộc đời nữ điệp viên từng ám sát bất thành Adolf Hitler - Ảnh 5.

Mộ tưởng niệm nữ chiến sĩ Monte.

Lúc này, bà Hilde Meisel đổi sang bí danh Hilda Monte để sáng tác những tác phẩm đậm chất cách mạng trên tờ báo Tribune hoặc trên tờ Left News của nhà xuất bản Victor Gollancz. Bà cùng với tác giả Eberhard cho ra mắt cuốn sách "Khuất phục Hilter".

Bà Monte trở thành giảng viên nổi tiếng tại Hiệp hội Giáo dục Công nhân, đồng thời là cố vấn cho Ủy ban Điều hành quốc gia về lao động (ICL) thuộc Ủy ban Điều hành quốc gia Anh.Do ông William Gillies điều hành, Ủy ban Điều hành quốc gia Anh đã hỗ trợ việc giải cứu các nhà dân chủ xã hội cao cấp Đức và nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Bộ trưởng Chiến tranh kinh tế của đảng Lao động, Hugh Dalton, và Dick Crossman, Trưởng ban tuyên truyền Đức.

Tham gia vào Ủy ban Điều hành quốc gia Anh, bà Monte đã có cơ hội làm việc với ông Walter Auerbach, quan chức tại Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) chuyên phát sóng tiếng Đức từ đài phát thanh cánh tả. Tại đây, bà Monte được giao nhiệm vụ chuyển phát các bức điện tín quốc tế đến Lisbon, Bồ Đào Nha bằng cách dùng mật mã SOE và ITF. Bà cũng tự thiết lập dịch vụ phân phối văn hóa phẩm bài Đức Quốc xã.

Năm 1943, khi quay lại Anh, bà tiếp tục hoạt động tuyên truyền bằng cách dùng kiến thức thực tế từ những liên lạc kháng chiến để kêu gọi người dân Đức đứng lên phản đối chế độ Đức Quốc xã. Thời gian này, bà cũng dũng cảm tham gia chương trình phát thanh trên đài BBC, đưa ra những định nghĩa sớm nhất về nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust) của Đức Quốc xã và kêu gọi cộng đồng thế giới đứng lên chống lại hành động này.

Nhờ những hoạt động cách mạng sôi nổi, tiếng tăm về người phụ nữ Đức với tấm lòng khẳng khái bài Đức Quốc xã đã vang khắp châu Âu. Tháng 9/1944, bà Monte được Cục Tình báo chiến lược Hoa Kỳ (OSS) mời gia nhập với tư cách là "đặc vụ Crocus".

OSS thường xuyên chiêu mộ những người có tư tưởng chống phát xít cứng rắn, các cựu binh của Lữ đoàn quốc tế cùng những thành phần cấp tiến đứng chung hàng ngũ. Bà Monte trở thành một trong hai nữ điệp viên được huấn luyện cấp cao để tham gia Dự án Faust, dự án điệp viên ngầm trong nội bộ Đức Quốc xã.

Bà đã thành công trà trộn vào hàng ngũ của quân địch và gửi về cho OSS những thông tin quân sự bí mật, quan trọng.

Cuối năm 1944, bà Hilde âm thầm liên lạc với các nhóm kháng chiến xã hội chủ nghĩa ở Thụy Sĩ và Áo. Tháng 4/1945, khi trở về sau một nhiệm vụ đưa tin, bà bị một lính biên phòng ở biên giới Áo – Liechtenstein bắn chết.

Những đồng chí, đồng đội của bà Monte tại tờ Tribune đã đưa tin về cái chết của nữ điệp viên trong tờ báo ngày 29/6/1945. Mô tả về cuộc đời của bà Monte, nhà báo Raymond Postgate, bày tỏ: "Mặc dù không có huy chương, danh hiệu nào được trao cho nữ đồng chí, các nhà xã hội chủ nghĩa Anh sẽ tôn vinh và tưởng nhớ Hilda Monte, người phụ nữ đã cống hiến cả cuộc đời mình để phục vụ sự nghiệp của chúng ta".

Không chỉ hoạt động sôi nổi trong các cuộc kháng chiến, bà Monte đã cùng với nhiều đồng chí thuộc phong trào xã hội chủ nghĩa thành lập Ủy ban Tái thiết Giáo dục Đức vào năm 1942. Đây là dự án của Liên minh các tổ chức xã hội chủ nghĩa Đức tại Anh nhằm lập kế hoạch và tái tổ chức hệ thống giáo dục Đức thời hậu chiến.Trên bia mộ đơn sơ của bà ngày nay vẫn khắc ghi dòng chữ: "Người phụ nữ đã sống và chết để phục vụ lý tưởng xã hội chủ nghĩa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại