Andre Rene Roussimoff sinh ngày 19/5/1946 tại thành phố Grenoble, miền Nam nước Pháp. Ông bị chẩn đoán mắc chứng bệnh rối loạn tuyến yên khiến cơ thể tiết ra rất nhiều hormone tăng trưởng so với người thường.
Chính vì vậy mà năm 12 tuổi, Andre đã sở hữu chiều cao lên đến hơn 1,9m. Vì không thể ngồi vừa xe buýt nên mỗi khi đến trường, Andre phải đi nhờ xe tải của người hàng xóm để đi học. Đến năm 3 trung học, Andre quyết định bỏ học, ra ngoài kiếm sống trang trải chi phí sinh hoạt.
Năm 17 tuổi, Andre nhận được giấy triệu tập nhập ngũ nhưng sau khi xem xét, chính quyền địa phương quyết định đặc cách cho trường hợp đặc biệt này bởi không có thứ gì trong quân đội có thể phù hợp với cơ thể quá khổ của chàng thanh niên kia.
Ở tuổi trưởng thành, chiều cao của Andre đạt mức 2,3m. Chính vẻ ngoài dị biệt nên sau này ông được mọi người đặt cho danh hiệu “kỳ quan thế giới thứ 8”.
Sau đó, Andre xin được một chân chạy việc vặt trong phòng tập gym. Thân hình vạm vỡ của ông thu hút sự chú ý của các tay đô vật và được truyền dạy không ít “ngón nghề”.
Cơ hội đến với Andre khi một tay đấu vật bị thương và cần gấp một người thay thế, đó là trận đấu đầu tiên của ông. Những năm sau đó, Andre lên đường đi thi đấu ở khắp nơi từ Algeria, Nam Phi, Morocco, Tunisia, Anh đến Scotland.
Andre chụp cùng tài tử Arnold Schwarzenegger (giữa)
Năm 1971, Andre lấy biệt danh Jean Ferre đến Bắc Mỹ để tham gia đấu vật. Tại đây, ông có cơ hội gặp được Vince McMahon Sr, nhà tổ chức đấu vật chuyên nghiệp.
“Khi đó, tôi vẫn chưa sẵn sàng để gặp Andre ở khoảng cách gần. Cậu ta là người đặc biệt nhất mà tôi từng biết. Ngay từ lần đầu tiên, tôi đã biết chàng trai này sẽ là ngôi sao sáng trên sàn đấu vật” - ông Vince nói về Andre.
Với sự giúp đỡ của Vince, chỉ 2 năm sau đó, Andre được chính thức ra mắt ở Liên đoàn đấu vật thế giới (viết tắt là WWWF, sau này đổi tên thành WWE) với biệt danh Andre The Giant (tạm dịch: “Andre khổng lồ”).
Thành tích trong suốt những năm thi đấu tiếp theo của Andre khiến ai cũng phải ngưỡng mộ dù không thể phủ nhận thành công ấy nhờ một phần rất lớn vào thân hình khác người của ông. Thời gian sau, Andre trở thành một trong những người đầu tiên được ghi tên vào danh sách những đô vật huyền thoại của WWE.
Căn bệnh rối loạn tuyến yên giúp Andre trở nên đặc biệt và được mọi người trên khắp thế giới biết đến nhưng cũng chính nó đã gây ra nhiều cản trở trong cuộc sống sinh hoạt của ông. Trong một lần ghé thăm Nhật Bản, ông phải đi vệ sinh trong bồn tắm hoặc trên những vật dụng riêng.
Đôi khi Andre cũng muốn đi xem những trận đấu vật khác nhưng hàng ghế khán giả thông thường làm sao chịu nổi sức nặng của một người khổng lồ. Đó là chưa tính đến chiều cao quá khổ của ông che mất tầm nhìn của mọi người xung quanh.
“Dường như mọi người chẳng bao giờ để ý rằng nhiều lúc tôi cũng rất mệt mỏi với những câu hỏi rằng: ‘Cậu cao bao nhiêu, cân nặng thế nào?’. Đó là lý do tôi chỉ muốn đến nhà hàng dùng bữa vào tối muộn để không phải gặp ai. Tôi luôn muốn tỏ ra lịch sự để tạo ấn tượng tốt nhưng đôi khi cũng rất mệt mỏi.
Tôi chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để có thể được sống mỗi ngày như người bình thường. Tôi sẽ đi mua sắm, xem phim, lái siêu xe đến khắp mọi nơi, dạo bước trên đại lộ Fifth Avenue và nhìn ngắm mọi người” - Andre đôi khi cũng chỉ mong muốn được sống cuộc đời của một người bình thường.
Năm 1993, Andre qua đời tại nhà riêng ở Pháp vì căn bệnh suy tim. 46 năm sống cuộc đời ngắn ngủi, ông đã trải qua nhiều giây phút huy hoàng nhưng cũng không ít nỗi bi thương.
Trên tất cả, người đàn ông được mệnh danh là “kỳ quan thế giới thứ 8” không hề hối hận hay cảm thấy oán trách, ngược lại còn rất biết ơn cuộc đời này: “Nếu tôi chết vào ngày mai, tôi biết tôi đã ăn nhiều thức ăn ngon, uống bia ngon và rượu ngon, có nhiều bạn bè và nhìn thấy nhiều nơi trên thế giới”.
Cuộc đời của Andre trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim, tác giả viết sách. Phim tài liệu mang tên "Andre The Giant" (tạm dịch: Andre khổng lồ) bắt đầu được trình chiếu trên kênh HBO hồi tháng 4 vừa qua.
(Nguồn: NY Daily News)