Tại đại lộ Bình Dương, TP. Thủ Dầu Một, ông Trần Ngọc Sơn (66 tuổi) ngày ngày vẫn cần mẫn đi nhặt ve chai, phế liệu. Nhiều người gọi ông lão vô gia cư với cái tên mỹ miều là "Nhà vua" bởi hành trang kỳ lạ ông mang theo trên chiếc xe đạp.
"Người ta gọi tôi là ông vua bởi tôi đội cái nón này nè. Cái nón này không ai làm được, chỉ vua Càn Long đội. Họ vẫn hỏi ông vua đi đâu thế, tôi chỉ cười và bảo đi lượm ve chai thôi", ông Sơn nói.
Chiếc nón độc lạ của ông Sơn khá to, nặng gần 3kg, trang trí xung quanh bằng những viên đá nhiều màu sắc, phần quai mũ được gắn thêm chiếc xích dài.
Ông Sơn lang thang nhặt ve chai với chiếc nón kỳ lạ
Ông Sơn kể, trước đây ông có vào một ngôi miếu và thấy cứ hàng năm, người ta sẽ thay áo cho mẹ Quan âm, chiếc áo cũ sẽ được đem đốt. Ông Sơn chờ đến lúc đó và vào miếu xin "bề trên" cho sử dụng chiếc áo đã bỏ đi. Phần đá ông đem gắn lên mũ, phần vải áo ông lấy trang trí cho chiếc "ngựa chiến" màu vàng của mình. Ông nói, ý tưởng được ông nghĩ tới sau khi xem một bộ phim Trung Quốc và thấy rất thích thú chiếc mũ của vua Càn Long.
Những món đồ ông Sơn "quý như vàng"
Trên chiếc xe đạp, ông Sơn cũng treo tấm ảnh phật Quan âm phía sau. Xung quanh xe lỉnh kỉnh những món đồ nhỏ được nhặt nhạnh từ miếu đem về. Ông buồn rầu, chỉ vào chiếc xe và nói: "Đây là chiếc thứ 2 rồi đấy, chiếc đầu tui bị người ta lấy cắp cùng với chiếc nón rồi".
Từng mất đi 2 món đồ yêu quý nhất, ông Sơn chán nản, đau khổ. Nhiều người thấy thương, bèn góp tiền cho ông mua chiếc xe mới. Ông Sơn về sau cũng sáng chế thêm chiếc nón như hiện tại.
16 năm qua, ông lão vô gia cư cứ thế độc hành đi nhặt ve chai khắp Sài Gòn. Dáng vẻ kỳ lạ của người đàn ông nhỏ thó, nụ cười móm mém, đội một chiếc nón cỡ đại sặc sỡ khiến nhiều người đi đường chú ý. Ông nhặt vỏ lon, chai nhựa đem bán, cứ 60 lon ông đổi được 20-25 ngàn.
Giấc mơ đoàn tụ suốt 50 năm
Kể về cuộc đời mình, ông Sơn trầm ngâm: “Má tôi quê Vĩnh Long, 14 tuổi phiêu bạt làm ăn bên Campuchia rồi lấy chồng bên đó. Năm 1949 sinh ra chị tôi là Trần Thị Ngọc Phượng”.
Năm 1970, chiến tranh xảy ra, mẹ ông Sơn mất, còn ông theo dòng người tản cư về Hồng Ngự (Đồng Tháp). Cũng kể từ đó, ông lạc mất chị gái. Thấy cậu bé 14 tuổi bơ vơ, không người thân thích, bà con thương nên đùm bọc, cưu mang. Năm 1975, ông Sơn mới bắt đầu đi tìm chị gái.
“Tôi đi mãi, đi mãi. Miền Nam và miền Tây tôi đã đi hết, từ Vũng Tàu, Long Khánh, Nha Trang… Người ta nói chắc chị dính súng đạn, chết rồi. Nhưng tôi vẫn hy vọng. Còn sức tôi vẫn sẽ đi tìm”, ông Sơn kể.
Ông Sơn thất lạc chị năm 14 tuổi
Những ngày còn thanh niên trai tráng, ông đi làm thuê đủ nghề. Nhưng không chịu được nỗi mặc cảm khi bị dè bỉu là trẻ mồ côi, ông đành đi lượm ve chai để đổi lấy sự tự do.
“Không ai nói nặng nhẹ gì được mình, tôi thích thì đi lượm. Không xin ai, người ta bỏ lon thì tôi lấy, chứ không vô nhà ai. Dù khổ thật nhưng đó là bản chất của mình”, ông Sơn nói.
Nụ cười móm mém hiền hậu của người đàn ông vô gia cư
Năm 1993, ông Sơn từng nộp hồ sơ lên chương trình “Như hề có cuộc chia ly” nhưng vẫn không có tin tức gì. Mỗi đêm giao thừa pháo hoa sáng trời, ông tủi thân khi nhìn gia đình người ta đoàn viên sum họp, còn ông lủi thủi bên chiếc xe đạp ngoài lề đường. Nước mắt ông lã chã rơi, chỉ biết cầu nguyện với trời. Suốt 50 năm, chưa một ngày nào ông thôi hy vọng sẽ đoàn tụ lại được với người chị máu mủ ruột thịt.
“Em ao ước một ngày nào đó sẽ gặp được chị. Dù chị có quên em, hay chị có gia đình… thì em vẫn không bao giờ quên chị.
Đời em chỉ có 2 điều ước. Thứ nhất đó là gặp chị. Thứ hai, đêm nằm ngủ đốt một nén nhang, em sẽ nằm ở dưới chân mẹ, ngủ một giấc thật dài và không bao giờ tỉnh lại nữa...”, ông Sơn chua xót.
Nguồn: Độc lạ Việt Nam