Cuộc đời bi kịch của người cố gắng bắt kẻ ám sát Tổng thống Lincoln

Thùy Dương |

Sau khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln và nỗ lực ngăn chặn kẻ sát nhân bất thành, cuộc đời Henry Rathbone vĩnh viễn thay đổi.

Cuộc đời bi kịch của người cố gắng bắt kẻ ám sát Tổng thống Lincoln - Ảnh 1.

Henry Rathbone. Ảnh Thư viện Quốc hội Mỹ

Vào ngày 14/4/1865, Henry Rathbone, vị hôn thê của ông là Clara Harris, Đệ nhất phu nhân Mary Todd Lincoln và Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln ngồi trong Khu vực Tổng thống tại Nhà hát Ford ở Washington, D.C. Gần cuối vở kịch mà họ đang xem, một người tên là John Wilkes Booth lặng lẽ bước vào khu vực này và bắn một phát duy nhất, khiến tổng thống bị thương nặng và khiến những người còn lại hoảng loạn.

Rathbone, một sĩ quan quân đội và là bạn của gia đình Lincoln, đã nhanh chóng hành động. Ông bị thương nặng trong khi cố gắng bắt giữ Booth, nhưng tên sát thủ trốn thoát và nhảy từ ban công.

Trong những năm sau vụ ám sát, sức khỏe tâm thần của Rathbone nhanh chóng suy giảm. Ông tự trách mình vì đã không thể ngăn cản Booth hoặc cứu Tổng thống Lincoln. Vào ngày 23/12/1883, trong cơn điên cuồng ám ảnh, ông đã giết vợ và định tự kết liễu đời mình.

Henry Rathbone đã dành phần còn lại cuộc đời tại một trại tị nạn ở Hildesheim, Đức. Ông không bao giờ thực sự hồi phục sau vụ ám sát Tổng thống Lincoln. Buổi tối định mệnh đó đã phá hủy cuộc sống không chỉ của gia đình Tổng thống Lincoln mà còn của chính ông.

Henry Reed Rathbone sinh ra trong một gia đình giàu có ở Albany, New York vào năm 1837. Ông mất cha vào năm 1845 và mẹ ông tái hôn ba năm sau đó. Khi trưởng thành, Rathbone tham gia chính trường với tư cách thượng nghị sĩ Mỹ.

Cuộc đời bi kịch của người cố gắng bắt kẻ ám sát Tổng thống Lincoln - Ảnh 2.

Rạp hát Ford cuối những năm 1860. Ảnh: U.S. National Park Service

Người chồng thứ hai của mẹ ông là Ira Harris - thượng nghị sĩ New York và thẩm phán Tòa án tối cao bang, có một vài người con riêng. Dần dần, Rathbone và con gái của Harris là Clara bắt đầu một mối quan hệ yêu đương. Họ tuyên bố đính hôn ngay trước khi Nội chiến nổ ra.

Rathbone gia nhập Quân đội Liên minh vào đầu Nội chiến và ông từng là chỉ huy của Trung đoàn bộ binh 12 trong một số trận chiến đẫm máu nhất của cuộc Nội chiến. Khi chiến tranh kết thúc, ông được thăng cấp thiếu tá và nhanh chóng quay trở lại cuộc sống ở Washington, D.C.

Trong suốt cuộc chiến, Clara Harris đã trở thành bạn của Đệ nhất phu nhân Mary Todd Lincoln thông qua các mối quan hệ chính trị của cha cô. Khi gia đình Tổng thống Lincoln quyết định đi xem buổi trình diễn vở kịch “Our American Cousin” tại Rạp hát Ford vào tối 14/4/1865, họ đã đề nghị Rathbone và Harris tham gia cùng sau khi vợ chồng Ulysses S. Grant không thể đến được.

Rathbone không biết rằng cuộc đời ông sẽ thay đổi mãi mãi.

Ngay sau 8 giờ tối ngày hôm đó, Henry Rathbone và Clara Harris gặp Tổng thống Lincoln và Đệ nhất phu nhân ở góc đường 15 và đường H ở Washington, D.C. để cùng họ đến Nhà hát Ford.

Họ đến nhà hát và ngồi vào Khu vực Tổng thống để xem vở kịch. Tuy nhiên, ngay sau 10 giờ tối, John Wilkes Booth đã lẻn vào đây và bắn một phát súng mà hắn tính toán thời gian cẩn thận để trùng với thời điểm khán giả phá lên cười vì một câu thoại hài hước.

Sau này, Rathbone đã thuật lại về hành động của mình ngay sau đó: “Tôi ngay lập tức lao về phía Booth và tóm lấy hắn ta. Hắn vật lộn để thoát khỏi tay tôi và dùng một con dao to định đâm mạnh vào ngực tôi. Tôi đã tránh đòn bằng cách hất con dao lên và bị một vết thương sâu vài cm ở cánh tay trái, giữa khuỷu tay và vai”.

Cuộc đời bi kịch của người cố gắng bắt kẻ ám sát Tổng thống Lincoln - Ảnh 3.

Tranh vẽ vụ ám sát Tổng thống Lincoln. Ảnh: National Archive

Sau đó, Booth thoát ra khỏi vòng vây của Rathbone và viên thiếu tá hét lên: “Chặn tên đó lại”. Booth đã tìm cách trốn thoát. Rathbone cố gắng mở cánh cửa mà Booth đã chặn bằng một tấm ván để các bác sĩ có thể chạy vào hỗ trợ Tổng thống đang hấp hối.

Khi Tổng thống Lincoln được đưa qua đường để đến một nhà trọ - nơi các bác sĩ cố gắng cứu sống ông, Rathbone và Harris đã đưa Đệ nhất phu nhân đến bên giường của chồng bà. Rathbone sau đó bất tỉnh vì mất máu và ông được đưa về nhà Harris để hồi phục.

Sáng sớm hôm sau, Tổng thống Lincoln đã chết vì vết thương do đạn bắn vào đầu, còn Henry Rathbone không bao giờ tha thứ cho bản thân vì không thể ngăn cản tên sát nhân.

Từng là một con người khỏe mạnh, sôi nổi của xã hội thượng lưu, Rathbone bắt đầu gặp vấn đề về cả sức khỏe thể chất và tinh thần trong những năm sau vụ ám sát ông Lincoln. Tuy nhiên, quyết tâm tiếp tục cuộc sống bình thường nhất có thể, ông và Harris kết hôn vào năm 1867 và có ba người con.

Sau khi từ chức trong quân đội vào năm 1870, Rathbone đã phải vất vả duy trì việc làm do sức khỏe ngày càng suy giảm. Ông gặp các cơn đau dây thần kinh ở đầu và mặt, tim đập nhanh và khó thở. Rathbone cũng hoang tưởng nghĩ rằng vợ mình sẽ bắt các con và bỏ mình để đi theo một người đàn ông khác.

Clara Harris luôn ủng hộ chồng mình hết mức có thể. Trong một lá thư gửi cho một người bạn, Harris viết: “Tôi hiểu nỗi đau khổ của anh ấy… Trong mỗi khách sạn mà chúng tôi ở, ngay khi mọi người nhận ra sự hiện diện của chúng tôi, chúng tôi cảm thấy mình trở thành đối tượng bị nhòm ngó... Mỗi khi chúng tôi ở trong phòng ăn, chúng tôi bắt đầu cảm thấy mình giống như động vật trong sở thú. Henry tưởng tượng rằng lời xì xào về họ sắc nhọn và ác ý hơn bình thường”.

Để nỗ lực có khởi đầu mới và thoát khỏi sự công kích liên tục của các phóng viên, gia đình Rathbone chuyển đến Đức vào năm 1883. Thật không may, khi tới đó, Rathbone còn trở nên điên loạn hơn.

Clara Harris hy vọng rằng chuyển ra nước ngoài sống sẽ có ích cho gia đình họ. Tuy nhiên, thật không may, Rathbone đã thích nghi không tốt. Dần dần, ông càng trở nên hoang tưởng và tức giận hơn.

Bác sĩ G. W. Pope, người đã khám cho Rathbone vào đêm Tổng thống Lincoln bị ám sát, sau đó nói rằng Rathbone không bao giờ hoàn toàn là chính mình sau đêm đó. Ông nói: “Tôi chắc chắn khi khẳng định rằng thảm kịch kinh hoàng này, vốn là nguyên nhân dẫn đến tính khí lo lắng trong nhiều năm, đã gieo mầm cho cơn cuồng loạn giết người đó”.

Vào ngày 23/12/1883, sức khỏe tâm thần của Rathbone đã xấu đi đến mức ông đã ra tay với chính gia đình mình. Tối hôm đó, ông lấy khẩu súng lục và đi vào phòng ngủ của các con. Harris đã đánh lạc hướng chồng và dụ chồng vào phòng riêng của họ, đóng cửa lại.

Rathbone sau đó tấn công Harris một cách dữ dội, bắn vợ nhiều lần rồi đâm vợ để đảm bảo rằng vợ đã chết. Sau đó, ông ta quay con dao vào mình, đâm vào ngực 5 nhát để tự kết liễu mạng sống.

Henry Rathbone không chết và người ta tuyên bố ông ta mất trí, không bị truy tố về tội giết vợ. Ông bị đưa đến nhà thương điên, nơi mà ông ở gần 30 năm cho đến khi qua đời vào ngày 14/8/1911.

Vụ ám sát Abraham Lincoln đã thay đổi lịch sử nước Mỹ mãi mãi và phá hủy cuộc đời của tổng thống và gia đình ông. Tuy nhiên, nó cũng khiến gia đình Rathbone trẻ trung và đầy tiềm năng sụp đổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại