Cuộc đại tu năng lượng trị giá 7 nghìn tỷ USD của Trung Quốc châm ngòi 'cơn sốt vàng' về pin

Hữu Hiển |

Nhiều công ty bao gồm cả nhà sản xuất thực phẩm cũng xoay trục sang đầu tư vào công nghệ pin lithium ở điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế Trung Quốc.

Cuộc đại tu năng lượng trị giá 7 nghìn tỷ USD của Trung Quốc châm ngòi cơn sốt vàng về pin - Ảnh 1.

Theo tờ Finacial Times, các công ty Trung Quốc từ các nhà sản xuất thực phẩm đến các công ty khởi nghiệp công nghệ đang đổ xô đầu tư vào lĩnh vực lưu trữ năng lượng của nước này, được thúc đẩy bởi khoản chi lớn của nhà nước theo kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm đạt được sự độc lập về năng lượng.

Số lượng công ty công nghệ lưu trữ năng lượng tăng hơn gấp đôi

Theo dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin doanh nghiệp Trung Quốc Aiqicha, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký là công ty công nghệ lưu trữ năng lượng đã tăng hơn gấp đôi trong 3 năm qua, lên gần 109.000 doanh nghiệp.

Yijing Wang - người sáng lập 2060 Advisory, một công ty tư vấn đầu tư tập trung vào công nghệ sạch có trụ sở tại thành phố Hàng Châu - cho biết, đã có một “cơn sốt vàng”, với sự gia tăng “đáng kể” số lượng doanh nhân, nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân và nhà nước nhắm mục tiêu vào công nghệ và dự án về pin.

“Chúng tôi đã chứng kiến sự thay đổi này chỉ trong 2 đến 3 năm. Đây là một ngành công nghiệp đã tồn tại từ trước… nhưng nó từng không hấp dẫn”, bà Wang nói.

Theo tờ Finacial Times, công nghệ lưu trữ năng lượng, bao gồm các bộ pin lớn để lưu trữ ở cấp độ lưới điện, được coi là trụ cột chính trong cuộc đại tu hệ thống năng lượng của Trung Quốc sau khi ông Tập cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide ròng xuống gần bằng 0 vào năm 2060.

Goldman Sachs dự báo rằng, lĩnh vực lưu trữ năng lượng, được mở ra bởi các chính sách năng lượng của Trung Quốc, sẽ là một phần của cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hơn 7000 tỷ USD cho đến năm 2040.

Tuy nhiên, có những lo ngại về chu kỳ bùng nổ và phá sản trong ngành công nghiệp pin khi những người không có chuyên môn chạy theo sự tài trợ của nhà nước. Trong những năm gần đây, hàng chục nghìn công ty đã bắt đầu phát triển xe điện và chip máy tính sau khi những lĩnh vực này được Bắc Kinh ưu tiên tài trợ. Cuộc chạy đua trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng cũng có những dấu hiệu giống như vậy.

Ví dụ, nhà sản xuất thực phẩm xay nhuyễn lớn nhất Trung Quốc Nanfang Black Sesame Group vào tháng 3 cho biết rằng, Jiangxi Xiaohei Xiaomi Food - một công ty con thuộc sở hữu toàn phần của họ, được niêm yết tại thị trường chứng khoán Thâm Quyến - sẽ chuyển đổi lĩnh vực hoạt động kinh doanh từ thực phẩm sang lưu trữ năng lượng, và đầu tư 3,5 tỷ CNY (490 triệu USD) để xây dựng cơ sở sản xuất pin lithium.

Cuộc đại tu năng lượng trị giá 7 nghìn tỷ USD của Trung Quốc châm ngòi cơn sốt vàng về pin - Ảnh 2.

Goldman Sachs đã dự báo rằng vào năm 2030, Trung Quốc sẽ cần mức lưu trữ từ pin gấp 70 lần so với năm 2021. Ảnh: Getty Images

Điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế Trung Quốc

Theo tờ Finacial Times, công nghệ lưu trữ năng lượng sẽ hỗ trợ kế hoạch của Trung Quốc - quốc gia gây ra ô nhiễm nhiều nhất thế giới - nhằm cắt giảm sử dụng than và triển khai một lượng lớn cơ sở năng lượng mặt trời và gió. Pin sẽ cung cấp điện dự phòng khi các nguồn năng lượng tái tạo không sản xuất đủ điện.

Goldman Sachs dự báo rằng, Trung Quốc cần khoảng 520 gigawatt năng lượng lưu trữ vào năm 2030, trong đó có tới 410 gigawatt đến từ pin. Điều đó phản ánh mức tăng gấp 70 lần so với mức lưu trữ từ pin vào năm 2021.

Nikhil Bhandari - đồng trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ sạch và tài nguyên thiên nhiên châu Á-Thái Bình Dương của Goldman Sachs - đã mô tả việc lưu trữ năng lượng là “công cụ chính thúc đẩy năng lượng tái tạo suốt ngày đêm” ở Trung Quốc.

Yijing Wang - người sáng lập 2060 Advisory - lưu ý rằng, nhiều doanh nhân ở Trung Quốc được cổ vũ bởi sự chắc chắn của các cam kết về biến đổi khí hậu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ngoài ra còn có bối cảnh rộng lớn hơn là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và triển vọng suy giảm về tốc độ phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch, làm tăng thêm cảm giác rằng các điểm sáng trong nền kinh tế Trung Quốc trở nên khó tìm hơn đối với các nhà đầu tư, bà Wang nói.

Neil Beveridge - một nhà phân tích của Bernstein tại Hồng Kông - cho biết, “tình trạng dư thừa công suất vẫn là rủi ro lớn nhất” mà các nhà đầu tư vào chuỗi giá trị pin của Trung Quốc phải đối mặt; mặc dù ông lưu ý rằng, quy mô và công nghệ cũng có thể “giới hạn những người chiến thắng về dài hạn trong một nhóm nhỏ các công ty”.

Ông Beveridge cũng lưu ý về chính sách của Mỹ nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của nước này vào các nhà sản xuất công nghệ sạch của Trung Quốc, bao gồm cả các nhà sản xuất pin. Ông cho biết, việc cô lập Trung Quốc trên trường quốc tế dường như là một trong những “mối quan tâm lớn nhất đối với các nhà đầu tư”.

“Mặc dù Trung Quốc đã mất thị trường Mỹ, nhưng họ vẫn thống trị các thị trường khác và sẽ là người chơi hàng đầu ở châu Âu”, ông Beveridge nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại