"Cuộc chơi" với bộ đôi Trump-Putin, Thổ Nhĩ Kỳ đang "điều khiển" cả Nga, Mỹ ở Syria?

Quốc Vinh |

Khi quan hệ với Mỹ bất ngờ tốt trở lại, câu hỏi đặt ra là Thổ Nhĩ Kỳ liệu có còn muốn tiếp tục gần gũi với Nga và thỏa thuận mua S-400 có nguy cơ bị ngừng trệ hay không?

Đòn bẩy của Tổng thống Erdogan

Ngày 11/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là một trong số gần 70 nhà lãnh đạo thế giới được mời đến Paris dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I.

Theo một nghĩa nào đó, đây được coi là sự đáp lễ của Tổng thống Emanuel Macron dành cho người đồng cấp Erdogan sau khi ông cùng với các nhà lãnh đạo Đức, Nga dự hội nghị thượng đỉnh Syria ở Istanbul tháng trước.

Kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất có thể sẽ giúp Tổng thống Erdogan nâng cao hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo nổi bật trong nền chính trị quốc tế.

Tại Paris, ông Erdogan sẽ gặp mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin. Đây là một đầu mối khác mà ông Erdogan đang đánh cược lớn, theo Al-Monitor. Trên thực tế, ông cũng là một trong số rất ít chính khách trên thế giới đang có đòn bẩy với cả hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga.

Quan hệ giữa Ankara và Washington đã có những dấu hiệu khởi sắc thời gian qua. Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ trở thành một trong 8 quốc gia được Mỹ miễn trừ trong lệnh trừng phạt chống lại Iran.

Không điều gì có thể minh họa tốt về việc mối quan hệ giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Trump đã ấm trở lại bằng sự miễn trừ này từ Washington.

Đáng chú ý hơn, việc tái thiết lập quan hệ Erdogan-Trump lại không phải đến từ kết quả của một sự thỏa thuận giữa hai người.

Cuộc chơi với bộ đôi Trump-Putin, Thổ Nhĩ Kỳ đang điều khiển cả Nga, Mỹ ở Syria? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump gặp Tổng thống Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, Tổng thống Erdogan gần như không có gì để yêu cầu ông Trump phải có một bước đi nhượng bộ như vậy. Nhưng ngược lại, ông đã gặt hái được điều này bằng cách đánh vào "quân bài" yêu thích của ông Trump ở Trung Đông - Saudi Arabia.

Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi đến như một tin tốt lành cho chính quyền Erdogan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã biến nó thành đòn bẩy hiệu quả để có thể nắm thế trên cơ với Washington và Riyadh cùng một lúc.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã có một cuộc chơi rất thành công, và bây giờ ông đang ở Paris để thu thập số thành quả còn lại, trang phân tích Al-Monitor nhận định.

Về vụ Khashoggi, ông Erdogan đã cải thiện hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo tôn trọng tiếng nói độc lập, cải thiện vấn đề về tự do ngôn luận về nhân quyền – điều mà Mỹ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Ankara vì bắt giữ nhiều người kể từ sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016.

Người Kurd ở Syria

Trong cuộc gặp với Tổng thống Trump, gần như chắc chắn rằng ông Erdogan sẽ đưa ra vấn đề ở bờ Đông sông Euphrates, nơi quân đội Mỹ hợp tác với lực lượng người Kurd mà phía Ankara cáo buộc có liên quan đến khủng bố.

Cuộc chơi với bộ đôi Trump-Putin, Thổ Nhĩ Kỳ đang điều khiển cả Nga, Mỹ ở Syria? - Ảnh 2.

Khi quan hệ với Mỹ tốt trở lại, Thổ Nhĩ Kỳ có còn quá thân thiết với Nga?

Trong chiến thắng ngoại giao rực rỡ ở hội nghị thượng đỉnh Istanbul, chính quyền Erdogan đã không giấu giếm ý định mở chiến dịch xóa bỏ sự hiện diện của người Kurd mà Mỹ đang hợp tác ở phía Đông Euphrates.

Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành pháo kích vào các mục tiêu người Kurd và ngụ ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có các động thái triển khai quân sự đến các thị trấn như Tell Abyad và Kobani.

Sau vụ bắn phá của Thổ Nhĩ Kỳ, người Mỹ bắt đầu tuần tra chung với người Kurd ở Syria, dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria để ngăn chặn nguy cơ một cuộc đụng độ nổ ra giữa hai đồng minh NATO.

Hiện vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump về cách phản ứng của người Mỹ trước nhu cầu của ông Erdogan liên quan khu vực Đông Euphrates.

Tuy nhiên trong một động thái mới đầy thiện chí, Mỹ đang cho thấy phần nào câu trả lời của mình về việc chọn người Kurd hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào ngày 6/11, Đại sứ quán Mỹ tại Ankara đã ban hành một tuyên bố từ Phó Trợ lý Ngoại trưởng Matthew Palmer sau khi ông gặp một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.

"Mỹ đánh giá cao sự hợp tác chống khủng bố với đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi. Là một phần trong chuyến thăm, tôi vui mừng thông báo về Giải thưởng Công lý của bộ Ngoại giao Mỹ nhắm vào ba thành viên cấp cao của tổ chức khủng bố đảng Công nhân người Kurd (PKK)", tuyên bố cho biết.

"Bộ quyết định trao thưởng cho bất cứ thông tin nào giúp xác định vị trí của các thành viên PKK cao cấp bao gồm: Murat Karayilan (lên tới 5 triệu USD), Cemil Bayik (lên tới 4 triệu USD) và Duran Kalkan (lên tới 3 triệu USD)".

Với những món quà như vậy từ đồng minh NATO của mình, liệu Tổng thống Erdogan ở Paris có lùi lại một bước trong việc mua lại hệ thống phòng không S-400 của Nga – điều vốn đã làm phật lòng Mỹ trước đó hay không?

Nhưng cũng tại Paris, ông Erdogan cũng sẽ gặp người bạn của mình ở Syria: Tổng thống Putin - người mà ông đang có những thỏa thuận mà hai bên đang rất hài lòng ở "phía Tây Euphrates", bao gồm Afrin và hơn cả là ở Idlib.

Có thể thấy rằng, không còn lép vế như trước, Thổ Nhĩ Kỳ đang có những lợi thế trong tay để Mỹ và Nga phải quan tâm đến nhu cầu của chính nước này.

Tổng thống Erdogan đang "chơi lớn" với hai người đồng cấp Trump và Putin. Bước đi này giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ (và cả chính ông) trở thành một "quyền lực lớn hơn ở khu vực" và cho thấy Ankara như một người chơi quan trọng trong thỏa thuận lớn ở Syria trên một nền tảng bình đẳng với các đối tác Mỹ và Nga .

Cho dù thắng hay thua thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang giữ được vị thế rất lớn khi đối đầu với hai cường quốc lớn nhất thế giới. Điều quan trọng nhất vẫn là ông Erdogan dám "chơi lớn" và biết rằng mình đang nhận về thành quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại